(CATP) Cảnh tượng hàng trăm phụ huynh chen chúc nhau, giành chỗ đứng để đón con là điều dễ dàng bắt gặp tại các trường tiểu học trên địa bàn TPHCM vào giờ tan trường. Tình trạng này không chỉ gây kẹt xe mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông khi lượng phương tiện lưu thông vào thời điểm này khá lớn.
Tình trạng lộn xộn trước cổng trường tiểu học vào giờ tan trường
Lộn xộn trước cổng trường
Hàng ngày, khoảng 16 giờ 30 - 17 giờ 30 các cổng trường tiểu học đều diễn ra tình trạng quá tải khi phụ huynh chờ đón con chật kín vỉa hè thậm chí lấn xuống lòng đường gây ra ách tắc giao thông. Có mặt tại Trường tiểu học Hiệp Bình Phước (Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) vào buổi chiều một ngày cuối tháng 12-2013, cảnh tượng hàng trăm phụ huynh dừng xe máy đứng tràn lan Quốc lộ 13 đã đập vào mắt chúng tôi. Khoảng đất trống từ cổng trường đến quốc lộ tương đối rộng, nhưng số lượng học sinh và phụ huynh khá lớn nên không còn chỗ đứng. Người này chen lấn người kia để đón con em mình khiến tình trạng lộn xộn càng trở nên khó kiểm soát. Dù đã có lực lượng bảo vệ hướng dẫn nhưng hầu như không có hiệu quả.
Là một trong những tuyến đường cửa ngõ quan trọng ra vào trung tâm thành phố nên lượng phương tiện tham gia giao thông vào giờ cao điểm trên tuyến đường này khá lớn, cả xe máy và các loại ôtô nối đuôi nhau. Việc phụ huynh và học sinh đứng tràn ra đường tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào.
Khoảng 4 giờ 30 chiều, đoạn đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q1) thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe khi hàng trăm học sinh của Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm ùn ùn ra về cộng với số lượng lớn phụ huynh tập trung đón con. Cả đoạn vỉa hè tương đối dài trước cổng trường dường như không đủ sức làm bãi đậu xe máy. Dòng người đông đúc từ đường Lê Duẩn đổ ra Nguyễn Bỉnh Khiêm thường xuyên ứ đọng, người đi đường bóp còi inh ỏi nhưng đành bất lực.
Nằm trên đường Lê Quang Định, trước cổng Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (phường 14, quận Bình Thạnh) cũng thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe. Đoạn đường này vốn chật hẹp, lượng xe khá đông nên các phương tiện khi lưu thông qua đây đều di chuyển khó khăn. Bức xúc, anh Nguyễn Hoàng Vũ (ngụ Q3) cho biết: "Tôi thấy chuyện kẹt xe ở TPHCM nhiều lắm, nhưng việc các bậc phụ huynh đến đón con cứ đứng lộn xộn dưới lòng đường, một số thì chạy ngược chiều rất dễ xảy ra tai nạn. Mặt khác, đoạn đường này từ trước đến giờ tương đối hẹp, làm cho tình trạng kẹt xe thêm nghiêm trọng".
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc tại các cổng trường do trục giao thông qua các điểm trường này không được thông thoáng, lượng xe đông cộng với việc hàng trăm phụ huynh dừng xe máy choán hết đường, đó là chưa kể một số người bán hàng rong. Việc ùn tắc giao thông trước các cổng trường không chỉ gây mất thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Thờ ơ đội nón bảo hiểm cho trẻ
Nhiều phụ huynh "quên" đội nón bảo hiểm cho trẻ
Luật giao thông đường bộ đã có quy định về việc trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi được người khác chở bằng xe máy phải đội nón bảo hiểm, nhưng thực tế cho thấy việc thực hiện quy định này chỉ có số ít phụ huynh, rất nhiều người còn thờ ơ với việc đội nón bảo hiểm cho con em mình.
Tại một số trường tiểu học như Hồng Hà (Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh), Trần Văn Ơn (Nguyễn Thái Sơn, P3, quận Gò Vấp)..., hình ảnh các bậc phụ huynh "quên" đội nón bảo hiểm cho trẻ là không phải ít. Nhiều người chở hai, chở ba nhưng không học sinh nào đội nón bảo hiểm. Nhận xét về việc này, anh Nguyễn Văn Phong (ngụ quận Gò Vấp) nói: "Nhiều phụ huynh hiện nay chủ quan quá, lỡ không may xảy ra va quẹt thì người bị ảnh hưởng nhiều nhất là các em nhỏ".
Có rất nhiều lý do được đưa ra để bào chữa cho việc thờ ơ đội nón bảo hiểm cho trẻ. Một phụ huynh cho biết: "Nhà tôi gần trường, chạy xe một xíu là tới nên đâu nhất thiết phải đội nón bảo hiểm cho các cháu. Với lại, tôi cũng thấy nhiều người đâu có đội nón bảo hiểm cho con của họ". Một phụ huynh khác nhận xét: "Tôi thấy mấy đứa còn nhỏ quá, sợ đội nón bảo hiểm nặng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí não nên không đội".
Việc không đội nón bảo hiểm cho trẻ em sẽ làm tăng tỷ lệ chấn thương sọ não, dẫn đến tử vong nếu không may tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, việc "quên" đội nón bảo hiểm cho trẻ em vẫn đang là tình trạng phổ biến hiện nay của nhiều phụ huynh khi chở con em lưu thông trên đường.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.