Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Nhà văn Eva Ibbotson thích viết cho thiếu nhi

gia gia đình khoa học

Trong cuộc trò chuyện với đồng nghiệp Gavin J. Grant, tác giả 'Bí mật sân ga số 13' chia sẻ về nghề viết.

Eva Ibbotson (1925 - 2010) là tác giả được cả trẻ em và người lớn trên khắp thế giới yêu thích, đặc biệt là ở Mỹ và Anh. Một số lượng lớn tác phẩm của bà đứng trong danh sách Book Sense - bảng bình chọn các tác phẩm bán chạy do Hiệp hội Nhà sách Mỹ (American Booksellers Association) lập nên: Which Witch(Mụ phù thủy nào), Island of the Aunts (Hòn đảo của gia đình Aunts), TheSecret of Platform 13(Bí mật sân ga số 13) và loạt tác phẩm viết cho người lớn như A Song for Summer (Khúc ca mùa hè), Madensky Square (Quảng trường Madensky), A Countess Below Stairs (Nữ bá tước dưới cầu thang) và A Company of Swans (Công ty Thiên nga). Cuốn sách mới xuất bản của bà - Journey to the River Sea (Hành trình đến Sông Biển) - được cho là nguồn cảm hứng để J.K.Rowling viết "Harry Potter".

Dưới đây là cuộc trao đổi giữa Eva Ibbotson và nhà văn Gavin J. Grant - một tác giả chuyên viết truyện khoa học, hiện điều hành NXB Small Beer Press - NXB chuyên về dòng sách văn học viễn tưởng có trụ sở tại Northampton, bang Massachusetts (Mỹ).

- Bà bắt đầu viết từ khi nào?

- Tôi bắt đầu viết những câu chuyện và những bài thơ đầu tiên bằng tiếng Đức khi tôi còn là một cô bé sống ở Áo; sau đó tôi viết bằng tiếng Anh khi gia đình tôi nhập cư vào Vương quốc Anh. Khi còn là một học sinh, tôi chỉ viết các bài tiểu luận và các câu chuyện theo các bài giảng trên lớp - việc khiến tôi luôn thích thú. Sau đó, có một khoảng thời gian khá dài bỏ lửng khi tôi lấy bằng cử nhân về khoa học và lập gia đình. Khi 30 tuổi, tôi chuyển tới sống ở một thành phố công nghiệp ở phía bắc và tôi tự tạo niềm vui cho mình bằng cách viết truyện cho các tạp chí. Những truyện này tỏ ra khá dễ bán, dễ đọc với thị hiếu của các em nhỏ. Tôi tiếp tục viết cho các tạp chí cho tới khi cả 4 đứa con của tôi đều đã ở độ tuổi đến trường.

- Bà học ngành khoa học nào?

- Sinh lý học. Khi ấy, đây là một ngành khoa học còn lộn xộn và không hề tỏ ra có ích nếu thiếu y học. Và tôi đã không hề nuối tiếc từ bỏ bộ môn này khi lập gia đình. Nhưng đôi khi tôi cũng sử dụng những kiến thức đó vào trong các tác phẩm của mình. Chẳng hạn, trong cuốn Dial-a-Ghost (Liên lạc với ma), có chi tiết Tiến sĩ Fetlock độc ác tạo ra một phòng thí nghiệm để tìm cách loại bỏ những con ma.

Nhà văn Eva Ibbotson.

-Bà luôn viết sách thiếu nhi?

- Khi bắt đầu, tôi chỉ viết các truyện ngắn và phải đến khi ngoài 40 tuổi, tôi mới bắt đầu viết cuốn truyện dài đầu tiên. Đó là một cuốn sách cho thiếu nhi: The Great Ghost Rescue (Cuộc giải cứu ma vĩ đại). Kể từ đó trở đi, tôi bắt đầu thường xuyên viết cho thiếu nhi.

- Vậy còn sách cho người lớn thì sao?

- Cuốn sách mới nhất tôi viết cho người lớn là Song for Summer (Khúc ca mùa hè), cách đây 4 năm. Trước đó, tôi thường viết xen kẽ cả sách cho người lớn và thiếu nhi, và tôi thấy công việc này rất ổn. Nhưng sau cái chết của chồng tôi, tôi thấy mình nên chuyển hẳn sang viết cho thiếu nhi. Và cuốn sách tôi đang viết hiện nay cũng dành cho thiếu nhi.

- Có điểm gì khác biệt giữa việc viết cho thiếu nhi và viết cho người lớn?

- Với tôi thì việc này không có nhiều điểm khác biệt lắm. Tôi cố gắng tưởng tượng về một nhân vật có thật và tôi luôn cố gắng thư giãn, dù đó là viết cho thiếu nhi hay cho người lớn. Tôi thường hướng trực tiếp về đối tượng đó, chứ không viết cho độc giả chung chung. Sách cho thiếu nhi chỉ có một điểm dễ hơn đó là biên độ cảm xúc thường ngắn hơn. Có một điều bạn phải đặc biệt chú ý khi viết cho trẻ em là phải để sự việc luôn diễn tiến, không được chìm xuống hay "kìm nén" cảm xúc. Với cả hai đối tượng này, vấn đề quan trọng là phải tìm được một giọng kể cho câu chuyện.

- Bà có đọc nhiều sách cho thiếu nhi không?

- Tôi không bao giờ thiếu một cuốn sách thiếu nhi ở đầu giường ngủ, đặc biệt là những cuốn sách kinh điển. Mới đây, chỉ trong một buổi tối, tôi đã đọc xong cuốn Understood Betsy - cuốn tiểu thuyết tuyệt vời của Dorothy Canfield Fisher về một cô gái nhỏ chuyển tới trang trại ở Vermont.

- Sách thiếu nhi của bà thường ngập tràn hình ảnh ma thuật, phù thủy, các hòn đảo biến mất và những thứ kỳ lạ. Tại sao lại như vậy?

- Tôi muốn viết một cuốn sách về những điều khủng khiếp nhưng thú vị để đi vào lòng người đọc và khiến họ làm một điều gì đó khác thường. Tôi được truyền cảm hứng bởi những câu chuyện như một người đàn ông bị cáo buộc giết một viên cảnh sát ở Nam Phi - người nói rằng, anh ta đã nuốt một con sán xơ mít khổng lồ và chính con sán bắt anh ta phải làm việc đó.

Bìa cuốn sách "Hành trình tới Sông Biển".

- Nếu làm việc trong một hiệu sách, bà muốn được sắp những cuốn sách nào lên giá?

- Tôi sẽ đặt tất cả sách của tác giả Frances Hodgson Burnett, cuốn Daddy Long Legs (Đôi chân dài của ba) của Jean Webster, Anne of Green Gables (Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh) và tất cả những cuốn sách của Virgina Euwer Woolf, Skellig của David Almond, Walk Two Moons (Hành trình hai mặt trăng) của Sharon Creech và tất nhiên là tất cả những cuốn sách của tôi rồi!

- Bà nghĩa đâu là nơi tuyệt vời nhất để đi du lịch?

- Tôi thích đi du lịch hơn bất cứ việc nào khác. Nhưng gần đây thì tôi không thể đi lại được nhiều nữa. Nơi tôi yêu thích là những nơi luôn ấm áp và tràn ngập hoa: Đảo Canary trước khi nó bị hủy hoại, Địa Trung Hải hay phía nam nước Áo - nơi có những ngọn núi và những vườn nho đan xen nhau. Có một thị trấn nhỏ ở Dolomites ở Italy có tất cả những điều ấy - tôi luôn muốn viết về những nơi tuyệt vời này.

- Bà thích sống ở nơi nào nhất?

- Có lẽ là Cambridge (Anh) - thành phố đại học xinh đẹp với dòng sông yên bình, những khu vườn đáng yêu và những thư viện khổng lồ. Và, đó cũng là nơi tôi gặp người đàn ông của mình.

Phùng Hàdịch

khoa học gia đình gia

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...