Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

Trung Quốc bị 'bao vây tứ phía'

Báo Trung Quốc hàng ngày dẫn báo cáo của Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc cho hay, Bắc Kinh đang phải đối mặt với mối đe dọa mọi mặt đến từ các đối thủ cạnh tranh tiềm năng trong khu vực Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Các tàu của Hải quân Trung Quốc trên đường trở về căn cứ ở Tam Á, tỉnh Hải Nam sau một cuộc tập trận trên Biển Đông.

Theo báo cáo, 5 đối thủ cạnh tranh chính của Trung Quốc bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nga. 4 trong 5 đối thủ trên thậm chí là các láng giềng của Bắc Kinh do đó, báo cáo của Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh, cả khu vực Thái Bình Dương lẫn Ấn Độ Dương chắc chắn sẽ không "lặng sóng" trong tương lai.

Với chiến lược xoay trục về châu Á của chính quyền Obama, trong thời gian tới, Mỹ sẽ tiếp tục triển khai và tập trung các nguồn lực cho các hoạt động xa bờ. Chưa nhắc đến các đồng minh ruột trong khu vực, đối với các quốc gia nhỏ liên quan đến tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, Washington cũng sẽ dốc sức hỗ trợ họ chống lại Bắc Kinh, tạo ra các mối đe đọa đáng kể cho an ninh quốc gia nước này.

Đề cập đến sự kiện Abe Shinzo, lãnh đạo của Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản vừa đắc cử chức Thủ tướng Nhật Bản, báo cáo của Trung Quốc cũng đồng thời chỉ trích ông không sửa chữa các sai lầm của người tiền nhiệm, Yoshihiko Noda, tiếp tục theo đuổi vụ quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku. Nhằm bảo vệ các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của đất nước, Cảnh sát biển Nhật Bản mạnh mẽ tăng cường hiện diện trong khu vực.

Đáp lại, báo cáo nhấn mạnh, Chính phủ Trung Quốc nhất thiết phải lập ra một cơ quan bảo vệ bờ biển thống nhất nhằm giám sát hiệu quả các hoạt động của Nhật Bản trong khu vực, bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp.

Trong khi đó, cũng theo báo cáo, Ấn Độ vừa quyết định thành lập hải quân nước xanh nhằm đối chọi với sự bành trướng của Hải quân Trung quốc tại Ấn Độ Dương. Ngoài ra, cùng với chính sách hướng đông mới của Ấn Độ, Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với không ít những thách thức từ người láng giềng này.

Chưa hết, báo cáo còn lưu ý, Ấn Độ đang lên kế hoạch gây áp lực và kiểm soát chặt chẽ hơn eo biển Malacca - một tuyến đường thương mại quan trọng giữa Trung Quốc, châu Phi và Trung Đông.

Về phía Hàn Quốc, quan hệ Seoul - Bắc Kinh cũng ngày càng có dấu hiệu rạn nứt và căng thẳng liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Kết quả là, Hàn Quốc cũng đang không ngừng nỗ lực tăng cường an ninh hàng hải và quyền hạn của mình.

Cuối cùng, báo cáo của Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh, dù Nga không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc nhưng các hoạt động của nước này tại Biển Đông và Ấn Độ Dương cũng là một mối quan tâm sâu sắc của các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh.

Bắc Kinh cân nhắc bắt tay Nga chống Mỹ?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm với Tổng thống Nga Putin trong chuyến công du tới Nga hôm 22/3.

Đáp ứng tuyên bố đầy tham vọng của Tổng thống Nga Vladimir Putin để tạo ra một liên minh Á - Âu bao gồm các cựu thành viên của Liên bang Xô Viết, nhiều cuộc thảo luận ở Trung Quốc đang nổi lên bàn về vấn đề liệu Bắc Kinh có nên bắt tay với Moscow để chống Mỹ hay không.

Theo tạp chí South Reviews có trụ sở ở Quảng Châu, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với sự hiện diện ngày càng tăng cường của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, Bắc Kinh nên tìm kiếm sự giúp sức của Moscow để đối phó với các mối đe dọa tiềm năng từ Washington và các đồng minh của nước này trong khu vực.

Theo tạp chí South Reviews, Nga và Mỹ là 2 cường quốc thế giới có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất ở khu vực Đông Âu và Trung Á. Đồng minh của Trung Quốc trong 2 khu vực này hiện bao gồm Kazakhstan, Ukraine, Belarus và Turkmenistan và tất cả đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Nga. Do đó, Nga sẽ là đối tác hữu ích cho Trung Quốc không chỉ trong chiến lược chống Mỹ mà còn giúp duy trì quyền lực của họ với Tây Tạng và thậm chí, các tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan.

Chưa hết, Nga còn sở hữu các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Trung Quốc đang khao khát. Đổi lại, Trung Quốc hiện có nguồn tài chính dồi dào mà Nga đang cần. Do đó, Bắc Kinh và Moscow có thể "bắt tay" với nhau để cùng xây dựng "bức tường thành kiên cố và vững chắc" chống lại sự bành trướng của Mỹ và các đồng minh của họ.

Phương Đăng

Theo Infonet

Từ khoá: nhà nước đối thủ cạnh tranh tranh chấp hàn quốc nhật bản bão trung quốc

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...