công ty cơ chế hoạt động hình thức việt nam giải trí
PN - Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã thua "trắng bụng" trước các công ty truyền thông tư nhân ngay trên sóng của mình. Câu chuyện này được chính ông Lại Văn Sâm - Trưởng ban Thể thao - giải trí và thông tin kinh tế thừa nhận tuần qua.
Theo ông Sâm, dù VTV3 đã xin được cơ chế hoạt động độc lập như những công ty truyền thông bên ngoài, nhưng toàn bộ chương trình "khủng" nhất đã bị các công ty truyền thông mua hết rồi. Cái còn lại chỉ là những thứ "râu ria", nếu VTV3 mua sẽ chết, bởi vì nó không "hot". Vì thế, kênh này buộc phải bằng lòng với những gì mình đang có.
Chuyện các công ty truyền thông bên ngoài nắm quyền chi phối các khung giờ đẹp của VTV đã xảy ra từ lâu, nhưng năm nay xem ra tình trạng này càng trở nên khốc liệt hơn với hàng chục chương trình truyền hình thực tế mới đổ bộ.
Do không nắm được bản quyền các chương trình "hot" nhất nên VTV bị dồn vào thế "nhắm mắt làm ngơ" trước sự lộng hành của những công ty truyền thông, Đài Truyền hình quốc gia cũng buộc phải tuân theo luật chơi của các công ty này nếu muốn có những chương trình "hot" nhất trên sóng của mình.
Đó cũng là nguồn cơn của những scandal xảy ra liên tiếp trên sóng VTV. Tất cả các chương trình tìm kiếm tài năng, thi thố phát sóng trên VTV đều xảy ra những nghi án dàn xếp kết quả. Mà không nghi không được, khi VTV đã cho phép các công ty truyền thông tổ chức chương trình được quyền không phải công bố kết quả bình chọn.
Một hiện thực khác nữa là tình trạng quảng cáo tràn lan trong các chương trình truyền hình thực tế ăn khách thời gian qua. Bước nhảy hoàn vũ, Giọng hát Việt (ảnh) luôn ngập quảng cáo khiến có khi chương trình kéo dài đến 1g sáng hôm sau.
Mạnh tay hơn, Tìm kiếm tài năng Việt Nam (Vietnam's Got Talent) năm nay còn ép khán giả phải nhìn sản phẩm của nhà tài trợ bằng cách buộc thí sinh phải diễn với dầu gội, nước xả vải, kem đánh răng trong tất cả các phần giới thiệu của mình.
Hậu quả của việc VTV để các công ty truyền thông thao túng sóng chưa dừng ở đó, vì chúng chỉ là những hậu quả ngắn hạn và trước mắt. Về lâu dài, theo một nghiên cứu của Mỹ, kỷ nguyên của truyền hình thực tế đang có những tác động xấu đến hình ảnh của làng giải trí cũng như diện mạo quốc gia của mỗi nước trước người xem truyền hình.
Quả thật, trong vòng vài năm trở lại đây, khi các chương trình truyền hình thực tế bùng nổ trên sóng VTV, những cuộc cãi vã, những gian dối, kiện tụng và cả thóa mạ nhau tràn ngập mặt báo. Diện mạo của làng giải trí trở nên tầm thường hơn và cũng méo mó đi trong mắt công chúng.
Nói về những cái hiện VTV3 có, ông Lại Văn Sâm cho rằng: "Mình vẫn cố gắng nhưng những cái mình hài lòng chỉ nằm trong một cái ao làng". Đó không chỉ là lời tự thú chua chát phản ánh thực tế năng lực của VTV mà còn là sự "an phận" đáng lo cho tương lai của những chương trình truyền hình thực tế của Việt Nam.
M.I.N.H
Ảnh: HOÀNG YẾN
việt nam giải trí công ty cơ chế hoạt động hình thức
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.