TT - Nhiều cán bộ xã ở tỉnh Phú Yên dùng bằng tốt nghiệp THPT giả để tiếp tục học lên cao hơn, đạt trình độ chuẩn hóa theo quy định nhằm củng cố "ghế" đang ngồi và leo cao hơn.
Từ ý kiến của bạn đọc sau bài "La liệt bằng giả" (Tuổi Trẻ ngày 18-6) về một trường hợp cán bộ sử dụng bằng giả ở Phú Yên, PV Tuổi Trẻ tiếp cận đơn tố cáo về tình trạng này và thấy rằng đây không phải là chuyện cá biệt.
Ông Nguyễn Kỳ Tuấn (52 tuổi), phó chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa), sử dụng bằng tốt nghiệp THPT do Ty Giáo dục tỉnh Phú Khánh cấp vào năm 1981, mang số hiệu 754. Sở Nội vụ Phú Yên phối hợp với Sở GD-ĐT kiểm tra phát hiện tên ông Tuấn không có trong hồ sơ tốt nghiệp THPT lưu tại Sở GD-ĐT. Ông Nguyễn Phùng, chánh thanh tra Sở Nội vụ, cho biết qua làm việc ông Nguyễn Kỳ Tuấn thừa nhận sử dụng bằng tốt nghiệp THPT của người khác, tẩy xóa, ghi họ, tên và dán ảnh của mình vào bằng để bổ sung hồ sơ cán bộ. Cũng tại xã Hòa Hiệp Nam, ông Lê Văn Vĩnh (55 tuổi), kế toán trưởng UBND xã, không có bằng tốt nghiệp THPT, chỉ có chứng chỉ học trình lớp 12 niên khóa 1973-1974 do chế độ Việt Nam cộng hòa cấp. Tính đến thời điểm ông Vĩnh được cấp chứng chỉ này thì ông chỉ mới... 15 tuổi.
Phổ biến hơn là chuyện sử dụng bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc giả. Ông Dương Kim Thúc (50 tuổi), trưởng Công an xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa), có bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc ghi rõ ngày tổ chức khóa thi 18-8-2010. Qua xác minh, năm 2010 không có kỳ thi tốt nghiệp THPT nào được tổ chức vào ngày 18-8. Tương tự, bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc của ông Nguyễn Nam (51 tuổi, chủ tịch Hội Nông dân xã An Mỹ, huyện Tuy An) và ông Lê Văn Chi (47 tuổi, cán bộ xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu) được Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên xác nhận là giả.
Theo ông Thúc - một trong những người sử dụng bằng giả, năm 2007 ông được bổ nhiệm làm trưởng công an xã, sau đó đi học lớp trung cấp nghiệp vụ công an tại Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an Phú Yên. Vì chưa tốt nghiệp THPT nên ông phải "nợ" bằng. Ông Thúc nói bản thân cũng lớn tuổi, rất khó để học và thi đậu THPT dù là hệ bổ túc, năm 2010 ông nhờ một người quen ở cùng huyện "chạy" giúp tấm bằng. "Tôi phải tốn 4,2 triệu đồng mới có tấm bằng này" - ông Thúc tiết lộ. Tương tự, ông Chi cho biết ông từng học bổ túc và tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP Tuy Hòa vào năm 2008 nhưng không đậu. Sau đó, một người ở huyện Phú Hòa, cùng trượt đợt thi với ông, tìm gặp và đưa cho ông đơn xin phúc khảo kết quả tốt nghiệp THPT. Ông Chi ký tên vào đơn và sau một thời gian ông nhận bằng tốt nghiệp THPT, đồng thời đưa cho người này 3 triệu đồng gọi là phí phúc khảo.
Ông Nguyễn Văn Tá, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, cho biết: "Sở GD-ĐT có đầy đủ hồ sơ lưu trữ của tất cả kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 1975 đến nay. Tất cả cơ quan, đơn vị, trường học muốn thẩm định văn bằng tốt nghiệp THPT thật hay giả đều có thể kiểm tra được ngay".
Theo Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên), năm nào các trường đại học, cao đẳng trước khi cấp bằng tốt nghiệp cho học viên đều gửi bằng tốt nghiệp THPT của người học về sở để xác minh. Những năm trước, tình trạng bằng tốt nghiệp THPT giả cũng có nhưng chỉ 1-2 trường hợp/năm, còn năm nay tình trạng này rất nhiều, nhất là đối với các học viên đang theo học hình thức đào tạo từ xa.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tá, năm 2008 UBND tỉnh có quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc sử dụng bằng cấp của cán bộ, công chức, viên chức nhưng đến nay việc kiểm tra này không thực hiện nữa. Đứng trước tình hình có quá nhiều bằng tốt nghiệp THPT giả, lãnh đạo sở chỉ đạo thanh tra của ngành giáo dục làm tờ trình tham mưu UBND tỉnh ra quyết định thành lập đoàn thanh tra sử dụng bằng cấp, đặc biệt là đối với cán bộ cấp xã.
KIM THỦY - MẠNH THÚY
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.