(ĐTCK) Trong gần 500 hộ buôn bán, kinh doanh bị thiệt hại nghiêm trọng từ vụ hỏa hoạn tại TTTM Hải Dương, có 52 chủ gian hàng được mua bảo hiểm.
>>Cháy TTTM Hải Dương, bảo hiểm ở đâu?
Thông qua thông tin cung cấp từ các thành viên, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (AVI) đã xác nhận thông tin các hộ tiểu thương tại TTTM Hải Dương chưa mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho tới thời điểm xảy ra hỏa hoạn do không đạt yêu cầu. Nhưng thực tế, vẫn có hơn 50 hộ đã mua bảo hiểm tại Bảo hiểm Bảo Long!
Câu chuyện này đang đặt ra hàng loạt vấn đề về tiêu chuẩn bán, mức độ sẵn sàng bán, sản phẩm có thể bán, việc kiểm tra giám sát... của các công ty bảo hiểm và cơ quan quản lý đối với rủi ro cháy nổ. Câu chuyện chắc chắn sẽ không dừng tại Hải Dương bởi cả nước có hàng nghìn chợ, TTTM buôn bán tập trung, và cháy chợ không phải là lần đầu.
Bất ngờ... được bảo hiểm
Xác nhận chính thức với ĐTCK chiều 21/9, đại diện Sacombank cho biết, trong gần 500 hộ buôn bán, kinh doanh tại Trung tâm bị thiệt hại nghiêm trọng từ vụ hỏa họan tại TTTM Hải Dương thì có 52 chủ gian hàng có vay vốn tại Sacombank và các khoản vay này đều được mua bảo hiểm. Nhà cung cấp bảo hiểm là Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Long (Bảo hiểm Bảo Long) đang nhanh chóng thực hiện các thủ tục chi trả bảo hiểm cho khách hàng. Ngoài ra, Sacombank cũng tổ chức thăm hỏi động viên và sẽ quan tâm tìm hiểu nhu cầu tái cấp vốn của các tiểu thương để lên kế hoạch hỗ trợ phù hợp.
52 chủ gian hàng kể trên đã mua sản phẩm bảo hiểm đính kèm với sản phẩm tín dụng do Sacombank liên kết với Bảo hiểm Bảo Long cung cấp.
"Đây là sản phẩm bảo hiểm cháy nổ sạp chợ áp dụng cho các khoản vay tiểu thương (góp ngày, tuần, tháng) đảm bảo cho các tiểu thương chợ (gồm cá nhân và hộ gia đình) vay vốn tại Sacombank khi phát sinh rủi ro cháy, nổ sẽ được Bảo hiểm Bảo Long đứng ra chi trả cho Ngân hàng toàn bộ dư nợ và lãi vay với số tiền bảo hiểm", đại diện Sacombank cho biết.
"Mức bảo hiểm có thể lên đến 500 triệu đồng/khách hàng với thời gian vay tối đa lên đến 3 năm".
Như vậy, trên thực tế, đây chỉ là loại hình bảo hiểm cho nghĩa vụ thanh toán khi cháy nổ xảy ra, chưa thực đúng với loại hình bảo hiểm cho tài sản về thiệt hại khi cháy nổ.
Sacombank - Bảo Long nói gì?
Qua câu chuyện tại TTTM Hải Dương, nếu bỏ qua trách nhiệm của các bên liên quan khiến Trung tâm không đủ tiêu chuẩn để được cung cấp bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho các hộ kinh doanh, có thể thấy một hướng khác để đảm bảo quyền lợi cho các hộ kinh doanh đó là sự lựa chọn các sản phẩm cho rủi ro cháy nổ tự nguyện khác để giảm thiểu rủi ro.
Trên thực tế, dòng sản phẩm bảo hiểm bán kèm sản phẩm tín dụng của ngân hàng rất nhiều loại, từ cháy nổ, thiên tai, mất cắp, rủi ro sức khỏe cho người vay vốn..., và được hầu hết các ngân hàng liên kết với các công ty bảo hiểm cung cấp khi cho vay. Thậm chí với một số ngân hàng, nếu tài sản thế chấp không được bảo hiểm, ngân hàng sẽ không giải ngân.
Bản thân đại diện của Sacombank cũng thừa nhận điều này và cho biết, sản phẩm Ngân hàng cung cấp cho 52 hộ kinh doanh trên thuộc dòng bảo hiểm tự nguyện được bán kèm, chứ không phải sản phẩm cháy nổ bắt buộc nên thủ tục bảo hiểm rất đơn giản.
Cụ thể, không cần thế chấp bất động sản cùng lãi suất cạnh tranh, nên được bà con tiểu thương xem đây như là một giải pháp tài chính an toàn và hiệu quả cho việc kinh doanh của mình. Nói như AVI, khi không đủ điều kiện mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, các cơ sở thuộc đối tượng bảo hiểm cháy bổ bắt buộc có thể mua bảo hiểm cháy nổ tự nguyện tại các DNBH.
Chia sẻ với ĐTCK, ông Lưu Thanh Tâm, Tổng giám đốc Bảo hiểm Bảo Long cho biết, mặc dù tỷ lệ tối đa mà các tiểu thương có thể vay lên tới 500 triệu đồng nhưng đa phần các hộ ở TTTM Hải Dương vay từ 20-50 triệu đồng/gian hàng.
"Tổng dư nợ cho vay mà Bảo Long sẽ bảo hiểm trong vụ cháy này ước khoảng 3 tỷ đồng", ông Tâm cho biết.
Tất nhiên, vẫn có một câu hỏi đặt ra ở đây là với những chợ, TTTM không đủ tiêu chuẩn để được bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, liệu có bao nhiêu doanh nghiệp bảo hiểm sẵn sàng cung cấp sản phẩm liên quan tới rủi ro bảo hiểm cháy nổ?. Lý do đơn giản là rủi ro quá lớn cho nhà cung cấp bảo hiểm.
Vấn đề gốc vẫn là làm sao những tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy phải được tuân thủ, nếu không tuân thủ thì phải có người chịu trách nhiệm, đó là luật định. Và các hộ kinh doanh phải được mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, còn việc họ có mua thêm các sản phẩm tự nguyện liên quan tới rủi ro cháy nổ hay không chỉ là để nhằm giảm bớt rủi ro cho chính các hộ kinh doanh đó mà thôi!
Bảo hiểm Cháy nổ bắt buộc theo Thông tư 220 của Bộ Tài chính ban hành theo nghị định số 35/2003 và 130/2006 của Chính Phủ về quy định các chế độ liên quan đến bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Ngoài ra, các sản phẩm dưới đây cũng sẽ bao gồm cả bảo hiểm cháy nổ: *Bảo hiểm Cháy & các rủi ro đặc biệt; *Bảo hiểm Mọi rủi ro tài sản (bao gồm rủi ro cháy và nổ); *Bảo hiểm nhà tư nhân (bao gồm rủi ro cháy và nổ). Người mua bảo hiểm được Công ty bảo hiểm bồi thường cho các tài sản bị thiệt hại xảy ra do rủi ro cháy, nổ và các rủi ro khác (giông bão lụt, hành động ác ý...). |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.