Công ty cổ phần Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) xin trả nợ dần tiền trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Theo pháp luật hiện hành, có nhiều quy định để xử lý đối với tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội. Nhưng thực tế từ nhiều năm qua đã chứng minh, các biện pháp này không được thực hiện hoặc thực hiện nhưng không mang lại hiệu quả.
Trốn đóng càng nhiều, càng có lợi!
Theo quy định, DN chậm đóng BHXH trên 30 ngày phải chịu phạt chậm đóng bằng với lãi suất đầu tư của BHXH VN, hiện nay là 0,98%/tháng, tương ứng 11,76%/năm.
So với lãi suất cho vay của một số ngân hàng hiện nay, mức lãi phạt chậm đóng này vẫn thấp, và càng thấp hơn nhiều lần so với mức lãi vay có khi lên tới 25%/năm thời kỳ vài năm trước.
Ngoài ra, trước đây, nếu DN trốn đóng BHXH chỉ bị phạt tối đa 30 triệu đồng (mỗi năm chỉ được phạt một lần). Mới chỉ gần đây, mức xử phạt hành chính này mới được nâng lên tối đa 75 triệu đồng (Nghị định 95/2013/NĐ-CP, có hiệu lực từ 10.10.2013).
Nếu một DN trốn đóng BHXH khoảng chục tỉ đồng, thì mức xử phạt trên chỉ như gãi ngứa. Và chỉ cần làm phép so sánh đơn giản, cũng sẽ thấy, việc DN trốn đóng BHXH càng nhiều càng có lợi.
Chính vì thế, ngay nhiều cán bộ ngành BHXH cũng hài hước "nếu làm DN cũng chẳng dại gì mà không trốn đóng BHXH!".
Ngoài ra, theo quy định tại điểm a, khoản 2, Nghị định 135/2007/NĐ-CP, DN có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động có thời hạn hoặc không thời hạn nếu vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH. Nhưng thực tế thì sao?
Ở TPHCM trước đây, Cty Kwang Nam (Q. Phú Nhuận) nợ BHXH trên 5 tỉ đồng, các cơ quan chức năng sau nhiều lần xử phạt, cũng đã bàn tới chuyện rút giấy phép tạm thời của DN này. Thế nhưng, bàn tính mãi rồi... đành thôi, vì lo ngại ảnh hưởng đến việc làm của hàng trăm lao động. Cuối cùng thì DN này cũng tự giải thể, NLĐ bị thiệt hại nghiêm trọng.
Một quy định khác của Nghị định 135/2007/NĐ-CP là cho phép Thanh tra LĐ được quyền trích trừ tài khoản của DN để chuyển vào tài khoản của cơ quan BHXH.
Ngày 18.2.2008, liên bộ: LĐTBXH, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước còn có thông tư liên tịch 03/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC-NHNN hướng dẫn thủ tục thực hiện nghị định. Quy định trên tưởng chừng rất mạnh, nhưng thực tế cực kỳ khó khăn khi thực hiện.
Cũng Cty Kwang Nam, khi Thanh tra LĐTBXH TPHCM, xác minh ngân hàng nơi DN này mở tài khoản để trừ tiền trốn đóng BHXH thì được thông báo, chỉ còn ... vài USD và mấy chục ngàn đồng.
Tương tự, với Cty HM Vi Na (Q. Tân Phú - TPHCM), một DN hoạt động cả 7 năm (từ 2003-2010) mà không đóng BHXH cho khoảng 300 CN số tiền vài tỉ đồng, khi xác minh thì cũng được biết tài khoản Cty này chỉ còn vài trăm ngàn đồng!
Kiện là thắng, nhưng thi hành án... may rủi
Ông Huỳnh Tấn Dũng, Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH TPHCM, cho biết mới đây, cũng đã gửi xác minh tài khoản của vài DN để trừ tiền trốn đóng BHXH, nhưng cũng chưa thấy ngân hàng "trả lời, trả vốn gì".
Ông Phạm Minh Thành, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai, cũng băn khoăn: "Hầu hết DN trốn đóng BHXH, khi xác minh tài khoản giao dịch với cơ quan BHXH, chẳng còn đồng nào. Vậy là quy định có, nhưng không thực hiện được".
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận phải có văn bản chỉ đạo một số cơ quan chức năng TP, thực hiện thông tư liên tịch 03/2008. Nhưng ngay cả khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, nhiều DN trơ ra mà cơ quan chức năng cũng không làm được gì.
Như trường hợp Cty HM Vina, khi bị xử phạt 86 triệu đồng (mức kỷ lục), DN này không đóng, rồi tự giải thể, vì vậy, khoản tiền phạt thực tế chỉ có giá trị trên giấy. Ông Huỳnh Tấn Dũng, bức xúc nhìn nhận "chỉ khoảng 20% DN bị xử phạt hành chính chấp hành, còn lại ỳ ra".
Giải pháp khả thi nhất đối với các DN trốn đóng BHXH là khởi kiện ra tòa. Nhưng hiệu quả của việc này cũng còn khiêm tốn. Phần lớn, kiện rồi nhưng cũng chỉ "cầm bản án để chơi".
Theo bà Trương Thị Tuyết, Trưởng phòng Kiểm tra, BHXH tỉnh Bình Dương, đến nay toàn tỉnh đã kiện 135 DN trốn đóng BHXH, nhưng mới thu hồi được 32/76 tỉ đồng theo bản án. Còn 44 tỉ đồng chưa biết khi nào mới thu được. Tình trạng này cũng tương tự ở các tỉnh, thành khác.
Ông Lê Liêm, Giám đốc BHXH Q.7, TPHCM, cho biết chỉ có 13/35 DN bị kiện đã có bản án, đã trả hết tiền, 8 DN đang thi hành án, 7 DN thì bỏ trốn.
Ngay như một số DN thuộc Cty cổ phần Tập đoàn Mai Linh, đã có bản án phải trả trên 30 tỉ đồng, nhưng đơn vị này xin "trả góp" mỗi ngày 50 triệu đồng, trong khi tính ra, cả số tiền phát sinh và tiền trốn đóng, thì mỗi ngày Cty này phải trả trên 1 tỉ đồng! Hay như trường hợp Cty CP dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT), dù đã có bản án phải trả 15 tỉ đồng trốn đóng BHXH, nhưng lại làm đơn xin được... trả dần đến năm 2015!
Như vậy, việc kiện thì cứ kiện, nhưng hiệu quả thì... may rủi. Đó là chưa kể, theo nhìn nhận của nhiều lãnh đạo cơ quan BHXH, những khoản chi phí khi khởi kiện, thi hành án có khi chẳng biết hạch toán vào đâu, còn cán bộ BHXH thì chưa ai được đào tạo nghiệp vụ về kiện tụng, toàn tự thân mò mẫm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.