Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Trị bệnh "cha chung không ai khóc"

phát huy hạn chế thứ trưởng vai trò kinh tế thị trường cá nhân kinh tế mô hình tổ chức nông thôn nền kinh tế xây dựng đà nẵng trách nhiệm nhà nước bão

Giá trị phổ quát của nhân loại về tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước đã khẳng định bản chất của quyền hành pháp là mang tính chấp hành, điều hành nên quyền này cần giao cho những cá nhân chịu trách nhiệm rõ ràng để nâng cao hiệu quả, đồng thời tránh hiện tượng tắc trách "cha chung không ai khóc". Việc đột phá, áp dụng triệt để chế độ thủ trưởng nhằm nâng cao trách nhiệm cá nhân, chủ động ứng phó kịp thời với diễn biến nhanh chóng của thực tiễn đời sống đang là đòi hỏi bức thiết đối với nền hành chính phục vụ nhân dân ở các đô thị, nhất là ở các thành phố trực thuộc Trung ương như Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP.Đà Nẵng...

Gần 70 năm qua, sự lớn mạnh của Nhà nước ta gắn liền với quá trình củng cố, kiện toàn chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn lịch sử. Ngày nay việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN càng khiến nhu cầu đổi mới tổ chức chính quyền địa phương nhằm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, phát huy tính chủ động, sáng tạo và tăng cường trách nhiệm của địa phương trở nên cấp thiết. Phân định rõ mô hình tổ chức chính quyền ở địa bàn nông thôn khác ở đô thị sẽ tạo sự hợp lý khi giữa hai khu vực có nhiều khác biệt về điều kiện kinh tế, địa lý, dân cư, kết cấu hạ tầng. Đặc biệt, các đô thị trực thuộc trung ương có vị trí, vai trò của một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học ảnh hưởng đối với cả một vùng rộng lớn thì việc tiếp tục duy trì mô hình quản trị rập khuôn máy móc như vùng nông thôn càng trở nên bất cập.

Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 để phục vụ cho việc sửa đổi Hiến pháp, cả ba đô thị trực thuộc Trung ương là TP. Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và TP.Đà Nẵng đều cùng đề xuất cơ chế để hình thành chính quyền phù hợp với đặc trưng của nông thôn và đô thị. TP. Hà Nội đề xuất tổ chức chính quyền một cấp, chỉ cấp thành phố mới có đầy đủ cơ quan ủy ban hành chính và hội đồng nhân dân; các cấp quận (huyện), xã (phường) chỉ còn là cấp hành chính trực thuộc; hoặc tổ chức hai cấp chính quyền hoàn chỉnh ở cấp thành phố và cấp phường (xã); cấp quận (huyện) chỉ là cơ quan hành chính trực thuộc. TP.Hồ Chí Minh cũng đề xuất đối với thành phố trực thuộc trung ương thì chỉ thành lập hội đồng nhân dân và ủy ban hành chính của thành phố; các cập quận, huyện, phường, xã và thị trấn trên địa bàn chỉ thành lập ủy ban hành chính mà không thành lập hội đồng nhân dân. Hoặc, với khu vực nông thôn, chỉ bỏ hội đồng nhân dân cấp huyện, các cấp xã, thị trấn vẫn tổ chức chính quyền hoàn chỉnh có hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính. Riêng TP.Đà Nẵng đề xuất tổ chức chính quyền đô thị hai cấp hoàn chỉnh ở cấp thành phố và cấp phường. Trong giai đoạn quá độ, ban đầu vẫn còn chính quyền cấp quận nhưng một thời gian sau sẽ không còn chính quyền cấp quận nữa.

Lâu nay, "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" vẫn là nguyên tắc chung cho toàn bộ hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, trong đó có các cơ quan hành chính nhà nước. Đây là cơ chế bảo đảm phòng ngừa những sai lầm cá nhân, nhưng chỉ thích hợp với các hoạt động của các cơ quan có chức năng ban hành các chủ trương, nghị quyết. Thực tiễn đã chứng minh chế độ thủ trưởng mới là mô hình hữu hiệu đối với hoạt động quản lý hành chính nhà nước, nhất là ở các đô thị, nơi luôn đòi hỏi tính khẩn trương giải quyết các vấn đề phát sinh hằng ngày, hằng giờ phù hợp với đời sống công nghiệp. Đời sống công nghiệp hóa ở đô thị không thể phù hợp với cung cách việc gì cũng phải chờ đợi cả tập thể rề rà tổ chức ngồi họp hành, bàn bạc, biểu quyết, ra quyết định với một cỗ máy hành chính vận hành chậm chạp, bất cập. Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo" nếu gắn liền một cách cứng nhắc với cơ quan hành chính còn tạo hệ quả khi xảy ra tiêu cực thì cá nhân có trách nhiệm dễ bề thoái thác trách nhiệm cá nhân - đổ thừa cho tập thể dẫn đến hệ quả nhức nhối kiểu "cha chung không ai khóc". Thực tiễn cũng đã cho thấy nơi nào "tập thể lãnh đạo" chỉ mang tính hình thức, thiếu cơ chế kiểm soát hiệu quả thì nơi đó không những không phát huy được trí tuệ tập thể, hạn chế sai lầm cá nhân mà còn xảy ra nạn lạm quyền, độc đoán, chuyên quyền. Trong khi đó, cách thức vận hành của chế độ thủ trưởng trong cơ quan hành chính với cơ chế kiểm soát, giám sát thích hợp thì vẫn dựa trên sự linh hoạt điều hành của người đứng đầu nhưng cũng không hoàn toàn hạn chế việc phát huy vai trò tập thể. Với những việc hệ trọng, khi cần phải huy động trí tuệ của tập thể, thủ trưởng đứng đầu vẫn có thể phát huy vai trò tham mưu, phân tích của tập thể trước khi ra quyết định và chịu trách nhiệm cá nhân. Điều đương nhiên khi đề cao chế độ thủ trưởng trong mô hình chính quyền đô thị, cần kèm theo cơ chế để hạn chế tình trạng lạm quyền của cá nhân người có trách nhiệm. Đó là việc quy định rõ quy trình bổ nhiệm hoặc bầu người đứng đầu thật chặt chẽ; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ báo cáo, giải trình, trách nhiệm của người đứng đầu, và đảm bảo cơ chế giám sát của nhân dân cũng như bảo đảm cơ chế giám sát, kiểm tra, xử lý với các vi phạm của người đứng đầu cơ quan hành chính của các cấp chính quyền đô thị. Nền kinh tế thị trường và công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta đang đòi hỏi cả sự phân quyền theo chiều dọc (từ trung ương đến địa phuơng) với yêu cầu về tính độc lập và khả năng tự quản của địa phương, trên cơ sở tạo ra sự năng động và sáng tạo của địa phương trong các quyết sách phát triển kinh tế, xã hội. Tính độc lập và tự quản ở các đô thị lớn dĩ nhiên càng gắn liền với yêu cầu đổi mới cơ chế kiểm soát quyền lực trên nền tảng đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu trước nhân dân. Nếu như tiến tới người dân phát huy quyền làm chủ trực tiếp khi trực tiếp bỏ phiếu bầu chọn lãnh đạo chính quyền đô thị, thì càng đặt những người giữ trọng trách phải chịu trách nhiệm cá nhân dưới sự kiểm tra, giám sát của người dân trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật. Mô hình chính quyền đô thị cần được trù liệu một cách triệt để, thích đáng trong quá trình sửa đổi Hiến pháp hiện nay nhằm đáp ứng với biến đổi của thời đại cũng như với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta.

Chu Ninh

nhà nước thứ trưởng kinh tế thị trường phát huy hạn chế mô hình tổ chức nền kinh tế vai trò cá nhân nông thôn đà nẵng trách nhiệm kinh tế xây dựng bão

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...