Trong bối cảnh bất động sản đóng băng, đầu tư vào khu công nghiệp chậm lại, kinh doanh khó khăn, nhiều công ty chuyển hướng đi sang... nông nghiệp. Âu cũng là lẽ tự nhiên!
Từ vài năm trước, Tập đoàn Tân Tạo đã thành lập công ty con chuyên sản xuất gạo thơm. Hiện các thương hiệu gạo của Tân Tạo như Nàng Yến, Nàng Đào, Nàng Nga... đã xuất hiện ở siêu thị. Tập đoàn Đức Long Gia Lai khai sinh Công ty nông nghiệp Đức Long Gia Lai với vốn điều lệ 360 tỷ đồng để trồng ngô, cây lương thực có hạt, cây lấy củ có chất bột, mía...
Còn nhiều công ty khác đã khởi động hoặc manh nha ý tưởng làm nông nghiệp, coi đây là một con đường "thoát khó". Chắc hẳn các công ty "nông nghiệp mới" đã tính đến chuyện phải vượt qua những thách thức lớn tương tự người nông dân đã trải nghiệm qua hàng ngàn đời như rủi ro về thiên tai, dịch bệnh... hoặc những đòi hỏi của nông nghiệp hiện đại như vốn, công nghệ cao...
Những cản ngại đó có thể vượt qua, dù khó, song có một cản ngại lớn nhất khiến công ty... lực bất tòng tâm: Quỹ đất eo hẹp. Hiện ở những vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, công ty tìm được vài chục ha "đất sạch" để đầu tư vùng nguyên liệu nông sản, trang trại chăn nuôi quy mô lớn, khó như "lên trời", chưa nói tới hàng trăm, hàng nghìn ha! Vậy nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi chuẩn bị cho niên vụ mía đường 2014- 2015, các công ty ở Tây Ninh phải lặn lội sang Campuchia trồng mới và chăm sóc gần 7.500 ha mía.
Chính sách địa ốc được coi là nguyên nhân của nguyên nhân. Chính sách khoán 10 đến nay đã quá lạc hậu, khiến ruộng đất bị chia sẻ, manh mún, chủ trương dồn điền, đổi thửa, cánh đồng lớn đi vào cuộc sống rất "chật vật", kết quả kém. Ngay cả Hà Nội, địa phương rất tích cực dồn điển, đổi thửa, đến nay mới chỉ thu được 1.404 ha đưa vào quỹ đất công của các xã, vẫn còn 3.280 ha loay hoay "dồn" mãi chưa xong, nằm rải rác tại 49 xã thuộc 11 huyện...
Đó cũng là một trong những lý do khiến vốn FDI đăng ký đầu tư vào nông nghiệp hết sức ít ỏi. Tính đến hết tháng 4/2014, Việt Nam có 16.300 dự án FDI được cấp phép, trong đó chỉ có khoảng 500 dự án nông nghiệp với vốn đăng ký chiếm chưa tới 1,5% tổng số vốn FDI thu hút. Doanh nghiệp nội làm nông nghiệp ngay trên "ruộng nhà" còn khó nói gì đến công ty ngoại.
"Doanh nghiệp có ruộng", đó là ��òi hỏi bức thiết để phát triển nền nông nghiệp hiện đại trong giai đoạn mới!
Trần Phương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.