Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Nợ đọng bảo hiểm lên đến hơn 10 nghìn tỷ đồng

(VnMedia) -Theo lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH), ước tính đến 31/12/2013, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là trên 62,3 triệu người, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số này, số người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc là hơn 10,6 triệu người, tăng 1,9% (trong đó có 8,5 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp); số chỉ tham gia BHYT là 51,5 triệu người, tăng 3,2%; số tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 170.600 người, tăng 22,2% so với năm 2012.

Năm 2013, số thu BHXH, BHYT ước đạt 159.171 tỷ đồng, đạt 108,2% so với kế hoạch được giao; bao gồm thu BHXH bắt buộc 111.000 tỷ đồng, thu BHXH tự nguyện 532,5 tỷ đồng, thu BHYT 47.500 tỷ đồng.

Số chi BHXH, BHYT ước đạt hơn 172.700 tỷ đồng, trong đó chi từ quỹ BHYT cho 125 triệu lượt người khám chữa bệnh với số tiền là 48.000 tỷ đồng, chi từ quỹ BHXH tự nguyện cho trên 6.000 lượt người với số tiền 80,3 tỷ đồng; chi quỹ hưu trí, tử tuất, quỹ tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp, quỹ ốm đau thai sản, quỹ bảo hiểm thất nghiệp... từ nguồn quỹ bảo BHXH bắt buộc cho gần 7,9 triệu lượt người với số tiền 82.700 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế Lê Văn Phúc, năm 2013, quỹ BHYT vẫn còn khả năng cân đối nhưng năm 2014 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn bởi theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế được quy định tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP, năm 2014 sẽ đưa chi phí chi trả chế độ phụ cấp trực, phẫu thuật, thủ thuật được cộng vào giá ngày giường bệnh, giá phẫu thuật, thủ thuật; thành phố Hồ Chí Minh sẽ áp dụng giá dịch vụ y tế mới và Hà Nội áp dụng đầy đủ giá dịch vụ y tế mới.

 Ảnh minh họa

 Các doanh nghiệp nợ đọng BHXH nhiều.

Vẫn nhức nhối nợ đọng BHXH

Mặc dù BHXH Việt Nam và bảo hiểm các tỉnh, thành phố đã tích cực triển khai, thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường công tác thu, giảm nợ đọng nhưng hiện tượng các doanh nghiệp chậm nộp, trốn đóng BHXH, BHYT vẫn diễn ra phổ biến và còn có chiều hướng gia tăng. Tính đến cuối tháng 11/2013, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN là 10.659 tỷ đồng, bằng 7,93% kế hoạch Chính phủ giao, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, nợ BHXH lên tới 7.193,9 tỷ đồng; nợ BHYT là 2.912,8 tỷ đồng và nợ BH thất nghiệp là 552,2 tỷ đồng.

Theo đại diện Ban Thu, BHXH Việt Nam, bên cạnh một số nguyên nhân do tổ chức thực hiện thì tình trạng nợ đọng trên một phần do một số cơ chế chính sách chưa phù hợp như: chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực này còn bất cập, mức lãi suất chậm đóng thấp hơn lãi suất ngân hàng, cơ quan BHXH không có chức năng thanh tra, xử lý vi phạm,... một phần do tình hình hinh tế - xã hội thời gian qua còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó còn do ý thức của người lao động và người sử dụng chưa nhận thức đầy đủ về lĩnh vực này.

Theo Bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam,  việc nợ đọng BHXH vượt mốc 10.000 tỷ đồng là nỗi lo lớn, tác động tới công tác thu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ. "Khó khăn lớn nhất hiện nay là ngành BHXH chỉ có nhiệm vụ thanh, kiểm tra mà không có chức năng xử phạt.

Theo BHXH Việt Nam, nhiều giải pháp giảm nợ sẽ được thực hiện quyết liệt trong thời gian tới. BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường về công tác thu BHXH, BHYT; có biện pháp tích cực hơn nữa đối với việc phát triển đối tượng; tăng cường công tác kiểm tra, đốc thu và thu hồi nợ BHXH, BHYT; Tăng cường công tác phối hợp với các Bộ, ngành, ban hành cơ chế phối hợp thanh, kiểm tra và khởi kiện với các doanh nghiệp có số tiền nợ lớn, kéo dài; Ban hành cơ chế hỗ trợ ngoài ngành cho việc thanh, kiểm tra và thi hành án do hiện nay doanh nghiệp cố tình không thực hiện theo quyết định của tòa án ngày càng tăng. Báo cáo với Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan để xây dựng cơ chế xử lý nợ quỹ BHXH đối với các trường hợp đơn vị sử dụng lao động mất khả năng thanh toán hoặc chủ sử dụng lao động bỏ trốn, mất tích. Bên cạnh đó, tăng cường cán bộ chuyên quản xuống các đơn vị sử dụng lao động kiểm tra, đôn đốc việc thu nộp BHXH, phối hợp với các đơn vị giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

Phạm Minh

Từ khoá: khám chữa bệnh bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện gia bão người tham gia bảo hiểm bảo hiểm xã hội quỹ bảo hiểm bảo hiểm xã hội việt nam khó khăn tổng giám đốc doanh nghiệp khả năng thanh toán bảo hiểm tham gia bảo hiểm dịch vụ bhxh chính sách bảo hiểm việt nam lao động kiểm tra bắt buộc

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...