CafeLand - Trong khi hai đầu đất nước đang hả hê với các dự án nằm trong phân khúc trên dưới 1 tỉ, các dự án trung cao cấp cũng ăn theo chuyển mình, thị trường BĐS Đà Nẵng dường như vẫn chưa tìm được một bàn đạp để bật lên khỏi cái vũng lầy mà nó đang mắc phải. Nhiều người trông chờ vào sự phục hồi của nền kinh tế, các chính sách cứu vớt của nhà nước sẽ vực dậy thị trường, nhưng vấn đề dường như đang nằm trong chính bản thân của thị trường này.
Ảnh minh họa - N.Đức
Các chủ đầu tư đình đám một thời dường như vẫn còn loay hoay với bài toán tài chính, dễ thở hơn là những chủ đầu tư chỉ phải lo vốn cho từng dự án, còn thê thảm hơn là những chủ đầu tư đang lo tài chính cho sự tồn vong của cả công ty. Có lẽ, giờ này các công ty mới có động lực để mà lật sách giáo khoa kinh doanh đọc về đòn bẩy tài chính, về quản lý dự án đầu tư hay đơn giản hơn là học cách bán hàng chuyên nghiệp.
Ngoại trừ các chủ đầu tư có vốn nước ngoài kinh doanh bài bản từ trước đến nay, các chủ đầu tư địa phương vẫn còn tư duy theo kiểu "kèo trên" đối với phần còn lại của thị trường, chưa chịu xem khách hàng là thượng đế. Điều này phần nào kìm hãm thị trường tự điều chỉnh theo quy luật cung cầu để thích nghi với hoàn cảnh mới, từ đó dần thoát ra khỏi thế bế tắc.
Khách hàng, kẻ hiện đang nắm trong tay quyền lực, giờ đã thay đổi hơn trước rất nhiều. Họ thông minh hơn, am hiểu hơn, tỉnh táo hơn, thậm chí là "quái" hơn, và điều quan trọng là họ thực dụng hơn trước. Một số khách hàng khác, họ không khôn ngoan hơn nhưng lại "biết sợ hãi" hơn, họ không còn điên cuồng lao vào khi có ai đó hô hào: "Sốt! Sốt! Sốt!".
Khoảng hơn 1 năm trở lại đây, Đà Nẵng có vài ba dự án giá thấp tung ra thị trường được hấp thụ tốt nhờ mức giá chào bán mà theo nhiều người nhận định là thấp hơn giá trị thực của nó. Tuy nhiên, viễn cảnh hàng tung ra tới đâu được mua hết đến đó sẽ kéo giá tăng lên đã không diễn ra như mong đợi của chủ đầu tư và các nhà đầu cơ. Hiện tượng này cho thấy người mua đang có quyền lực như thế nào đối với thị trường.
Sự xa cách trong quan hệ giữa các chủ đầu tư và khách hàng, số lượng dự án có giá bán phù hợp hiếm hoi khiến cho các đơn vị môi giới phải tiêu tốn nhiều nguồn lực hơn trước, họ vừa phải đối mặt với tư duy làm ăn cũ rích của chủ đầu tư, vừa đối phó với sự trưởng thành mới mẻ của khách mua, vừa chịu sự cạnh tranh dành giật dự án với các đơn vị môi giới khác. Chưa hết, đất thì chật mà người thì ngày càng đông, các công ty tư vấn tiếp thị BĐS nước ngoài trước đây chỉ quan tâm những dự án trung cao cấp giờ đây cũng lấn sân sang phân khúc bình dân, các nhà đầu tư cá nhân vì hết tiền nên cũng chuyển sang nghề môi giới như một sự cứu cánh trong thời buổi khó khăn. Miếng bánh nhỏ lại có quá nhiều người muốn xơi xem ra không còn hấp dẫn nữa.
Các Sàn BĐS tại Đà Nẵng trước đây sống được là nhờ bắt tay với chủ đầu tư mua sỉ bán lẻ, găm hàng, làm giá ăn chênh lệch. Giờ đây, khi chỉ còn cách kiếm sống bằng tiền hoa hồng bán hàng, Sàn BĐS phải đối mặt với khoản định phí to đùng hàng tháng mà nhiều giám đốc Sàn chia sẻ rằng nó như con quỷ hút máu người.
Làm nghề môi giới đúng nghĩa, bạn phải có đam mê và tình yêu đối với nó, nếu không nó sẽ đào thải bạn trong chớp mắt. Với những ngành hàng khác, bạn có thể bán được hàng sau vài lần bị từ chối, nhưng với BĐS, con số sẽ lên tới vài trăm trước khi bạn có được một khách hàng thực sự. Vì vậy mà nhiều bạn trẻ hiện đang thất nghiệp nhưng lại khá dửng dưng trước những lời mời tuyển dụng của các công ty môi giới BĐS, đơn giản vì họ thấy rằng BĐS là nghề không dễ xơi như những gì trước đây người ta từng đồn đại.
Để thị trường hồi phục và phát triển bền vững, ngoài việc ngồi chờ đợi các yếu tố từ bên ngoài, các chủ thể tham gia trong thị trường cần thay đổi tư duy, thay đổi cách làm, họ cần chuyên nghiệp hơn trong kinh doanh. Khi thị trường phát triển lành mạnh, nó sẽ có khả năng tự đào thải được những ung nhọt và mang lại lợi ích cho những ai biết thay đổi đúng lúc và đúng cách.
Đinh Ngọc Sinh – C.E.O 247Land
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường nhà đất xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn ; Đường dây nóng: 0942.825.711.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.