Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Bảo hiểm "cần câu", còn lâu mới có

SGTT.VN - Nói tới bóng đá, ai cũng biết đó là môn thể thao đối kháng đầy mạnh mẽ. Thế nên, chuyện chấn thương, thậm chí chấn thương đến độ giải nghệ kể từ đông sang tây, từ kim tới cổ chẳng thiếu. Có điều, chắc hiếm xứ nào như quê ta, "gãy chân chỉ còn nước đi ăn mày", đó là lời nhận xét của cựu tuyển thủ Trung Kiên.

Trận Thanh Hoá - Hà Nội T&T, cuối trận hai bên lao vào đòi "xử lý", trong trận cầu thủ đá đến... chảy máu mồm đối phương. Bạo lực thật sự là vấn nạn. Ảnh: Quang Minh

Nhìn hình ảnh cầu thủ Bruno của đội Quảng Ninh gãy gập chân trụ, nằm khóc vật vã trên sân trong trận gặp Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), không ít người đã lạnh sống lưng. Vừa sợ đến rợn người, vừa thương cảm. Ngay buổi tối hôm ấy, khi cầu thủ này còn đang được chẩn đoán, điều trị, đã có thông tin được phát ra từ nội bộ đội bóng Quảng Ninh. Chân Bruno chắc khó hồi phục vì gãy quá nặng, thế nên đợi sau khi anh rời bệnh viện, cầu thủ này sẽ bị thanh lý hợp đồng. Không ít người cám cảnh cho sự bạc của đời vận động viên thể thao.

Thật ra, trước Bruno không ít cầu thủ, vận động viên vì chấn thương mà giải nghệ trong thinh lặng để rồi phải sống cuộc sống đầy khó khăn chật vật. Như Minh Chuyên, dù chấn thương nhưng vẫn được động viên vào sân thi đấu cho đội tuyển U23 Việt Nam. Kết quả, ngay tại Korat - Thái Lan, Minh Chuyên tái phát trầm trọng hơn và anh mất đến hai năm sau để chữa chạy, nhưng phong độ không bao giờ cao được như xưa. Minh Chuyên giải nghệ ở độ tuổi sung mãn. Tuấn Phong là một trường hợp khác. Được huấn luyện viên Calisto đánh giá là có lối chơi thông minh vào bậc nhất Việt Nam lúc đó. Nhưng cũng như các cầu thủ khác, Tuấn Phong bị chấn thương khi đang khoác áo đội tuyển Việt Nam. Sau lần ấy, Tuấn Phong dù cố gắng nhưng chẳng thể như xưa, giấc mơ vào lại đội tuyển tan dần cho tới ngày giải nghệ.

Cái tên Trần Minh Chiến chắc ai yêu bóng đá Việt đều biết. Chấn thương tái phát nặng nề sau bàn thắng vô lê cứu cả đội bóng khỏi thất bại. Minh Chiến giải nghệ và trở thành "người tự do". Cái mà anh có được chỉ là tên tuổi và sự ngưỡng mộ. Suốt một thời gian dài, "tượng đài" này đã phải sống chật vật trong khi đồng nghiệp của anh, Lê Huỳnh Đức nhờ không dính phải chấn thương nặng đã bay cao, bay xa.

Ai cũng rõ, đôi chân của cầu thủ chính là "cần câu cơm", là phương tiện hành nghề. Thế nhưng, chẳng một nơi nào dám bảo hiểm đôi chân của các cầu thủ Việt trong khi, ở nước ngoài, chuyện bảo hiểm đôi chân chẳng còn gì là mới lạ.

Có lần hỏi chuyện người bên ngành bảo hiểm, họ cũng nói rất thật. Để bảo hiểm cần phải định lượng các rủi ro cụ thể để định giá, ví như nghề nhà báo thì rủi ro cao hơn nghề nhà giáo, nên giá tiền đóng bảo hiểm sẽ cao hơn ở gói liên quan đến y tế. Còn cầu thủ thì chịu thua. Họ thua bởi, mặt sân Việt Nam quá xấu, dù mang tiếng chuyên nghiệp, dù trên giấy tờ đòi hỏi mặt sân phải đẹp, phải đầy đủ tiêu chuẩn thì mới được chơi. Nhưng nhìn lại mà xem, sân Đồng Nai năm ngoái thiếu giàn đèn vẫn được cho thi đấu tưng bừng, nhắc đến năm lần bảy lượt vẫn chẳng xong, vì "lý do khách quan". Và sân nhà của đội Quảng Ninh mà Bruno đầu quân được chính VPF nhắc nhở là quá xấu, lời oán thán từ các đội bóng cứ nhiều dần nhưng VPF vẫn phải cho phép thi đấu chờ cải thiện. Mặt sân xấu, rủi ro chấn thương tăng lên đáng kể, pha chấn thương của Bruno cũng từ đó mà ra.

Chưa hết, chắc mọi người vẫn chưa quên huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng của đội Sông Lam đã bào chữa cho việc khán giả lẫn cầu thủ các đội lên án lối chơi chém đinh chặt sắt, bằng câu "bóng đá là môn thể thao của những người đàn ông mạnh mẽ". Chính sự lập lờ giữa "mạnh mẽ" và "đá xấu" cùng với sự dung túng của trọng tài, sân bóng đá chẳng khác các sàn đấu võ tự do.

Năm 2011, Lucas Cantoro bị Chí Công của Bình Dương đạp vỡ đầu gối, phải đi mổ. Cũng năm 2011, cầu thủ Tạ Thái Học của HAGL bị đạp đến gãy đôi ống quyển. Năm 2010, Timothy bị đồng đội đạp gãy chân trong buổi đấu tập. Huy Hoàng bay hai chân vào Samson nhưng bị cầu thủ này "gài" lại, chấn thương vùng não phải đi cấp cứu. Mới hơn, sân Ninh Bình tuần trước, Đinh Văn Ta song phi đạp ngay bẹ sườn của Danny ở đội Gạch Đồng Tâm, khiến cầu thủ này ngất luôn trên sân phải đi cấp cứu. Nào đã hết, trận đấu hôm 22.2 giữa Hải Phòng và Đồng Nai, ai xem cũng tưởng đó là trận đấu võ bởi những pha bỏ bóng đá người. Khi chính người trong cuộc chơi không giữ gìn cho nhau, khi mà ban tổ chức giải nhân nhượng với các hành vi chơi xấu và không quyết liệt trong việc đảm bảo cơ sở vật chất. Chấn thương không còn chỉ do vô tình hay sự cố. Thế nên, chuyện bảo hiểm "cần câu" của cầu thủ chắc vẫn chỉ là "giấc mơ con".

Từ khoá: thể thao bảo hiểm đồng bảo hiểm bão việt nam quảng ninh bóng đá đôi chân ngành bảo hiểm gia

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...