Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

3 bộ lọc và 5 xu hướng của thị trường châu Âu

Cùng với Mỹ và Nhật Bản, hiện châu Âu là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 24% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thị trường thế giới. Đa phần các tiêu chuẩn kiểm định thế giới đến từ EU nên việc hiểu rõ, đáp ứng được hệ thống tiêu chuẩn khắt khe này sẽ là giấy thông hành để nông sản, thủy sản Việt Nam đường hoàng cạnh tranh về chất lượng với thế giới.

Trong khuôn khổ Hội chợ thương mại VIETFISH 2014, chiều 6/8 đã diễn ra hội thảo chủ đề "Những tác động kinh doanh và Giải pháp công nghệ cao hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản vượt qua những khó khăn liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm" với nội dung liên quan đến vấn đề xuất khẩu nông sản ra thế giới.

3 bộ lọc và 5 xu hướng của thị trường châu Âu - p2020051-1.JPG
Tham gia hội thảo với vai trò diễn giả chính, Th.S Từ Minh Nhiệm - Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao trực thuộc UBND TP.HCM cho biết, nông sản Việt cần chuẩn bị để trải qua 3 bộ lọc nhằm đón đầu 5 xu hướng tiêu dùng trong tương lai của phân khúc thị trường này.

3 bộ lọc của thị trường khó tính

Các mặt hàng muốn nhập khẩu vào thị trường EU cần đi qua 3 bộ lọc chính sau: tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn môi trường và tiêu chuẩn của khách hàng nơi nhập khẩu.

Về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm:

Khái niệm "farm to fork" đang ngày càng phổ biến tại các nước phát triển. Theo đó, yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm phải bắt nguồn ngay từ thức ăn chăn nuôi, quá trình nuôi ở các trang trại và đến khâu chế biến, đóng gói, phân phối sản phẩm. Các sản phẩm đưa ra thị trường cần cung cấp đầy đủ thông tin về nơi sản xuất, nguồn nguyên liệu, quá trình sản xuất chính...

Hiện nay, nông sản Việt Nam vẫn còn khiếm khuyết trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ trên thế giới đều có những thông tin để người mua dễ dàng truy xuất xem sản phẩm họ đang sử dụng nuôi trồng, sản xuất ở đâu, được vận chuyển thế nào... Người tiêu dùng thường ít lựa chọn những sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Mặt khác, các thực phẩm xuất khẩu phải đạt yêu cầu về dư lượng chất kháng sinh gây hại tối thiểu theo tiêu chuẩn của EU. Một trong các điều kiện để xuất khẩu chính là sản phẩm phải được chứng nhận bởi một đơn vị chuyên xét nghiệm thứ ba độc lập với nhà phân phối.

Đây là tiêu chí mà các sản phẩm nông nghiệp Việt thường xuyên mắc phải. Theo Th.S Từ Minh Thiện, giải pháp cho vấn đề này là các bộ ngành quản lý nông nghiệp phải thường xuyên cập nhật thông tin, hướng dẫn kỹ thuật và kiểm tra giám sát các đơn vị nuôi trồng nông sản tại Việt Nam.

Về tiêu chuẩn môi trường: Sử dụng các bao bì thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm khi tiêu hủy đã trở thành tiêu chuẩn bắt buộc cho tất cả các mặt hàng bày bán tại EU lẫn một số nước phát triển khác. Loại bao bì xốp mà DN Việt thường sử dụng chỉ còn được chấp nhận tại một vài nước đang hoặc chưa phát triển.

Về tiêu chuẩn của người tiêu dùng: Người tiêu dùng đang bày tỏ thái độ rõ ràng hơn với trách nhiệm xã hội (CSR) của các doanh nghiệp. Người dân Hà Lan sẵn lòng mua một sản phẩm có giá cao hơn 20% nếu doanh nghiệp đó thực hiện tốt CSR. Ngược lại, họ từ chối sử dụng các sản phẩm của các doanh nghiệp gây hại cho môi trường, xã hội.

Trước sức ép của người tiêu dùng, các doanh nghiệp nước ngoài đã đẩy khái niệm CSR lên một mức cao hơn. Không chỉ bảo vệ môi trường, sử dụng lao động đúng tuổi mà doanh nghiệp còn phải đảm bảo "thương mại công bằng", tức là trích một phần lợi nhuận để hỗ trợ cho một cộng đồng yếu thế nhất định phát triển.

5 xu hướng lựa chọn của thị trường EU và Nhật Bản trong tương lai

Th.S Từ Minh Thiện cho biết mỗi sự thay đổi về nhân khẩu học sẽ cung cấp cho doanh nghiệp những chỉ báo quan trọng trong việc định hướng chiến lược phát triển sản phẩm cung ứng ra thị trường. Theo đó, có 6 xu hướng doanh nghiệp Việt cần chú ý:

-Dân số già:Dự kiến đến năm 2020 số lượng người dân trên 55 tuổi sẽ chiếm 50% dân số châu Âu. Dân số bị lão hóa sẽ kéo theo nhu cầu tìm kiếm các thực phẩm có lợi cho sức khỏe tăng cao, thay cho mối quan tâm hàng đầu là giá cả như hiện tại.

- Tăng số lượng gia đình quy mô từ 1 đến 2 người: Điều này tác động đến kích cỡ của thực phẩm. Ví dụ, một trái thanh long khi bán qua Trung Quốc càng lớn càng tốt vì các gia đình này trung bình có từ 4 người trở lên. Nhưng nếu bán qua châu Âu thì mỗi trái chỉ nên vào khoảng 300 gram là vừa đủ cho nhu cầu của những gia đình có 1-2 người.

- Tăng số lượng phụ nữ làm việc: Điều này đồng nghĩa họ sẽ không có thời gian nấu ăn. Đây là lý do chính thúc đẩy thị trường thực phẩm chế biến sẵn gia tăng.

- Tăng dân số từ các nước khác:Những người dân mới nhập cư vào châu Âu sẽ mang đến nhiều thị hiếu tiêu dùng khác nhau. Sự lây lan về mặt tâm lý tiêu dùng sẽ dẫn đến việc đa dạng hóa sản phẩm.

- Mua sắm mang tính chất thư giãn:Xu hướng gần đây người dân chọn mua một sản phẩm không hẳn vì cần mà vì họ cảm thấy thích. Điều này gợi ý cho doanh nghiệp cần chú ý đến khâu mỹ thuật trong thiết kế bao bì, quảng bá sản phẩm.

Trong thể thao, các vận động viên phải đeo chì trong quá trình luyện tập. Tương tự, nông sản Việt phải cố gắng vượt qua cái bóng giá thấp của các thị trường dễ dãi để cải tiến bản thân, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường khó tính thì mới thực sự bật xa được.

> Tin xấu hay động lực cho thủy sản Việt Nam?
> Xuất khẩu thủy sản: Cá lớn nuốt trọn cá bé
> Xuất khẩu thủy sản: Tôm vui để buồn cho cá
> Doanh nghiệp thủy sản lao đao vì rào cản thương mại


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...