giải trí gia văn hoá quân đội văn phòng việt nam chính trị gia đình điện ảnh
QĐND - Mới mấy ngày đầu trong quân ngũ nên những chiến sĩ mới khi được hỏi có nhớ nhà, nhớ bố mẹ, hay bạn gái không... thì có người mắt bỗng chợt ngấn đỏ. Nhưng bên cầu ao đơn vị, họ thoăn thoắt chuyền tay nhau xô nước, tưới cho những luống rau cải xanh tốt đang cựa mình vươn lên. Cùng với đó là những lời đùa vui tếu táo, dí dỏm khoe thành tích lần đầu thắng trận kéo co vừa lập được trong lễ ra quân huấn luyện.
Nhớ trong lòng thôi...
Chung với không khí phấn khởi, nô nức của toàn quân, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 45 (Binh chủng Pháo binh) phấn chấn ra quân huấn luyện năm 2013. Sau những thời khắc trang trọng của lễ ra quân huấn luyện và phát động phong trào thi đua của đơn vị, là không khí sôi động của các tiết mục hát múa, kéo co. Năm nay, Lữ đoàn 45 có hàng 144 chiến sĩ mới, đến từ 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Bình và Phú Thọ. Thượng tá Nguyễn Công An, Phó chính ủy Lữ đoàn cho biết: "Số chiến sĩ mới tập trung ở tiểu đoàn pháo 3 và tiểu đoàn pháo 5 hầu hết đã tốt nghiệp cấp 2, cấp 3. Sau ngày đầu ổn định nơi ăn chốn ở, cơ quan chính trị đã triển khai công việc, nắm trích ngang lý lịch, văn hóa, phong tục tập quán, sở trường của từng chiến sĩ mới. Trong các buổi đầu sinh hoạt tập thể, động viên khuyến khích từng chiến sĩ kể lịch sử quê hương mình cho mọi người cùng nghe, sau đó phát huy tinh thần của từng chiến sĩ mới đối với hoạt động, sinh hoạt chính trị, văn hóa, thể thao của đơn vị. Riêng ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị, đặc biệt là hai đơn vị có chiến sĩ mới tham gia các hoạt động: Tham quan nhà truyền thống Lữ đoàn, đọc sách báo phòng Hồ Chí Minh, thi đấu bóng đá, bóng chuyền; tập hát ca khúc quân đội, các điệu nhảy trong quân đội, thi hát karaoke... Trong tháng 4 sẽ tổ chức diễn đàn cho chiến sĩ mới với chủ đề "Tôi nói về tôi", tháng 5 tổ chức giao lưu nhân chứng gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ...".
Phút e dè của các chàng tân binh Trung đoàn 692 (Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) khi được phóng viên hỏi. |
Bên luống rau ở Tiểu đoàn 3, tân binh Phạm Anh Thế cho chúng tôi biết: "Em ở huyện Đan Phượng, Hà Nội, trước khi nhập ngũ làm thợ lắp điều hòa thu nhập cũng khá (từ 5-7 triệu đồng/tháng). Nhập ngũ, không còn tiền để tiêu xông xênh, kể ra cũng bứt rứt. Nhưng đã xác định lên đường nhập ngũ nên em sẽ sớm thích nghi. Với lại biết đâu sau này, đi xin việc, người ta thấy mình từng qua bộ đội, có khi lại trả lương cao hơn"... Những bộc bạch chân tình, trong sáng của Thế khiến mọi người cùng bật cười. Tưới rau cùng với Thế, tân binh Trần Đình Huy (nhà xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) mắt hơi ngấn đỏ khi chúng tôi hỏi chuyện về gia đình, người thân. Huy bảo: "Lần đầu trong đời xa người thân, bố mẹ lâu thế này, không nhớ sao được. Nhưng em tự nhủ, có nhớ thì giấu vào lòng thôi. Em xác định, mong muốn được phục vụ lâu dài trong quân đội thì tự bản thân phải phấn đấu, phấn chấn hơn nữa".
Xóa tan những bỡ ngỡ
Chiến sĩ mới quả là nhiều chuyện vui. Binh nhì Nguyễn Văn Phong, Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đội 3, Trung đoàn 692 (Sư đoàn 301-Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) rụt rè tâm sự: "Lần đầu tiên được trả lời phỏng vấn của các... phóng viên". Văn Phong quê ở Kim Lan, huyện Gia Lâm (Hà Nội), là một làng nghề gốm cạnh làng gốm nổi tiếng Bát Tràng. Gần 20 năm sống, học rồi theo nghề làm gốm truyền thống của gia đình, khoác trên mình màu xanh áo lính là lần đầu tiên Phong xa gia đình. Văn Phong thổ lộ: "Trước đây, sau những mẻ gốm chế tác kỳ công đưa vào lò xong là thanh niên í ới rủ nhau đi chơi, xem phim, chơi điện tử, vào facebook, internet... thích lúc nào về thì về, thời gian không ai quản, nay vào quân đội, thực hiện điều lệnh giờ giấc nghiêm túc, giờ nào việc nấy, tuy có hơi bỡ ngỡ nhưng bù lại rất vui vì được cán bộ, lãnh đạo đơn vị quan tâm, thường xuyên hỏi chuyện và động viên kịp thời".
Những chàng tân binh Lữ đoàn 45 pháo binh dường như đã thuần thục tưới cây, trồng rau, dù có người trước đó còn khá lạ lẫm với công việc này. |
Trung tá Bùi Lan Phương, Phó trưởng phòng Phát hành phim-Băng hình (Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị) cho biết, kế hoạch nhập phim và phát hành phim tới các đơn vị, điểm chiếu trong toàn quân được Phòng Phát hành phim triển khai hằng năm trong dịp chiếu phim mừng Xuân, mừng Đảng và ra quân huấn luyện chiến sĩ mới. Do điều kiện điện ảnh Việt Nam trong những năm qua không có nhiều phim mới, nên các phim chiếu gửi đi đơn vị vẫn là các phim "Đừng đốt", "Mùi cỏ cháy", "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông", "Tây Sơn hào kiệt", "Đam mê"... Tuy nhiên vẫn đáp ứng đủ số lượng bản phim chiếu ở các đơn vị toàn quân".
Theo Trung tá Bùi Lan Phương, nhằm giới thiệu tới chiến sĩ trẻ những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam, đặc biệt năm nay tròn 60 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam, trước đó là kỷ niệm 40 năm "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không", Phòng Phát hành phim chú trọng in các bản phim kinh điển gửi tới các đơn vị như: "Thương nhớ đồng quê", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Em bé Hà Nội", "Hà Nội 12 ngày đêm",... Bên cạnh đó, Phòng Phát hành phim còn mua bản quyền các băng đĩa âm nhạc như: Album ca nhạc "Mùa xuân đầu tiên" của ca sĩ Bích Hồng, "Gần lắm Trường Sa" của ca sĩ Khánh Hòa, hàng loạt băng đĩa hài... in, sao gửi đến các đơn vị. Trong thời gian tới, Phòng Phát hành phim tiếp tục mua bản quyền các bộ phim mới, mang tính giải trí của điện ảnh Việt Nam đoạt giải trong các kỳ LHP, Cánh diều vàng năm vừa qua để kịp thời trình chiếu, đáp ứng nhu cầu thưởng thức phim ảnh, giải trí của bộ đội.
Trung tá Nguyễn Văn Khanh, Phó chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 45 cho hay: "Bên cạnh công tác huấn luyện quân sự, thì kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, giải trí, thể thao vui tươi, lành mạnh góp phần không nhỏ vào thành công trong 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới. Có lắng nghe tâm tư, tình cảm của anh em, mới để hiểu rõ hơn, kịp thời động viên, khích lệ để chiến sĩ mới vừa chuyên tâm với công tác huấn luyện, vừa phát huy sở trường của từng người, góp vào thành tích chung cũng như tạo không khí hòa nhập, đoàn kết, vui tươi trong đời sống đơn vị".
Bài và ảnh: ĐÌNH HÙNG - VƯƠNG HÀ
gia điện ảnh gia đình giải trí việt nam văn hoá văn phòng chính trị quân đội
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.