chất lượng chính sách doanh nghiệp nền kinh tế gia kinh doanh ngân hàng nhà nước chất lượng dịch vụ động sản người dân huy động tiết kiệm kinh tế bất động sản cá nhân
(VOV) -Đưa ra những đề xuất không có khả năng thực thi, lại gây sự bất bình trong dân chúng... thì có nên không?
Cái "tối kiến" kỳ khôi này, không phải vừa mới được đề xuất, mà có dễ đến cả nửa tháng nay rồi, trên các hãng truyền thông, đặc biệt là các trang báo mạng, các blog cá nhân, dân chúng đã phản ứng quyết liệt, Blog Thóc cũng đã kịp thời lên tiếng, khi kiến nghị được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra, cho rằng cần đánh thuế tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên để chuyển hướng dòng tiền vào đầu tư kinh doanh, sản xuất.
Thật kỳ cục!
Còn nhớ những "sáng kiến" của các cơ quan tham mưu trước đây, cũng đã thành những "tối kiến" rùng rợn như thế, thiết nghĩ cũng cần phải nhắc lại. Ví như, để hạn chế lượng xe gây ách tắc giao thông ở Thủ đô, người ta đề xuất cấm xe địa phương vào Hà Nội, biến Thủ đô thành ốc đảo. Rồi xe số chẵn đi ngày chẵn. Xe số lẻ đi ngày lẻ. Xe taxi phải 4 người mới được khởi hành. Rồi thay đổi giờ học, giờ làm, làm đảo lộn cả đời sống, xã hội. Rồi khôi phục lại loại hình xe Tuk tuk, xe Lamboro, vốn là phương tiện đã bị loại bỏ vì ảnh hưởng môi trường.
Đề xuất mới của ông Lê Hoàng Châu đâu có gì mới đâu. Trước ông đến cả mấy năm, cũng đã có người đề nghị đánh thuế lãi suất tiết kiệm và cũng đã bị dân chúng chôn vùi. Giờ ông lại bới lên. Ông bảo: "Khi đưa ra đề xuất này, tôi cho rằng ở các nước đều đánh thuế thu nhập trên tiền gửi tiết kiệm. Nếu tính 100 tỷ đưa vào sản xuất kinh doanh, thu lợi nhuận mỗi năm 10 tỷ và tạo công việc cho hàng trăm người thì sẽ tạo hiệu quả xã hội và giúp ích cho nền kinh tế hơn khi bỏ 100 tỷ vào gửi tiết kiệm rồi mỗi năm thu về 15 tỷ".
Đánh giá "sáng kiến" lại thành "tối kiến" này, ta hãy nghe Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc. Theo ông Thành: "Đúng là ở một số nước có đánh thuế lợi tức (phần lãi từ tiết kiệm). Tuy nhiên, đó là thuế đánh vào khoản gửi tiết kiệm của doanh nghiệp chứ không phải cá nhân. Bởi, xét về quy mô, tiền gửi tiết kiệm của doanh nghiệp mới lớn đến mức làm cho thuế thu trở nên có ý nghĩa, còn tiền gửi tiết kiệm của cá nhân không đáng kể. Mục đích đánh thuế nhằm buộc doanh nghiệp dùng tiền đó đi kinh doanh, không sử dụng làm việc khác. Trước đây, một quốc gia rất gần với Việt Nam là Trung Quốc cũng đã từng tích cực thu loại thuế này. Kết quả, đến năm 2007, nước này đã phải giảm thuế suất từ 20% xuống 5% và tới ngày 8/10/2008 đã phải tuyên bố bãi bỏ sắc thuế này".
Một chính sách đã quá lỗi thời ở nước ngoài, chính người ta cũng đã loại bỏ đến cả gần chục năm rồi, giờ mình lại nhập "rác thải" về "kiến thiết" đất nước sao? Hơn nữa, trước khi đề xuất việc gì, quyết định làm việc gì cũng phải căn cứ vào thực trạng đời sống và lợi ích của người dân. Với lãi suất tiết kiệm hiện nay, so với đồng tiền mất giá và lạm phát, người dân đã thấy bất an, giờ lại "bòn rút" thêm chút tiền lãi mỏng manh "mưa bay gió cuốn", liệu người ta có gửi tiết kiệm nữa không? Ông Hoàng Cẩm khẳng định thẳng thừng: "Nói thật với các ông lãnh đạo và các nhà hoạch định, nếu đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm mà được thực hiện, tôi sẽ không bao giờ gửi tiền ngân hàng mà cũng không bao giờ mua bất động sản ế sưng ế xỉa lúc này mà chuyển hết sang mua USD hoặc cứ mua vàng về chôn xuống nền nhà là an tâm nhất".
Không ít người cũng nghĩ như ông Hoàng Cẩm. Bà Nguyễn Anh Thư kêu trời: "Tiền gửi tiết kiệm hàng tháng sao lại tính thuế? Trong khi các ngân hàng cần huy động vốn để có vốn lưu động giải cứu ngân hàng. Nếu người dân phải chịu thuế, không ai gửi tiết kiệm, lúc đó ngân hàng sẽ sập tiệm, kinh tế sập tiệm. Nước nhà đi về đâu?"
Xin các nhà hoạch định chính sách hãy nghe tiếng nói của dân. Ông Phạm Văn Tuấn: "Đồng tiền của bất kỳ ai khi đã gửi vào ngân hàng tức là tiền nhàn rỗi và đã trải qua một giai đoạn sản xuất, kinh doanh và đóng thuế cho Nhà nước. Ví như cán bộ, công chức thì đã đóng thuế thu nhập cá nhân, giới kinh doanh buôn bán thì cũng đã phải nộp thuế đầy đủ, ngay cả các nhà báo, dù nhuận bút chỉ có mấy trăm cũng đã nộp thuế rồi, giờ lại phải chịu tiếp thuế nữa, nghĩa là thuế cứ chồng lên thuế, Nhà nước sẽ khó mà huy động được nguồn vốn nhàn rỗi của dân nữa để cho các đối tượng vay tiền đưa vào sản xuất, kinh doanh. Người thiệt đầu tiên sẽ là Nhà nước".
Theo bà Quỳnh Trang, những người gửi tiền tiết kiệm hầu hết là dân nghèo. Đó là những đồng tiền nhàn rỗi vì "lỡ cỡ". Để mua nhà, mua xe thì không đủ. Gửi ngân hàng cũng như bỏ ống tích cóp thôi, chứ không ai còn nghĩ đến lãi suất nữa. Hiện tại bây giờ lãi suất tiết kiệm không còn sức hấp dẫn người gửi. Nhưng người ta vẫn gửi vì những đồng tiền ấy cũng không đủ để làm một việc gì cho ra tấm ra món, để ở nhà lại mất an toàn bởi những Lê Văn Luyện hay "đàn em của Luyện". Ngay một căn hộ chung cư tử tế, cũng phải mua từ ba đến bốn tỷ đồng rồi.
Đánh thuế lãi suất ngân hàng là đánh vào người nghèo. Những người có tiền lớn, đặc biệt những kẻ tham nhũng, với những khoản tiền rất lớn, sẽ chẳng dại gì mà ném vào ngân hàng vì dễ bị lộ. Họ sẽ đầu tư vào những việc khác hoặc biến thành bất động sản ở khắp mọi nơi, kể cả ở nước ngoài. Bởi vậy, nếu các nhà đề xuất hoạch định chính sách, nếu có muốn "vì dân" thật, thì đừng bòn rút mấy đồng còm lãi suất ngân hàng của dân, hãy đánh thuế bất động sản. Những ai có từ căn nhà thứ hai trở lên là phải nộp thuế. Những người có nhiều bất động sản, hoặc kinh doanh bất động sản phải nộp thế, bởi đấy không thể là người những anh nghèo được. Đánh thuế lãi suất ngân hàng, cứu bất động sản, chẳng khác gì truy bức người nghèo mà cho người giàu vậy.
Ngân hàng muốn giải cứu mình, muốn huy động vốn, phải có giải pháp về lãi suất. Bất động sản muốn giải cứu mình thoát khỏi tình trạng đóng băng cũng phải có giải pháp về giá cả, về chất lượng công trình và chất lượng dịch vụ, chứ không thể bằng những rào cản tiêu cực. Không có chuyện đánh thuế tiền lãi tiết kiệm thì tiền sẽ "chảy" vào bất động sản. Bất động sản đã từng có giai đoạn "lên mây", bán với giá trên trời. Dù chất lượng công trình, chất lượng dịch vụ nhiều khi ở dưới đáy. Nhiều căn nhà vừa hết bảo hành đã xuống cấp nghiêm trọng. "Lời nhiều quá đâu chịu chia cho dân, thấy ngon quá nên đầu tư nhiều, xây quá nhiều, cung nhiều hơn cầu, giá cả lại không hợp lý, giờ lỗ sao lại bắt cả xã hội gánh chịu? Nếu bây giờ nhà nước có mua để cứu bất động sản rồi bán lại cho dân, đã chắc gì dân mua?"
Nhiều người cho rằng "sáng kiến" đề xuất của ông Lê Hoàng Châu chỉ là trò đùa dai khi nghề bất động sản đang rảnh rỗi vì ế sưng ế xỉa, hoặc đấy chỉ là chuyện... khoa học viễn tưởng! Vì nó chẳng có tính khoa học, cũng không có cơ sở thực tiễn. Ngay việc quy định đánh thuế lãi suất từ 500 triệu trở lên đã không thể khả thi rồi. Người ta sẽ xé nhỏ ra rồi gửi ở nhiều ngân hàng, với nhiều tên khác nhau, mang danh những con cái, cháu chắt nội ngoại, làm sao mà kiểm soát nổi.
Đưa ra những đề xuất không có khả năng thực thi, lại gây sự bất bình trong dân chúng, dẫn đến sự nhiễu loạn, mất ổn định chính trị và đời sống xã hội thì có nên không? Bởi thế những vị tham mưu, trước khi làm việc gì cũng cần hết sức thận trọng, đừng để như nhà thơ Chế Lan Viên phải nói:
Chúng ta khổ vì những gã trung gian ấy
Không trung mà lại gian...
Nhưng bây giờ, sau rất nhiều sai lầm phải trả giá, người dân ta tỉnh lắm. Chẳng gian trá vụ lợi nào, hay vì lợi ích nhóm nào có thể lọt qua được cặp mắt tinh tường của nhân dân./.
bất động sản cá nhân huy động kinh tế doanh nghiệp gia kinh doanh ngân hàng chất lượng dịch vụ nền kinh tế chính sách động sản tiết kiệm nhà nước chất lượng người dân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.