(HNM) - Cùng với nỗi lo dịch bệnh mùa hè đang lưu hành và có diễn biến phức tạp, Việt Nam còn phải đối diện nguy cơ xâm nhập của một số bệnh nguy hiểm từ bên ngoài. Ngoài các giải pháp tăng cường kiểm soát dịch bệnh của cơ quan chức năng, người dân còn tự nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, chủ động phòng bệnh, nhất là đối với những dịch bệnh chưa có vắc xin tiêm phòng.
Virus có độc lực cao nhưng thiếu vắc xin
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nếu ở thời điểm "đỉnh" của dịch sởi, mỗi ngày có đến hàng trăm ca nhập viện thì trong thời gian gần đây, dịch sởi có xu hướng chững lại. Tính riêng trong tuần qua, số ca mắc sởi mới nhập viện chỉ từ 40 đến 50 ca/ngày. Tuy nhiên, số ca mắc hai loại bệnh dịch khác, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, là tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH) lại có xu hướng gia tăng.
Chăm sóc bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng.Ảnh: Minh Đức |
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 19.000 trường hợp mắc TCM tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đáng lưu ý, số ca mắc TCM ở miền Nam có xu hướng tăng (chiếm 80,5% số mắc của cả nước) và tác nhân gây bệnh là loại virus EV71 có độc lực cao. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lo ngại, virus gây bệnh TCM có thể lây nhiễm từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Hiện nay, loại virus EV71 gây bệnh TCM lưu hành ở miền Nam có độc lực cao hơn loại virus gây bệnh ở miền Bắc.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 8.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 4 trường hợp tử vong tại Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và TP Hồ Chí Minh. Điều nguy hiểm là hiện có tới 4 týp virus gây bệnh SXH, các týp này lại không có miễn dịch chéo, một người có thể đồng thời mắc 2 týp virus gây bệnh khác nhau và điều đó khiến cho tình trạng bệnh càng nặng hơn. Theo các chuyên gia về dịch tễ, con đường lây truyền bệnh SXH là qua muỗi đốt, mà ở Việt Nam thì cơ chế truyền bệnh đó có cơ hội để hình thành dịch nhờ có môi trường phù hợp: Muỗi sinh sôi, nảy nở ở khắp nơi nhờ thói quen tích trữ nước sinh hoạt của người dân, công tác vệ sinh môi trường còn hạn chế...
Trong khi Việt Nam đang đối phó với nguy cơ dịch chồng dịch thì nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm khác từ nước ngoài (như cúm A/H7N9, cúm A/H5N6, bại liệt...) có khả năng xâm nhập vào nước ta bất cứ lúc nào. Mới đây, về bệnh viêm đường hô hấp cấp tính MERS-CoV, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (USCDC) đã thông báo: Tính đến ngày 2-5, thế giới ghi nhận 401 trường hợp nhiễm MERS-CoV, trong đó có 93 trường hợp tử vong. Đến nay, người mắc MERS-CoV đã được ghi nhận tại 16 quốc gia thuộc các khu vực Trung Đông, Châu Âu, Bắc Phi, Châu Á và Mỹ. "Nước ta chưa phát hiện người mắc bệnh này nhưng không thể loại trừ trường hợp có du khách đi qua khu vực Trung Đông rồi vào Việt Nam. Khó khăn trong việc ứng phó với MERS-CoV là chưa có vắc xin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các trường hợp mắc bệnh lại không có biểu hiện về triệu chứng, dẫn đến việc khó kiểm soát bệnh, làm tăng khả năng lây lan trong cộng đồng". Ông Trần Đắc Phu tỏ ý lo ngại.
Nhiều "vùng lõm" về tiêm chủng
Trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh mùa hè và khả năng xâm nhập của nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm từ bên ngoài, theo GS, TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, vấn đề rất đáng lo ngại bởi hiện nay, ở ta vẫn còn nhiều "vùng lõm" về tiêm chủng. So với 3 năm trước đó, năm 2013, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin chỉ đạt mức 91,4%. Điều đáng nói là tỷ lệ tiêm vắc xin hiện không đồng đều giữa các địa phương, có nơi chỉ đạt 26,8% và đó chính là những "vùng lõm" về tiêm chủng. Hơn nữa, sau hàng loạt tai biến có liên quan vắc xin "5 trong 1" Quinvaxem (phòng ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não do vi khuẩn Hib), tỷ lệ trẻ tiêm loại vắc xin này giảm mạnh, từ 96,6% (năm 2012) xuống còn 59,4% (năm 2013). Vào quý I năm 2014 mới chỉ có 483.000 trẻ được tiêm Quinvaxem trong số 2,4 triệu trẻ có chỉ định tiêm vắc xin này. "Chúng tôi mong muốn có được tỷ lệ tiêm chủng cao hơn. Khi tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95% thì mới có khả năng đẩy lùi nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm" - GS, TS Nguyễn Trần Hiển nói.
Đối với những bệnh chưa có vắc xin tiêm phòng như TCM, SXH, theo ông Trần Đắc Phu, cách phòng bệnh tốt nhất là tăng cường vệ sinh như rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ nhỏ ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh và thay tã cho trẻ... Ngoài ra, mỗi gia đình nên thường xuyên lau dọn nhà cửa, làm sạch môi trường bị ô nhiễm và các vật dụng bẩn (bao gồm cả đồ chơi) với xà phòng và nước, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.