Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Có bịt được "lỗ hổng" trong đấu thầu thuốc?

Được nhìn nhận là một mặt hàng đặc thù, có ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục triệu người dân, mặt hàng thuốc chữa bệnh đã được dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) dành hẳn một chương trong tổng số 13 chương, 97 điều để quy định cụ thể về việc đấu thầu thuốc vào các cơ sở y tế.

Đây cũng là nội dung thu hút được phần lớn ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội chiều 30/10.

Tránh làm bóng hồ sơ thầu

Là đại biểu (ĐB) bấm nút khá sớm, ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) dẫn giải về sự cần thiết của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đó là quy định đối với thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp trong hồ sơ mời thầu, phải quy định rõ nhà thầu không được chào các loại thuốc nhập khẩu.

Bà Đinh Thị Phương Lan - Đại biểu QH tỉnh Quảng Ngãi

Trường hợp các cơ sở y tế ngoài công lập không chọn áp dụng quy định của Luật Đấu thầu đối với mua thuốc sử dụng vốn nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế thì cơ sở y tế chỉ được thanh toán theo đúng mặt hàng và đơn giá thuốc đã trúng thầu của các cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh trên cùng địa bàn.

Tuy nhiên, theo ĐB Lan, lộ trình tất yếu khi thực hiện giá thuốc theo giá thị trường là ban hành song song 2 quy chế: đấu thầu và đàm phán giá mà dự thảo Luật quy định có thể dẫn đến hệ lụy đại bộ phận dân cư, người có thu nhập thấp có nguy cơ không bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản. Vì vậy, dự án Luật sửa đổi này cần phải có thêm quy định cụ thể dành cho cơ quan nhà nước trong việc quản lý, điều tiết giá thuốc theo thị trường.

Cũng theo ĐB này, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần xét yếu tố năng lực của nhà thầu (không chỉ thầu các mặt hàng thuốc) trước khi cộng điểm ưu đãi, tránh trường hợp làm bóng hồ sơ dự thầu để được cộng điểm ưu tiên nhưng không đủ năng lực, nhân lực, phương tiện thực hiện dự án.

Riêng về trách nhiệm hủy thầu, dự thảo quy định quá chung chung, rất khó thực hiện xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm luật về đấu thầu. Để đảm bảo tính khả thi, ĐB Lan đề nghị cần quy định cụ thể về đền bù những chi phí gì, tỷ lệ giá trị đền bù như thế nào hoặc giao cho Chính phủ quy định cụ thể về nội dung này.

Tại Điểm e, Khoản 1 quy định "chỉ định thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa xây lắp hỗn hợp, gói thầu dưới 1 tỷ đồng thuộc dự án đầu tư phát triển", ĐB Lan đề nghị tách riêng quy định chỉ định thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa và quy định chỉ định thầu đối với gói xây lắp hỗn hợp, nhằm tránh sự chồng chéo, lẫn lộn của các nhà thầu.

Còn với ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) thì, cơ chế "xin - cho" có thể sẽ xuất hiện trong đấu thầu thuốc tập trung cho loại thuốc theo danh mục Bộ Y tế ban hành. Vì vậy, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) phải làm rõ các quy định đấu thầu tập trung được thực hiện ở 3 cấp trung ương - khu vực - địa phương. Mỗi cấp lại có một đơn vị trực thuộc làm nhiệm vụ kiểm soát độc lập để tránh tính đặc quyền và đặc lợi.

Ngoài ra, ĐB Nhi cũng băn khoăn khi đấu thầu thuốc tập trung sẽ nảy sinh nhiều vấn đề như phương pháp chấm điểm thiếu công bằng, quy mô cung ứng thuốc quá lớn mà các doanh nghiệp dược nếu có trúng thầu cũng khó cung ứng kịp thời, nếu không nói là doanh nghiệp có thể bỏ cuộc giữa chừng thì nguy cơ thiếu thuốc cao. Những điều này, dự thảo Luật lần này phải làm rõ.

Chọn nhà thầu có đạo đức

Chỉ tiếp bất cập và nguy cơ tiêu cực từ đấu thầu thuốc, ĐB Phạm Văn Tiên (Tiền Giang) cho hay, hàng chục năm nay giá thuốc luôn tồn tại một nghịch lý: Được mua từ tiền ngân sách nhưng giá thuốc trong bệnh viện luôn cao hơn giá thị trường. Và ai là người kiểm soát về giá, chủng loại thuốc chi trả theo thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cũng không biết nữa. Người dân chỉ thấy rằng, cứ mỗi lần báo chí nêu về giá, thì lại thấy cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) "lẽo đẽo chạy theo" để giải trình. Đấy là điều không ổn?!

Lo lắng giá thuốc trong bệnh viện cao hơn thị trường của người dân là có cơ sở 

(Ảnh minh họa)

Vì vậy, ĐB Tiên kiến nghị, dự thảo Luật phải quy định rõ trách nhiệm của BHXH có quyền không chi trả tiền thuốc theo thẻ BHYT nếu giá cao hơn giá thị trường. BHXH phải là Chủ tịch của Hội đồng tư vấn kiểm soát về giá thuốc bởi họ mới là cơ quan chi tiền. "Tất cả nhằm chấm dứt tình trạng Bộ Y tế "đá" trách nhiệm sang cho Bộ Tài chính như hiện nay" - ĐB Tiên phân tích.

Còn với ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), để bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu thuốc gây nhiều hiện tượng tiêu cực thì yêu cầu độc lập về pháp lý, tài chính và có kinh nghiệm ít nhất 3 năm đối với các nhà thầu là rất quan trọng.

Điều này cũng hạn chế tình trạng nhà thầu có quá nhiều dự án đấu thầu và quá sức đối với dự án đấu thầu, ảnh hưởng đến chất lượng của các công trình sau này. Ngoài ra cũng cần thiết kế riêng một chương hoặc một mục quy định về đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế tiêu hao, do tính chất đặc thù và quan trọng của các mặt hàng này.

ĐB Tuyết đề nghị có chính sách ưu đãi trong đấu thầu thuốc đối với các nhà thầu sản xuất thuốc trong nước; nhà thầu phải có tâm, đạo đức. Quan điểm này cũng được ĐB Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) và ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đồng tình.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu: Để ngăn ngừa chỉ định thầu tràn lan, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ quy định hạn mức chỉ định thầu cụ thể như sau: Không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp; không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn và không quá 200 triệu đồng đối với gói thầu mua sắm thường xuyên. Ngoài ra, cấm hành vi chia nhỏ dự án thành các gói thầu nhằm mục đích chỉ định thầu từ các nhà thầu.

Từ khoá: thu nhập thấp người dân hàng hóa bhxh bão bảo hiểm xã hội bộ tài chính trách nhiệm gia hỗn hợp thiếu công bằng nhà thầu mua sắm thị trường dịch vụ quỹ bảo hiểm quy định dự thảo bảo hiểm nguy cơ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...