Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN và Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN:
PV.
Từ năm 1998, các nước thành viên ASEAN đã thống nhất tổ chức thường niên Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm. Nguồn: FinancePlus.vn
Năm 1978, Hội đồng bảo hiểm ASEAN (AIC) - tổ chức tập hợp đại diện các hiệp hội bảo hiểm của các nước trong ASEAN bắt đầu được thành lập. Đến năm 1983, AIC chính thức được ASEAN công nhận là một tổ chức thành viên phi chính phủ của ASEAN.
Đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính và hội nhập kinh tế, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ nhất, tổ chức tại Thái Lan, các Bộ trưởng đã xác định: "Cần thiết phải tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực bảo hiểm. Do đó, các Bộ trưởng khuyến khích các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN thành lập một diễn đàn phù hợp nhằm mục tiêu thúc đẩy các chương trình và hoạt động hợp tác khu vực. Đồng thời, các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa các nhà quản lý bảo hiểm và khu vực doanh nghiệp...".
Vì vậy, bắt đầu từ năm 1998, các nước thành viên ASEAN đã thống nhất tổ chức thường niên Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm (AIRM) cùng với Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN (AIC). Từ khi bắt đầu thành lập của từng tổ chức hoặc sự kiện đến nay, đã có 15 Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm và 38 Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN được tổ chức.
Về phía cơ quan quản lý, tại Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm, có rất nhiều vấn đề được chia sẻ nhằm tăng mức độ thâm nhập thị trường, hài hòa hóa các quy định pháp luật, quản lý, giám sát thận trọng các doanh nghiệp bảo hiểm, hướng tới việc tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế.
Đối với khối doanh nghiệp, tại Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN, các đại diện cũng cùng nhau trao đổi về cơ chế hợp tác để phát triển cùng có lợi, về các vấn đề quan tâm chung, về phát triển sản phẩm bảo hiểm mới, đặc biệt là các sản phẩm bảo hiểm chung giữa các nước trong khu vực. Để từ đó, cơ quan quản lý bảo hiểm và các doanh nghiệp bảo hiểm cùng nhau trao đổi để định hướng phát triển của ngành bảo hiểm mỗi nước và khu vực ASEAN. Kết quả, nội dung hợp tác sẽ được báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN hàng năm để tổng hợp, đánh giá.
Ngoài các cuộc họp chính thức được tổ chức thường niên, luân phiên tại các nước thành viên ASEAN, cơ quan quản lý và các hiệp hội, doanh nghiệp thường xuyên hợp tác, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với nhau, đặc biệt trong xây dựng cơ chế chính sách, trong phát triển sản phẩm bảo hiểm mới và chia sẻ rủi ro (tái bảo hiểm).
Đồng thời với thời gian diễn ra Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm và Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN, còn có các cuộc họp kỹ thuật, bao gồm Họp thảo luận chuyên đề của các nhà quản lý bảo hiểm, Họp Hội đồng các cơ quan quốc gia về thực hiện Nghị định thư số 05 lần thứ 14 (COB 14), Họp Hội đồng quản lý Học viên nghiên cứu, đào tạo bảo hiểm ASEAN (AITRI), Họp Ủy ban giáo dục ASEAN lần thứ 11 (AIEC 11), Họp Nhóm nghiên cứu về thảm họa thiên nhiên lần thứ 6 (ANDREWS 6) và trao giải thưởng các Nhà quản lý bảo hiểm trẻ ASEAN (YAMA).
Năm nay, Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN và Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN. Theo đó, Bộ Tài chính Việt Nam sẽ giữ vai trò Chủ tịch của Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm và Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam giữ vai trò nước chủ nhà trong Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN.
Tại Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN, ngoài các nội dung cơ bản như cập nhật sự phát triển của thị trường bảo hiểm mỗi nước, đánh giá việc tuân thủ các nguyên tắc bảo hiểm quốc tế, đánh giá kết quả triển khai thực hiện các Nghị định thư trong khuôn khổ Hiệp định khung về thúc đẩy hàng hóa, tăng cường hợp tác trong đào tạo cán bộ ngành bảo hiểm, Việt Nam đã có sáng kiến đề nghị Hội nghị năm nay trao đổi sâu hơn về hai chủ đề là: "Hệ thống cảnh báo sớm, giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ" và "Quản trị doanh nghiệp". Đây là những nội dung thiết thực, vừa giúp các nước tăng cường quản lý, giám sát và tự quản lý, giám sát, vừa phục vụ cho quá trình hoàn thiện quy định pháp luật tại Việt Nam và hoàn thiện các giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp bảo hiểm, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
Tại Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN năm nay, các nước sẽ tập trung chia sẻ kinh nghiệm vượt qua thách thức khi kinh tế gặp khó khăn, trao đổi về cơ chế chia sẻ rủi ro đặc biệt các rủi ro liên quan đến thảm họa, kinh nghiệm phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới, đồng thời tập hợp các kiến nghị, đề xuất với Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN để cùng tháo gỡ, chia sẻ vì sự phát triển của ngành bảo hiểm trong khu vực.
Dự kiến, sẽ có khoảng 150 khách mời tham dự các Hội nghị và sự kiện. Về cơ bản, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, đảm bảo các đại biểu được đón tiếp tận tình, an toàn, Hội nghị được tổ chức chu đáo, nghi lễ trang trọng nhưng gần gũi, đồng thời tạo cơ hội để các đại biểu đến từ các nước ASEAN có dịp tìm hiểu vẻ đẹp, đặc trưng văn hóa thành phố biển Đà Nẵng và cảm nhận lòng hiếu khách của đất nước Việt Nam.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.