bão thế giới doanh nghiệp xuất khẩu tổng giám đốc việt nam thị trường công ty công ty cổ phần gia doanh nghiệp sản xuất
Thông tin về việc Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) xin xuất khẩu đường do tồn kho (khoảng 400.000 tấn), khiến dư luận những tưởng Bộ Công Thương (cơ quan quản lý hạn ngạch xuất nhập khẩu đường) thiếu nhiệt tình trong việc giải cứu ngành sản xuất đường. Nhưng có trong cuộc mới biết, vấn đề tồn kho hiện nay của các doanh nghiệp sản xuất mía đường không hoàn toàn do không được xuất khẩu mà có nguyên nhân khác, rất đáng trách là găm hàng thổi giá, giờ lâm vào cảnh "gậy ông đập lưng ông".
Trong công văn đề ngày 2/3/2013, VSSA nhấn mạnh, đây là lần thứ 3 VSSA có công văn kiến nghị lên Thủ tướng, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin được xuất khẩu đường. Công văn thứ nhất vào tháng 11/2012, và thời điểm đó, lượng đường tồn kho vào khoảng 110.000 tấn. Khi đường tồn kho lên đến 250.000 tấn, VSSA đã có kiến nghị lần 2 và lần kiến nghị gần đây nhất (2/3), lượng đường tồn kho đã ở mức 347.000 tấn.
Tại sao từ tháng 11/2012 đến nay, VSSA dồn dập làm công văn xin xuất khẩu đường?
Trước đó, tháng 7/2012, tức là trước thời gian VSSA có công văn thứ nhất xin xuất khẩu đường 3 tháng, thị trường đường trong nước bỗng trở nên khan hiếm. Các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, nước giải khát nháo nhào tìm mua đường nhưng không mua được. Mặc dù lúc này, giá đường trong nước đã cao hơn giá thế giới tới 30 - 40%. Hiện tượng lạ này buộc các doanh nghiệp sử dụng đường lớn trong nước đồng loạt lên tiếng trước tình trạng giá đường ở Việt Nam đang cao hơn nhiều so với giá thế giới và rất khó mua. Bức xúc trước tình trạng khan hiếm đường vô lý, một số doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, nước giải khát còn cho rằng, thị trường đường nội đang có dấu hiệu bị "làm giá".
Công ty URC Việt Nam (chuyên sản xuất kinh doanh các loại thực phẩm bánh kẹo, nước giải khát không cồn) đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, VSSA khẩn thiết đề nghị can thiệp tăng cung thị trường đường. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) Mai Kiều Liên cũng bày tỏ bức xúc trước tình trạng giá đường thì cao, trong khi nguồn cung khan hiếm. Bà Liên cho biết, Vinamilk đã gửi báo giá đến 9 đơn vị sản xuất đường trong nước nhưng chỉ có 2 đơn vị trả lời, các đơn vị khác thông báo không có đường để chào giá.
Vào thời điểm trên, Công ty CP mía đường Bourbon cho biết, chỉ có thể cung cấp tối đa 1.000 tấn/tháng, Biên Hòa 400 tấn/tháng, trong khi các đơn vị khác như KCP, Lam Sơn, Tate&Lyle thì chưa cung cấp giá chào với lý do đang kiểm kê hàng tồn kho. Còn Công ty Juna thì từ chối đơn mua đường vì... hết hàng.
Tháng 9, giá đường thế giới bất ngờ giảm mạnh, trong khi dự báo nguồn cung đang vượt so với cầu. Cùng thời điểm này, báo cáo tình hình nông nghiệp 8 tháng năm 2012 của Bộ NN&PTNT bất ngờ cho biết, tính đến 15/8, lượng đường tồn tại kho các nhà máy bỗng có tới 178.100 tấn.
Đến nay, VSSA thực sự lúng túng vì lượng đường tồn kho của các doanh nghiệp lên đến gần 400.000 tấn, trong khi cũng VSSA cho biết, lượng đường tồn kho của Việt Nam thấp hơn so với Thái Lan, Braxin... điều này đồng nghĩa, giá đường có khả năng giảm nếu các nước xả hàng. Lo ngại trước việc giá đường có thể giảm, gây thua lỗ lớn, VSSA đã đề xuất xuất khẩu 400.000 tấn đường để cứu doanh nghiệp.
Trước đề xuất của VSSA, Bộ Công Thương cho biết đang theo dõi chặt chẽ để quyết định. Dư luận ủng hộ việc chưa quyết định của Bộ Công Thương vì việc này cần phải cân nhắc thật kỹ, bởi đường là mặt hàng phải bình ổn giá. Biết đâu, đề xuất cho xuất khẩu đường của VSSA lại là cái "bẫy?".
Vẫn biết, nếu thực sự có chuyện đường trong nước cung vượt cầu, thì việc các doanh nghiệp sớm được xuất khẩu, giải phóng hàng tồn kho sớm ngày nào thì đỡ lỗ ngày đó, nhất là trong bối cảnh lãi suất vay vốn đang cao. Tuy nhiên, VSSA cần nhận ra rằng, sự cân nhắc thận trọng của Bộ Công Thương là cần thiết, bởi các doanh nghiệp mía đường đã "chơi" không đẹp trong năm qua. Hậu quả là không chỉ các doanh nghiệp mía đường chịu trận mà người trồng mía cũng đang bị lao đao. Lỗi này lẽ ra phải phạt nặng, nhưng đến giờ vẫn chưa ai trách các doanh nghiệp thuộc VSSA.
Đức Thịnh
bão xuất khẩu công ty tổng giám đốc thế giới gia thị trường công ty cổ phần việt nam doanh nghiệp doanh nghiệp sản xuất
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.