Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

Tín dụng hướng vào sản xuất

chiến lược phát triển bất động sản tín dụng khó khăn khách hàng cá nhân kinh doanh chính sách khách hàng xuất khẩu tổng giám đốc phát triển kinh tế

Chính sách tiền tệ năm nay ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, thâm dụng lao động...

Dù cho vay lĩnh vực bất động sản (BĐS) không còn bị hạn chế cấp tín dụng và nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường này đang được áp dụng nhưng các ngân hàng (NH) thương mại vẫn không mặn mà bơm vốn cho lĩnh vực này khi nợ xấu cao, rủi ro lớn và đầu ra vẫn tắc...

Đẩy vốn ra nhưng phải thu hồi nhanh

Ngay từ đầu năm 2013, nhiều NH thương mại liên tiếp tung ra các gói tín dụng lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh. Từ nay đến hết ngày 31-3, NH TMCP Quân đội (MB) triển khai gói tín dụng trị giá tối thiểu 1.000 tỉ đồng dành cho DN nhỏ và vừa, với lãi suất vay thấp nhất từ 9,99%/năm. Chương trình dành cho các DN giải ngân mới, được xếp hạng tín dụng từ loại A trở lên, không có nợ xấu tại thời điểm xét giải ngân, kỳ hạn vay tối đa 6 tháng.

Đây là gói tín dụng tiếp sau gói ưu đãi 2.000 tỉ đồng vừa kết thúc, nhằm tạo ra chuỗi hỗ trợ mang tính liên tục nhằm giúp DN tận dụng tối đa cơ hội kinh doanh. Còn NH TMCP Á Châu (ACB) từ cuối tháng 2-2013 cũng hạ lãi suất cho vay xuống mức chỉ còn 11,5%/năm, tùy theo mục đích vay của khách hàng. Hiện mức lãi suất cho khách hàng cá nhân vay để sản xuất kinh doanh, vay mua nhà trung bình từ 11,5% - 12,5%/năm.

Dòng vốn tín dụng đang huớng đến các ngành sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Ảnh: TẤN THẠNH

Nhận định về chiến lược phát triển tín dụng, Phó Tổng Giám đốc MB Đặng Quốc Tiến cho biết đã qua rồi thời các NH cho vay ồ ạt, dễ dãi làm tín dụng tăng trưởng nhanh nhưng chất lượng thấp, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu. Hai tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng chưa cao như kỳ vọng. Năm nay, dòng tín dụng được hướng mạnh vào các lĩnh vực ưu tiên, nhất là ngành sản xuất các mặt hàng chiến lược như gạo, thủy sản, nông sản.

Còn ông Phạm Thiện Long, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Phát triển TPHCM (HDBank), cũng nhấn mạnh NH sẵn sàng cho vay với lãi suất từ 11% - 12%/năm đối với các DN có tài chính lành mạnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, NH nắn dòng vốn nhiều hơn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. "Tín dụng năm nay quan trọng là đẩy được vốn ra nhưng phải thu hồi nhanh, quay vòng nhiều thì chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra có thấp vẫn chấp nhận được" - ông Long cho biết.

Không "thả" vốn cho bất động sản

Lãnh đạo nhiều NH cho biết trong giai đoạn hiện nay chưa thể "thả" vốn cho BĐS nhiều. "DN kinh doanh BĐS còn khó khăn, nếu đưa tiền vào các dự án nhưng đầu ra không thông, khách hàng không mua thì tiền sẽ khó quay trở lại NH, như vậy sẽ tăng thêm nợ xấu, rất nguy hiểm" - lãnh đạo một NH phân tích. Chưa kể, cho vay kinh doanh BĐS dù lãi suất cao nhưng không có dịch vụ cộng thêm, thời gian cho vay dài, trong khi các NH bị khống chế tỉ lệ tín dụng trung, dài hạn.

Báo cáo kết quả tổng hợp cuộc điều tra mới nhất về xu hướng kinh doanh của các NH thương mại do Vụ Dự báo thống kê tiền tệ (NH Nhà nước) hoàn thành vào tháng 1-2013 vừa công bố cho thấy các NH thương mại dự kiến tập trung vốn cho các lĩnh vực, ngành hàng quan trọng, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, hạn chế cấp tín dụng để đầu tư kinh doanh BĐS và kinh doanh chứng khoán. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong khuyến nghị chính sách cho năm 2013 cũng đề xuất, chính sách tiền tệ năm nay cần thực hiện một cách có hiệu quả, ưu tiên tín dụng cho khu vực nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, các DN nhỏ và vừa, thâm dụng lao động...

kinh doanh tín dụng tổng giám đốc chính sách bất động sản khách hàng cá nhân xuất khẩu kinh tế chiến lược phát triển phát triển khó khăn khách hàng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...