Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

5.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nông nghiệp, nông thôn

Sáng qua 17/10, tại TP Rạch Giá (Kiên Giang), trong khuôn khổ hội thảo giải pháp cho vay nông nghiệp, nông thôn (NNNT) có bảo hiểm lãi suất tại ĐBSCL, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Tổng Cty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) và Hội cựu chiến binh tỉnh Kiên Giang đã ký kết triển khai chương trình 5.000 tỷ đồng cho vay ưu đã NNNT có bảo hiểm (BH) lãi suất.

Hội thảo do Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN), LienVietPostBank, Báo Nhân Dân phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang thực hiện. Chương trình 5.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi NNNT có bảo hiểm lãi suất do LienVietPostBank đề xướng và triển khai thông qua việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa 3 bên gồm: LienVietPostBank, PTI và Hội cựu chiến binh các tỉnh, thành ĐBSCL.

Đại diện LienVietPostBank, PTI và Hội cựu chiến binh tỉnh Kiên Giang ký kết triển khai chương trình 5.000 tỷ đồng cho vay ưu đã NNNT có bảo hiểm lãi suất

Theo đó, 3 bên cam kết sẽ phát huy thế mạnh của mình, cùng nhau hỗ trợ để thúc đẩy việc thực hiện đề án, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu về vốn cho NNNT khu vực ĐBSCL. Chương trình hướng tới 3 mục tiêu chính là: góp phần tăng hiệu quả sử dụng diện tích đất nông nghiệp tại ĐBSCL, tăng dư nợ cho vay với nông dân và tăng số hộ được vay vốn.

Theo đề án triển khai, PTI sẽ đứng ra BH miễn phí toàn bộ lãi suất tiền vay cho các đối tượng thuộc chương trình. Cụ thể PTI sẽ hỗ trợ khách hàng vay vốn thông qua việc miễn phí dịch vụ tham gia BH lãi vay và chi trả phần BH trong trường hợp khách hàng là hộ nông dân gặp khó khăn khách quan như: thiên tai, chủ hộ nông dân bị tai nạn dẫn đến thương tật vĩnh viễn hoặc tử vong.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, mặc dù GDP ngành nông nghiệp (NN) chỉ chiếm khoảng 20% GDP của cả nước, nhưng lại là ngành quan trọng, có vai trò là bệ đỡ cho nền kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chính nhờ sự phát triển ổn định của ngành NN, nhất là đối với những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh đã giúp cho nền kinh tế trụ vững trong bối cảnh khủng hoảng.

Mặc dù vậy, các chính sách cho NN, tín dụng cho NN thời gian qua lại chưa tương xứng với những gì mà NNNT đã đóng góp cho đất nước. Vì vậy, hội thảo đặt ra là phải có cơ chế tín dụng mới cho NN, sao cho phù hợp với tình hình thực tế.

Trong đó, tập trung vào 3 vấn đề chiến lược là: Đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông và thủy lợi phục vụ phát triển SX; Đào tạo, nâng cao trình độ cho người nông dân, giúp họ nắm bắt được KHKT, nâng cao năng suất lao động; Tổ chức lại SX, theo hướng tập trung, SX hàng hóa lớn...

Thống đốc đề nghị: "Các ngân hàng thương mại cần đa dạng hóa sản phẩm phục vụ NNNT, liên kết với các đơn vị BH để triển khai các dịch vụ, ban đầu có thể là BH lãi suất, sau đó là BH cả gốc và lãi. Cách làm này vừa giúp nông dân an tâm SX vừa giúp ngân hàng được an toàn, vì không sợ mất vốn khi nông dân gặp rủi ro".

TGĐ Cty CP BVTV An Giang Huỳnh Văn Thòn cho biết, nông dân ĐBSCL hiện nay đang gặp phải 4 khó khăn lớn trong SX, đó là: thiếu vốn, thiếu nơi cung ứng vật tư đầu vào tin cậy, thiếu KHCN và đầu ra bấp bênh. Chương trình CĐML mà Cty CP BVTV An Giang nỗ lực xây dựng mấy năm qua chính là giải quyết những khó khăn trên cho nông dân, giúp vốn (thông qua đầu tư) để nông dân có điều kiện SX.

Đưa cán bộ kỹ thuật về cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân, giúp họ có được quy trình SX an toàn, hiệu quả. Cuối cùng là giải quyết đầu ra cho nông dân, phân chia lại lợi nhuận một cách hợp lý. Với mô hình CĐML, DN chính là nơi hấp thụ vốn của ngân hàng, sau đó đầu tư cho nông dân.

Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu đã mổ xẻ những bất cập trong chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) hiện nay. PGS.TS Hạ Thị Thiều Dao (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, BHNN luôn tồn tại "tình thế tiến thoái lưỡng nan", khi ít rủi ro thì nông dân không muốn tham gia BH nhưng khi rủi ro nhiều thì DN lại không dám nhận.

Thực tế điều tra tại những tỉnh thí điểm BHNN thời gian qua cho thấy, nhu cầu BHNN là rất lớn. Tuy nhiên, nông dân chưa mặn mà tham gia là do phải đóng phí cao và không tin tưởng khi gặp rủi ro sẽ được DN bồi thường.

Trong khi đó, DN BH cũng ngán ngại do lĩnh vực nông nghiệp rủi ro cao (thực tế BH tôm nuôi vừa qua DN bị lỗ, tiền bồi thường cao hơn rất nhiều so với phí thu được, trong đó có cả nghi vấn trục lợi BH). Yêu cầu BHNN là quy mô SX phải lớn, quy trình SX phải chuẩn nhưng thực tế nông dân chưa đáp ứng được. Đây chính là rào cản đối với thị trường BHNN ở Việt Nam hiện nay.

Một số đại biểu cho rằng, thay vì hỗ trợ các chương trình xã hội thì nên hỗ trợ nông dân tham gia BHNN sẽ mang lại hiệu quả thiết thực hơn. Khi SX được bảo hiểm, ngân hàng sẽ mạnh dạn cho nông dân vay vốn, nguồn tín dụng đổ về nông thôn sẽ tăng lên.

TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank đã đề xuất 8 kiến nghị đột phá để nguồn tín dụng "chảy" vào nông thôn nhiều hơn. Trong đó có những kiến nghị được chú ý như: đẩy mạnh việc tích tụ đất đai; có chính sách cho thuê đất lâu hơn (100 năm thay cho 49 năm như hiện nay); thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực NNNT; ưu đãi thuế cho các DN đầu tư vào CĐML và nâng cao chuỗi giá trị; mở rộng mạng lưới ngân hàng phục vụ NNNT và có cơ chế khuyến khích BH và BH từ thiện cho vốn vay.

Từ khoá: tín dụng pti nền kinh tế hội thảo tiền bồi thường triển khai bão khó khăn gia người nông dân bảo hiểm ngân hàng đa dạng hoá sản phẩm nông thôn bảo hiểm bưu điện vay vốn năng suất lao động kinh tế bảo hiểm nông nghiệp thương tật vĩnh viễn bhnn nông nghiệp nông dân thí điểm bảo hiểm hiệu quả

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...