* Bắc Bộ trời trở lạnh * Thống nhất phương án xả nước chống hạn * Cơ bản kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu
Bộ đội ra quân giúp dân đào mương dẫn nước chống hạn ở Đác Nông.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía nam. Tối và đêm hôm qua (5-4), bộ phận không khí lạnh này đã ảnh hưởng đến thời tiết phía đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, phía tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Bắc Bộ có mưa, mưa rào và rải rác có dông. Từ hôm nay, ở bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa rào và rải rác có dông, trong cơn dông cần đề phòng có tố lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Ở vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9, biển động mạnh. Vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ từ trưa hôm nay (6-4) có gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật trên cấp 7, biển động. Khu vực bắc Biển Đông, từ ngày mai có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Các tỉnh miền bắc từ hôm nay, trời trở lạnh.
Tình hình hạn hán tại miền trung tiếp tục gay gắt. Tại Quảng Nam, hơn 11 nghìn ha lúa vùng hạ du sông Vu Gia thiếu nước trầm trọng. Vì vậy các địa phương trong khu vực đang căng sức chống hạn. Các hồ chứa lớn ở Đà Nẵng như Hòa Trung, Đồng Nghệ, Trước Đông... chỉ còn 30 - 50% dung tích, trong khi lượng nước về tất cả các hồ đều suy giảm nghiêm trọng. Ngành nông nghiệp đang tập trung chỉ đạo tưới tiêu tiết kiệm; tận dụng tối đa các nguồn nước hiện có từ sông, hồ, nạo vét khơi thông luồng lạch dẫn nước về ruộng; tu bổ, đắp kín các đập ngăn, khắc phục rò rỉ kênh mương; phát động nhân dân đắp bờ giữ nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Đến đầu tháng 4, do nắng nóng kéo dài, lượng nước của 117 hồ chứa ở tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạt trung bình 63% so với dung tích thiết kế. Nhờ tập trung điều tiết nước hợp lý, làm tốt thủy lợi nội đồng, tỉnh cơ bản bảo đảm tưới cho hơn 38.000 ha lúa, hiện nay các trà lúa bắt đầu cho thu hoạch. Từ nguồn vốn của Chính phủ, tỉnh Bình Định đã kịp thời phân bổ 19,4 tỷ đồng cho các địa phương chống hạn, đồng thời tiếp tục đề nghị T.Ư hỗ trợ 110 tỷ đồng để chống hạn. Đến nay, 117/161 hồ thủy lợi của tỉnh chỉ còn tổng cộng 260 triệu m3 nước; trong đó, hồ Định Bình (Vĩnh Thạnh) còn tích được khoảng 200 triệu m3 nước, các hồ lớn khác tích được khoảng 60 triệu m3, còn tất cả các hồ vừa và nhỏ đều cạn kiệt, dưới mực nước chết. Riêng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Sơn 1, tại thượng nguồn sông Côn có tổng công suất 66 MW đã ngừng phát điện kể từ 1-4 do mực nước không đáp ứng được.
Tỉnh Đác Lắc hiện có hơn 35.000 ha cây trồng các loại thiếu nước tưới, làm giảm năng suất hoặc mất trắng, trong đó có 8.000 ha lúa nước vụ đông xuân (khô cháy mất trắng 2.500 ha), 25.000 ha cà-phê (cháy khô mất trắng 100 ha)..., ước thiệt hại hơn 200 tỷ đồng. Các huyện có diện tích cây trồng bị khô hạn thiệt hại nặng nhất là Krông Bông, Ea Kar, Cư Kuin, Cư M'gar, Krông Pác và Krông A Na. Từ cuối năm ngoái đến nay, tại tỉnh Bình Phước, nắng nóng kéo dài làm hơn 10 nghìn ha cây trồng hạn hán, chưa kể gần 3.000 ha cây công nghiệp dài ngày thiếu nước trầm trọng. Toàn tỉnh cũng có khoảng hơn 10 nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt, chiếm khoảng 9,3% số hộ dân toàn tỉnh. Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa trên địa bàn tỉnh có biện pháp điều tiết nước hợp lý, bảo đảm nguồn nước để cung cấp nước trong mùa khô.
Tỉnh Đồng Tháp đang khẩn trương đôn đốc các huyện khơi thông luồng lạch, tháo dỡ các vật cản trên kênh, nạo vét các ụ máy bơm, tăng cường máy bơm, tu sửa bờ vùng, bờ thửa... nhằm hạn chế thất thoát nước. Để bảo đảm đủ lượng nước tưới cho 190.000 ha lúa hè thu, tỉnh đầu tư 228 tỷ đồng nạo vét các tuyến kênh tạo nguồn và kênh mương nội đồng bị bồi lắng, khuyến cáo nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ, sử dụng nước tiết kiệm, bố trí máy phù hợp, rút ngắn thời gian bơm... nhằm tránh thất thoát nước, bảo đảm tưới tiêu hợp lý. Tỉnh Trà Vinh cũng đang đối mặt với tình trạng khô hạn, mặn xâm nhập gay gắt, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Độ mặn trong những ngày cuối tháng 3-2013 đo tại vàm Trà Vinh dao động 7-8 phần nghìn, vàm Cầu Quan 4-5 phần nghìn, cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 2,2 đến 2,4 phần nghìn. Mặn xuất hiện sớm hơn mọi năm khoảng một tháng và lấn sâu vào nội đồng hơn 50 km. Tỉnh đã chỉ đạo phải đóng tất cả các cửa cống ngăn mặn trên địa bàn. Do nắng hạn kéo dài, nhiều khu vực tại vùng biên giới huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh đang khô hạn. Nước sinh hoạt của người dân ngày càng ít, còn nước phục vụ cho sản xuất hầu như không có làm nhiều loại cây trồng bị khô héo, năng suất giảm mạnh. Tỉnh đã khuyến cáo người dân cần chọn loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng cũng như có khả năng chịu được khô hạn như điều, cao-su, mì, đồng thời, người dân phải tiết kiệm nước không nên khoan giếng tưới cây tràn lan vì gây hụt tầng nước.
Cơ quan hợp tác quốc tế (JICA) Nhật Bản và tỉnh Nghệ An triển khai dự án khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An với tổng mức đầu tư gần 274 triệu USD; trong đó, JICA tài trợ hơn 84%. Thời gian thực hiện dự án từ nay đến năm 2019. Mục tiêu của dự án là khôi phục, nâng cấp toàn bộ hệ thống thủy lợi nói trên, bảo đảm tưới ổn định cho 27.656 ha đất sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt 1,6 m3/s và nước cho công nghiệp 1,89 m3/s...
Sau ba tháng triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, đến nay theo báo cáo của 18 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành hữu quan, về cơ bản tình hình vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc đã được kiểm soát. Một số tỉnh sát biên giới là địa bàn trọng điểm trong việc buôn lậu và vận chuyển kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép như Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn đã giảm được hơn 90% số lượng nhập khẩu so với trước. Tỉnh Gia Lai vừa có văn bản nghiêm cấm việc mua bán, trao đổi gia cầm và sản phẩm gia cầm có nguồn gốc từ Cam-pu-chia tại các chợ biên giới, chợ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Đây là hoạt động nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại các tỉnh biên giới với nước bạn.
Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 3.000 tấn gạo/năm (thời gian là 6 năm) từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Thanh Hóa để hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số (không bao gồm các hộ nghèo đã được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP) trên địa bàn huyện Mường Lát tự nguyện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trong thời gian chưa tự túc được lương thực giai đoạn 2013-2018.
Đoàn công tác Tổng cục Thủy lợi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Ban quản lý hồ thủy điện đã tiến hành khảo sát tình hình thủy văn, thực trạng từng lưu vực sông ở khu vực miền trung, Tây Nguyên, cùng các địa phương thống nhất phương án điều tiết nước từ các hồ chứa theo hướng tập trung, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các lưu vực, đáp ứng cao nhất nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, phát điện mùa khô. Các địa phương cũng thông tin, hướng dẫn bà con tập trung xuống đồng gieo cấy trong những ngày xả nước, không canh tác rải rác, có kế hoạch trữ nước, tăng cường nạo vét kênh mương để bảo đảm nước lâu dài cho vụ hè thu. Lịch xả nước căn cứ vào thực trạng nước tại các hồ, nhu cầu của từng khu vực hạ du. Khu vực Bình Thuận, hồ Hàm Thuận - Đa Mi, Đại Ninh sẽ tiến hành xả trong khoảng từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 5. Khu vực Đác Nông, Đác Lắc, hồ Buôn Tua Srah xả trong khoảng tháng 4. Lưu vực Ninh Thuận, hồ Đơn Dương xả từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6. Phú Yên, Gia Lai, hồ Sông Hinh và sông Ba Hạ xả từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6. Đối với hai địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, các bên đã thống nhất lịch xả nước của thủy điện A Vương và Đăk Mil 4 liên tục 15 ngày từ 15 đến 30-5 với lưu lượng được đánh giá đáp ứng nhu cầu, giải quyết được một số khúc mắc giữa hai địa phương thời gian qua. |
PV và CTV
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.