Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Thoát chết dorắn độc cắn, hậu tạ thầy langcả cây vàng

(ĐSPL)- Có lần ông chữa cho một kỹ sư lâm nghiệp vào Yên Tử làm việc và bị rắn hổ mang chúa cắn. Khi được cứu khỏi người này trả ơn ông cả cây vàng nhưng ông nhất định không nhận.

Đại ngàn Yên Tử thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang nổi tiếng là nơi có nhiều rắn độc. Vì vậy mà từ nhiều đời nay, người dân sinh sống ở các thôn bản dưới chân đèo Yên Tử luôn bị ám ảnh vì những cái chết do rắn độc cắn. May thay, có một vị thầy lang nhiều năm nay đã âm thầm tuyên chiến với các "tử thần" và cứu sống nhiều người khi không may bị rắn độc cắn.
Những tình huống "thập tử nhất sinh"
Đến xã Bắc Lũng hỏi thăm thầy lang Tâm hay còn gọi là ông "Tâm rắn" thì ai cũng biết. ông là người có bài thuốc chữa trị rắn độc cắn nổi tiếng vùng núi huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Cũng vì lẽ đó nên những người dân ở đây đặt cho ông biệt danh là ông "Tâm rắn". Vị thầy lang đó chính là ông Nguyễn Đức Tâm, SN 1956, trú tại thôn Xuân Phú, xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
Sở dĩ biết đến ông là bởi tình cờ trong một chuyến công tác, chúng tôi chứng kiến một cháu bé bị rắn hổ mang cắn được ông Tâm ra tay cứu sống. Cảm phục biệt tài của ông, chúng tôi đã tìm đến nhà vị thầy lang này. Nhà của ông Tâm nằm sâu trong hẻm núi và khi thấy người đến hỏi thăm ông niềm nở tiếp đón.
Biết được ý định của chúng tôi không phải đến chữa bệnh, ông chỉ cười và nói: "Tôi biết thuốc thì chữa trị cứu người làm phúc chứ có gì đâu mà viết báo ". Sau khi rót nước mời khách, ông bắt đầu tâm sự về nghề chữa trị rắn cắn: "ở đây bà con sinh sống chủ yếu bằng nghề đi rừng hái măng, lấy củi nên chuyện bị rắn độc cắn hay xảy ra lắm". Có bao nhiêu người bị rắn cắn được ông chữa khỏi đến giờ ông cũng chẳng thể nhớ nổi, chỉ biết là rất nhiều. Người được ông chữa trị không chỉ có bà con trong thôn hay các bản xung quanh mà có cả những người ở nơi xa tìm đến nhờ ông chữa trị.
Trong các trường hợp được ông chữa trị, ông nhớ nhất cách đây một năm có người đàn ông tên là Chính ở thôn Quỷnh, xã Nghĩa Phương gần đó khi đi lấy củi đã bị con rắn xanh cắn vào vai. Loại rắn xanh này cực độc, nếu người bị cắn để đến tình trạng răng bị lung lay mà không được cứu chữa thì coi như nắm chắc cái chết. Rất may người đi cùng đã kịp thời đưa anh Chính đến nhờ ông chữa trị sau mấy tiếng bị rắn cắn. Lúc đó anh Chính đã bị phù nề, đi tiểu ra máu và tím tái cả cánh tay, mắt nhắm nghiền. Vậy mà sau khi được ông Tâm cho uống thuốc và dùng lá đắp thì vài tiếng sau đó tình trạng sức khỏe của anh Chính đã tiến triển rõ rệt và đến ngày hôm sau thì bình phục hoàn toàn.
Trường hợp nữa cũng khiến ông Tâm nhớ, đó là một cháu bé ở ngay thôn bên cạnh nhà ông, trong lúc chăn trâu trên rừng bé đã vô tình giẫm phải rắn ở bụi cỏ và bị cắn vào chân, nhưng lại chẳng biết là rắn gì. Khi cháu bé được đưa đến nhà ông Tâm, nhìn triệu chứng phù nề, đồng tử giãn ra, vết thương bị hoại tử và tình trạng co giật, ông biết đấy chính là rắn hổ mang. Ông đã cạy miệng cháu bé đổ thuốc vào rồi dùng thuốc đắp lên vết thương. Diệu kỳ, đến sáng ngày hôm sau cháu bé có thể gượng dậy được.
Cách đây cũng không lâu, chính cháu họ của ông Tâm tên là Cường cũng bị rắn cắn và được ông cứu chữa. Anh này khi đi bắt cá đêm tại mương nước đã bị rắn hổ mang chuối cắn vào bắp đùi, khiến tê liệt toàn thân, sốt cao. Vì nhà không có thuốc sẵn nên nửa đêm ông phải đội mưa lên rừng hái thuốc về cứu chữa cho cháu mình. Do cứu chữa kịp thời nên chỉ đến sáng hôm sau anh Cường đã bình phục.
Thoát chết do rắn độc cắn, hậu tạ thầy lang cả cây vàng - Anh%201.t9.29.jpg
Ông Nguyễn Đức Tâm đang hái lá thuốc chữa bệnh cứu người.
Tiết lộ về "phương thuốc bí truyền"
Nói về các vị thuốc dùng để chữa trị rắn cắn, ông Tâm cho biết: "Các vị thuốc tôi dùng trong chữa trị rắn cắn đều sẵn có trên rừng". ông cho biết, tất cả vị thuốc ông dùng đều là thuốc còn tươi, vì như thế hiệu quả hơn thuốc phơi khô. Bài thuốc của ông gồm bảy vị, có những vị quen thuộc như cây mâm xôi, cây lá ngải. Theo ông Tâm, khi chữa trị rắn cắn nếu không biết đích xác người bệnh bị loại rắn nào cắn thì ông sẽ dùng tất cả bảy vị đó, có điều hiệu quả chậm. Còn khi biết rõ loại rắn nào cắn ông sẽ tăng giảm các vị thuốc trong bài thuốc để điều trị nọc độc của loại rắn đó và hiệu quả cực nhanh.
Điều đầu tiên cần làm trước khi chữa trị mỗi ca rắn cắn là giã nhỏ các vị thuốc gạn lấy nước cho người bị rắn cắn uống để ngăn ngừa nọc độc xâm nhập vào máu và thần kinh. Sau đó tùy loại rắn mà dùng thuốc chữa trị khác nhau. Với các loại rắn thuộc họ hổ mang thì cần tăng các vị thuốc có tính kháng độc mạnh nhằm nhanh đào thải chất độc tránh cho thần kinh bị tổn thương nặng nề. Còn với rắn lục thì cần tăng vị thuốc chống xuất huyết vì nọc độc của rắn lục thường gây xuất huyết cả trong lẫn ngoài. Thuốc đắp lên vết thương cũng giống như vậy để tránh cho vùng rắn cắn bị hoại tử. Cách chữa trị rết cắn cũng giống như rắn, nhưng chữa trị rết đơn giản hơn vì nọc độc không mạnh bằng rắn.
Và theo kinh nghiệm của ông Tâm, khi bị rắn cắn tối kị là uống rượu. Vì khi uống rượu sẽ làm máu loãng, máu khó đông nên nguy cơ mất mạng rất cao. Thậm chí, khi bị các loại rắn có nọc không độc như rắn ráo hay rắn hổ lửa cắn nhưng khi uống rượu thì lập tức nọc độc của các loại rắn này sẽ phản ứng với rượu làm nguy hiểm tới tính mạng.
Theo ông Tâm bài thuốc chữa rắn cắn mà ông đang nắm giữ là bài thuốc gia truyền ba đời. ông Tâm bắt đầu chữa trị rắn cắn từ năm 17 tuổi thay cho cha của mình. Còn bài thuốc này có từ đời ông nội của ông Tâm.
Khi đó, cha ông Tâm còn nhỏ thường phải đi chăn trâu trên núi. Trong một lần thả trâu trong rừng không may cha ông Tâm bị rắn lục cắn vào đầu. Khi mọi người tìm ra thì cha ông đã nằm bất tỉnh. Những tưởng không cứu được con, ông nội của ông Tâm khi đó đã đi xuống núi mua quan tài chuẩn bị lo hậu sự cho con. Một người thổ thấy ông vừa đi vừa khóc bèn tiến đến hỏi chuyện. Khi biết sự việc, người thổ này bảo ông rằng hãy quay về lay mạnh răng người bị rắn cắn và nếu thấy chưa lung lay thì có thể cứu chữa được. Sau khi kiểm tra thấy răng vẫn còn chắc, người thổ đã dùng thuốc và cứu được cha ông Tâm.
Ông nội của ông Tâm cảm kích bèn xin theo học bài thuốc để cứu người và được người thổ đó truyền lại với điều kiện là chỉ dùng để cứu người chứ không màng lợi lộc. Từ đó đến nay gia đình ông đã dùng bài thuốc này để cứu chữa cho rất nhiều người bị rắn cắn. ông Tâm cho biết, từ thời ông nội đến cha của ông dù đã dùng bài thuốc này chữa trị cho rất nhiều người nhưng gia đình ông chưa lấy tiền của bất kỳ ai. Đến đời ông Tâm tiếp nhận bài thuốc cũng giống như nguyện vọng của ông cha, ông chưa bao giờ đòi hỏi tiền công của bất kỳ một người bệnh nào.
Thậm chí có những khi đi cả vài chục cây số để cứu người nhưng ông vẫn không đòi hỏi tiền công vì theo ông: "Bài thuốc này đã từng cứu sống cha tôi nên khi học được bài thuốc ông nội tôi tâm niệm dùng nó để cứu những người khác làm phúc, sau này con cháu cũng phải làm như vậy". Có lần ông chữa cho một kỹ sư lâm nghiệp ở tỉnh Bắc Giang vào Yên Tử làm việc và bị rắn hổ mang chúa cắn. Khi được cứu khỏi người này trả ơn ông cả cây vàng nhưng ông nhất định không lấy một đồng nào.

Muốn truyền lại bài thuốc cho nhân viên trạm xá để cứu người

Hiện nay bài thuốc quý này đã được ông Tâm truyền dạy cho mấy người con. Không chỉ vậy ông Tâm còn bày tỏ nguyện vọng truyền lại bài thuốc cho nhân viên của trạm xá xã nếu được yêu cầu, hoặc bất cứ ai muốn dùng nó để cứu chữa cho những người không may bị rắn cắn với điều kiện duy nhất là chỉ được dùng thuốc để cứu người chứ không được làm giàu từ bài thuốc.


NGUYỄN HUỆ

Xem thêm video clip : Clip: Phản cảm nhóm thanh niên hành hung người ngoại quốc


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...