Khác với bảo hiểm hưu trí bắt buộc, người lao động không biết được thời gian, mức đóng bảo hiểm cho tới khi được cầm sổ bảo hiểm thì khi tham gia quỹ hưu trí bổ sung, mỗi người lao động sẽ có tài khoản riêng và truy vấn được số tiền bảo hiểm hưu trí bổ sung mà mình và chủ sử dụng lao động đã đóng bất cứ thời điểm nào.
[Xây dựng khung pháp lý cho hệ thống hưu trí đa tầng]
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 26/9, tại Hà Nội. Đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, các công ty quản lý quỹ và các tổ chức cung ứng dịch vụ giám sát quỹ đầu tư đã tham gia hội thảo.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết: "Mục tiêu chính triển khai thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung ở Việt Nam là nhằm xây dựng khung pháp lý để hình thành hệ thống hưu trí đa tầng bổ sung cho tầng hưu trí cơ bản bắt buộc hiện nay, giúp doanh nghiệp giữ người tài và người lao động có thêm thu nhập khi về hưu."
Theo đề án, chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung mang tính chất tự nguyện, mục tiêu là bổ sung cho hưu trí cơ bản mang tính chất bắt buộc. Các khoản đóng góp của người lao động và doanh nghiệp sẽ hình thành quỹ hưu trí bổ sung và quỹ này được các tổ chức có chức năng quản lý giám sát.
Tài sản hưu trí bổ sung của người lao động thuộc sở hữu của người lao động và được quản lý trên tài khoản cá nhân bằng hệ thống công nghệ thông tin và tách biệt tới từng người lao động.
Dự kiến, hình thức đóng góp bảo hiểm xã hội bổ sung là người lao động và chủ sử dụng lao động đóng với tỷ lệ thỏa thuận theo trong hợp đồng lao động nhưng người lao động đóng tối đa không quá 50%. Mức đóng góp cũng được khống chế tối đa là 5,06 triệu đồng/người/tháng và tối thiểu là 250.000 đông/người/tháng.
Về phương thức chi trả, lợi ích người lao động được hưởng là số dư tài khoản tại thời điểm nghỉ hưu bao gồm toàn bộ tài khoản đóng lũy kế và lợi nhuận từ đầu tư.
Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, hoạt động đầu tư của quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung cũng sẽ được quy định rõ tối thiểu 70% đầu tư vào trái phiếu chính phủ để tránh rủi ro khi những quỹ đầu tư khác phá sản.
Theo ông Phạm Xuân Trường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội thì bảo hiểm hưu trí bổ sung với việc quản lý tài khoản bảo hiểm của người lao động minh bạch, công khai và rõ ràng qua hệ thống công nghệ thông tin sẽ khắc phục những điểm yếu trong khâu tổ chức thực hiện của hệ thống bảo hiểm xã hội hiện nay.
Ông Phạm Xuân Trường cho biết, hiện nay đã có hơn 20 doanh nghiệp từ các tập đoàn kinh tế nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân ngỏ ý muốn tham gia thực hiển thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) ông Trần Thanh Tân cũng cho biết thêm, công ty này đã nhận được yêu cầu của khách hàng về việc triển khai chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung, đó hầu hết là các tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài như Metro Cash & Carry Vietnam, Petro Việt Nam, Ajinomoto... Các doanh nghiệp đã có nhu cầu từ lâu nhưng chưa thực hiện được do chưa có khung pháp lý phù hợp.
"Với việc quỹ BHHT bổ sung chủ yếu đầu tư vào trái phiếu Chính phủ sẽ có đóng góp lớn làm gia tăng tính thanh khoản của thị trường trái phiếu và nguồn tiền đầu tư chung của xã hội. Trên cơ sở đó sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo ra việc làm mới góp phần đảm bảo an sinh xã hội," ông Trần Thanh Tân nói.
Tại Việt Nam, hệ thống bảo hiểm hưu trí hiện tại đang là hệ thống đơn tầng với sự hiện hữu của chính sách bảo hiểm hưu trí do nhà nước tổ chức, quản lý và vận hành. Quỹ bảo hiểm hưu trí bắt buộc hiện nay đang đối mặt với những khó khăn về việc chi trả và có khả năng hết quỹ nếu không có các cách thay đổi trong chính sách.
Chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung là một trong các chính sách an sinh xã hội của hệ thống đa tầng và đã thành công tại nhiều nước. Trong điều kiện hiện tại về dân số Việt Nam và tình hình hệ thống an sinh xã hội hiên nay, việc nghiên cứu và triển khai hệ áp dụng chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ mang lại lợi ích cụ thể cho nhà nước, người lao động và người sử dụng lao động.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các nghiên cứu cho thấy nhu cầu triển khai chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung là hiện hữu. Một số doanh nghiệp FDI tại Việt Nam tự thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung theo mô hình của các công ty mẹ tại nước ngoài. Tuy nhiên, vì chưa có khung pháp lý cho chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung nên chưa thực hiện được trên diện rộng.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan và doanh nghiệp để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. Nếu được thông qua, Chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ được triển khai thí điểm từ tháng 1/2014./.
Hồng Kiều (Vietnam+)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.