Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Nhiều bất cập trong xử lý chất thải

KTĐT - Trong những năm qua, công tác xử lý rác thải, nước thải và vệ sinh môi trường trên địa bàn Hà Nội đã được lãnh đạo TP quan tâm, chỉ đạo. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề nan giải, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển bền vững môi trường của Thủ đô.

Thiếu đồng bộ
Theo Sở TN&MT, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn TP có khối lượng lớn nhưng không được phân loại tại nguồn. Phần lớn khối lượng rác thải phát sinh được xử lý theo phương pháp truyền thống là chôn lấp. Quá trình thu gom, vận chuyển rác thải từ một số địa phương đến khu xử lý rác thải còn xa, phát sinh chi phí. Việc xử lý rác thải tại các khu xử lý tập trung hoặc các bãi tạm thời vẫn xảy ra tình trạng phát thải, gây ô nhiễm môi trường xung quanh; nhất là ô nhiễm do nước rỉ rác, ô nhiễm không khí.
Nhiều bất cập trong xử lý chất thải - thai.jpg
Phân loại rác thải rắn trước khi xử lý tại Nhà máy rác thải Nam Sơn. Ảnh: Hải Linh
Bên cạnh đó, việc thu phí vệ sinh ở cấp xã bình quân chỉ đạt 60 - 80%, chưa đáp ứng đủ kinh phí phục vụ cho việc thu gom, chưa thu hút được các đơn vị xã hội hóa tham gia trong lĩnh vực này. Việc xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển rác thải tại các địa phương còn chậm, thiếu trang thiết bị thu gom của các tổ thu gom tự quản dẫn tới việc thu gom, vận chuyển rác thải trong dân còn gặp nhiều khó khăn. Nước thải sinh hoạt mới được xử lý một phần nhỏ tại cuối nguồn, vì vậy việc ô nhiễm môi trường nước tại đầu nguồn, khu dân cư, khu đô thị chưa được cải thiện rõ rệt.
Tại các khu đô thị mới, các chủ đầu tư còn thực hiện chậm hoặc chưa thực hiện đầu tư công trình xử lý rác thải theo cam kết. Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp trên địa bàn TP còn chậm, nhiều cơ sở chưa đấu nối hệ thống xử lý nước thải vào khu xử lý nước thải tập trung của cả khu. Thậm chí, một số khu, cụm công nghiệp trước đây chưa có quy định bắt buộc đầu tư xây dựng hạng mục xử lý nước thải nên chưa bố trí quỹ đất, dẫn đến khó khăn cho việc bố trí các hạng mục công trình xử lý nước thải.
Ngoài ra, nước thải phát sinh từ các làng nghề, trang trại, cơ sở chăn nuôi tại nhiều huyện vẫn chưa được xử lý hoặc xử lý không đảm bảo tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường. Nước thải của các hộ sản xuất trong làng nghề hầu hết đều thải chung với đường cống thoát nước chung không qua xử lý. Trong khi, kinh phí đầu tư cho các công trình bảo vệ môi trường lớn nên một số cơ sở không thể đầu tư xây dựng.
Làm rõ trách nhiệm
Để khắc phục tình trạng trên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục đầu tư xây d���ng các khu xử lý chất thải tập trung trên địa bàn, TP sẽ làm rõ trách nhiệm trong việc quản lý, thu gom và xử lý chất thải của các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân gây phát thải để có biện pháp quản lý, xử lý rác thải và huy động nguồn lực phù hợp. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng xã hội hóa trong việc thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt, đặc biệt là ở khu vực nông thôn; ban hành đơn giá thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt cho khu vực ngoại thành, xem xét ban hành cơ chế cho địa phương huy động nguồn vốn cho công tác đầu tư, quản lý và thu gom rác thải; phân loại rác từ đầu nguồn. Đẩy nhanh việc vận chuyển, xử lý rác thải tồn đọng tại các điểm tập kết, trung chuyển tạm thời trên địa bàn các huyện đến các khu xử lý tập trung của TP.
Đối với công tác xử lý nước thải, TP yêu cầu đẩy nhanh việc xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030; thực hiện các kế hoạch của TP về phát triển hạ tầng thoát nước đô thị giai đoạn 2011 - 2015, kế hoạch về phát triển hệ thống thu gom và xử lý rác thải đô thị giai đoạn đến năm 2020.
Ngoài ra, TP tiến hành thanh, kiểm tra tổng thể các dự án đô thị về việc thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật về việc bảo vệ môi trường; đặc biệt là các công trình xử lý nước thải của các khu đô thị mới tập trung, yêu cầu chấp hành nghiêm việc xây dựng các công trình bảo vệ môi trường. Các chủ đầu tư phải hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải trong khu đô thị, đồng thời, có chế tài xử phạt cụ thể đối với chủ đầu tư; quan tâm đến xử lý nước thải tại các làng nghề...

Năm 2013, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trong khu vực nội thành khoảng 4.200 tấn/ngày; khu vực ngoại thành khoảng 2.220 tấn/ngày. Lượng rác thải công nghiệp trên địa bàn phát sinh khoảng 750 tấn/ngày. Lượng rác thải y tế phát sinh khoảng 8 tấn/ngày, trong đó có khoảng 1,13 tấn là rác thải nguy hại được xử lý tại chỗ bằng lò đốt tại các bệnh viện và các khu xử lý tập trung.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...