quy định phát triển việt nam nhà nước thông tin trách nhiệm xây dựng nhận thức hợp tác văn hoá người cao tuổi chính sách thách thức hiệu quả người khuyết tật cộng đồng gia chính phủ chính trị người dân thủ tục bão quốc tế hội nhập quốc tế thế giới kinh tế
QĐND - Khóa họp 22 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) đã khai mạc sáng 25-2 tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) và mở đầu là Phiên họp cấp cao diễn ra trong ba ngày. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự và phát biểu tại Phiên họp. Toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh như sau:
Trước tiên, thay mặt Đoàn Việt Nam, tôi xin bày tỏ sự biết ơn và đánh giá cao nỗ lực và đóng góp của Ngài Chủ tịch và các thành viên Ban Điều hành (Bureau) đối với hoạt động của Hội đồng Nhân quyền thời gian qua. Tôi tin tưởng rằng, dưới sự điều hành hiệu quả của Ngài, Khóa họp lần thứ 22 Hội đồng Nhân quyền sẽ thành công tốt đẹp. Tôi xin khẳng định Đoàn Việt Nam sẽ ủng hộ và hợp tác chặt chẽ với Ngài trong suốt khóa họp.
Tôi đánh giá cao vai trò và sự tận tâm của Cao ủy Nhân quyền và Văn phòng Cao ủy trong việc hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Internet |
Phiên họp cấp cao Hội đồng Nhân quyền năm nay đặc biệt có ý nghĩa khi diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới và 20 năm thông qua Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna về nhân quyền. 65 năm qua kể từ khi đạt được nhận thức chung về các quyền và tự do cơ bản của con người, bắt đầu từ Tuyên ngôn Nhân quyền, tiếp đó là một loạt công ước quốc tế trên lĩnh vực này, chúng ta đã đạt được tiến bộ chưa từng thấy trong việc thúc đẩy và bảo vệ các giá trị và phẩm giá con người, đồng thời nhân quyền đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia và cộng đồng quốc tế. Tuy vậy, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn, phức tạp và khó lường trên phạm vi toàn cầu về nhân quyền, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế-tài chính thế giới chưa thoát khỏi khủng hoảng, tình trạng nợ công, thất nghiệp cao, các chính sách thắt chặt tiền tệ, hạn chế chi tiêu công tiếp tục tác động mạnh đến việc đảm bảo các quyền và tự do cơ bản của người dân tại hầu hết các nước. Tình trạng nghèo đói, thiếu lương thực, suy dinh dưỡng, dịch bệnh, thất học, ô nhiễm môi trường sống... tiếp tục là những vấn đề nan giải mà nạn nhân trước tiên là phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người di cư, người thiểu số...
Thêm vào đó là các xáo trộn, bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội, các cuộc nội chiến, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tình trạng bạo lực, hận thù, phân biệt đối xử, bất khoan dung, nhất là tình hình bạo lực đang gia tăng tại nhiều nơi đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với việc đảm bảo các quyền và tự do cơ bản của người dân, đe dọa hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ mọi nỗ lực của các nước và cộng đồng quốc tế nhằm sớm đạt được các giải pháp chính trị, chấm dứt bạo lực, tôn trọng các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền, nhất là quyền được sống, quyền được có an ninh và hòa bình; đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm hàng đầu thuộc về chính phủ của các quốc gia liên quan.
Bảy năm qua kể từ khi được thành lập, Hội đồng Nhân quyền đã hoạt động hiệu quả và đóng góp thiết thực hơn vào việc thúc đẩy, bảo vệ nhân quyền trên thế giới so với Ủy ban Nhân quyền trước đây, góp phần đưa nhân quyền trở thành một trong ba trụ cột hoạt động chính của LHQ. Hội đồng đã đề cập tương đối toàn diện, cân bằng tất cả các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như các quyền đặc thù của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, qua đó giúp dư luận hiểu và nhận thức đầy đủ hơn về các quyền con người. Không khí đối thoại, hợp tác, tìm kiếm đồng thuận ngày càng tăng tại Hội đồng, do vậy các nghị quyết được thông qua bằng đồng thuận tăng và việc thực thi các nghị quyết nhìn chung nghiêm túc hơn. Việt Nam đặc biệt đánh giá cao Cơ chế kiểm điểm phổ cập định kỳ UPR và thực tế đã chứng minh đây là cơ chế hiệu quả để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các nước, qua đó thúc đẩy và bảo vệ tốt hơn các quyền con người.
Việt Nam cho rằng, để thực sự là cơ quan chủ đạo của LHQ về quyền con người, Hội đồng Nhân quyền cần tăng cường nguồn lực và hiệu quả hoạt động, đưa ra được các giải pháp hữu hiệu nhằm đối phó với các thách thức nhiều mặt về nhân quyền mà dư luận đang hết sức quan tâm. Hội đồng Nhân quyền cũng cần phải thực sự là diễn đàn thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia, có cách tiếp cận toàn diện, cân bằng, giữ vững các nguyên tắc phổ quát, minh bạch, khách quan và không thiên vị trong mọi hoạt động như đã quy định tại Nghị quyết 60/251 của Đại hội đồng LHQ và kết quả kiểm điểm Hội đồng Nhân quyền năm 2011 vừa qua. Nhân dịp này, tôi xin tái khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác và đóng góp tích cực cho nỗ lực chung của Hội đồng và tất cả các nước trong lĩnh vực này.
Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và đảm bảo tất cả các quyền con người theo đúng các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền. Hiến pháp Việt Nam đã ghi rõ "các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng... và được quy định trong Hiến pháp và pháp luật". Chính sách đó dựa trên nhận thức của Nhà nước Việt Nam coi quyền con người là giá trị chung của nhân loại, được tạo lập do sự phấn đấu của các dân tộc qua các thời đại, đồng thời có gốc rễ sâu xa từ truyền thống lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Chính sách tôn trọng quyền con người của Việt Nam còn xuất phát từ nguyện vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam đã từng bị tước bỏ những quyền và tự do cơ bản nhất khi phải làm người dân một nước thuộc địa.
Những năm qua, các quyền và tự do cơ bản tại Việt Nam ngày càng được tôn trọng và đảm bảo tốt hơn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh (từ 14,2% năm 2010 xuống còn 12,4% năm 2012), an sinh xã hội và mức hưởng thụ các dịch vụ y tế của nhân dân được cải thiện. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG). Các quyền dân sự, chính trị cũng được đảm bảo tốt hơn, thông qua việc thực hiện hiệu quả các quyền dân chủ trực tiếp (bầu cử, ứng cử) và gián tiếp (thông qua các cơ quan dân cử). Quyền tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin, tự do báo chí được tôn trọng và đảm bảo trên thực tế, thể hiện qua sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện thông tin truyền thông. Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phong phú, sôi động, với sự phát triển của tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới và các tôn giáo, tín ngưỡng nội sinh.
Với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, Việt Nam đã tham gia, đóng góp xây dựng và có trách nhiệm trên nhiều vấn đề quốc tế, trong đó có lĩnh vực quyền con người. Việt Nam là thành viên của hầu hết các công ước quốc tế quan trọng về nhân quyền và đang hoàn tất các thủ tục để sớm phê chuẩn Công ước về Quyền của Người khuyết tật và gia nhập Công ước Chống tra tấn. Việt Nam rất coi trọng cơ chế kiểm điểm phổ cập định kỳ, đã chấp thuận và đang nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị trong kiểm điểm đợt 1. Việt Nam cũng đã tăng cường đối thoại với các Thủ tục đặc biệt: Từ tháng 7-2010 đến nay, Việt Nam đã đón 4 Thủ tục đặc biệt về các vấn đề thiểu số, đói nghèo cùng cực và nhân quyền, tác động của nợ nước ngoài đối với nhân quyền và quyền được chăm sóc y tế. Thời gian tới, Việt Nam sẽ đón các Thủ tục đặc biệt về quyền giáo dục, quyền có lương thực, quyền văn hóa như đã cam kết, đồng thời sẽ tiếp tục xem xét đón thêm một số Thủ tục đặc biệt khác.
Việt Nam cũng tăng cường hợp tác, đối thoại song phương với nhiều nước về nhân quyền để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm đảm bảo tốt hơn các quyền con người. Việt Nam có cơ chế đối thoại nhân quyền hằng năm với nhiều nước, có những đóng góp thiết thực để tăng cường hợp tác về nhân quyền trong ASEAN, đặc biệt trong quá trình thành lập và hoạt động của Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) và việc xây dựng Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN, được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Phnôm Pênh tháng 11-2012.
Tuy nhiên, là một nước đang phát triển, hậu quả chiến tranh còn nặng nề và đang trong quá trình củng cố Nhà nước pháp quyền cũng như trước tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức về nhân quyền và cần nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa nhằm đảm bảo các quyền cơ bản về kinh tế, xã hội cũng như dân sự, chính trị của nhân dân.
Xuất phát từ mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực chung của LHQ và cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên thế giới, Chính phủ Việt Nam đã chính thức ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. Việt Nam đã nộp và công bố các cam kết tự nguyện về nhân quyền như quy định tại Nghị quyết 60/251 của Đại hội đồng LHQ. Việt Nam chia sẻ nhận thức chung là các nước có năng lực đóng góp và ứng cử lần đầu vào Hội đồng Nhân quyền như Việt Nam nên được trao cơ hội. Trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam cam kết sẽ quán triệt các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương LHQ, các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền; phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên khác và các cơ chế nhân quyền LHQ trên tinh thần đối thoại và hợp tác; đóng góp tích cực, xây dựng và có trách nhiệm vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền theo hướng minh bạch, khách quan, tiếp cận toàn diện và cân bằng tất cả các quyền con người về chính trị, dân sự và kinh tế, xã hội, văn hóa.
Việc tôn trọng và đảm bảo các quyền và tự do cơ bản của con người là khát vọng chung của nhân loại. Tôi tin tưởng rằng, Khóa họp 22 Hội đồng Nhân quyền LHQ sẽ đạt được kết quả thiết thực, đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu chung là nhân quyền và phẩm giá cho mọi người và mỗi người trên hành tinh chúng ta.
(*) Tiêu đề do Báo Quân đội nhân dân đặt.
xây dựng nhận thức văn hoá phát triển cộng đồng quy định hợp tác người dân gia người cao tuổi thách thức chính phủ nhà nước kinh tế quốc tế chính sách thông tin hội nhập quốc tế bão thủ tục trách nhiệm việt nam chính trị thế giới hiệu quả người khuyết tật
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.