Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

Thu hồi đất cho dự án kinh tế - xã hội: Dễ bị lạm dụng

phát triển người dân tài sản quy định

Nếu hiến pháp hóa quy định thu hồi đất thì cần phải đặt ra và trả lời câu hỏi "Căn cứ pháp lý nào để thu hồi đất, tài sản của cá nhân, tổ chức" - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Lê Thị Nga lập luận trong phiên họp các ĐBQH chuyên trách bàn về Hiến pháp sửa đổi hôm qua (14.3).

Lần đầu tiên, trong Hiến pháp - đạo luật mang tính chất "mẹ của các luật" - quy định về thu hồi đất được đề cập đến một cách cụ thể. Điều 58 của dự thảo cho phép Nhà nước được thu hồi đất cho các dự án phát triển KT-XH. Và, đây chính là điều khoản hầu như không nhận được sự tán thành của các ĐBQH.

Trong phần giải trình, bản thân ban biên tập cũng ghi nhận các ý kiến cho rằng nếu quy định trong Hiến pháp việc Nhà nước thu hồi đất để phục vụ mục tiêu KT-XH thì sẽ rất dễ dẫn đến tùy tiện, lạm quyền, mâu thuẫn với việc bảo hộ quyền tài sản của người dân về đất đai. "Đây cũng là ý kiến cần được tiếp tục nghiên cứu để có phương án hợp lý trình QH xem xét, quyết định" - Trưởng ban biên tập Hiến pháp sửa đổi Phan Trung Lý nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Lê Thị Nga cũng cho rằng đây là quy định "quá rộng và dễ bị lạm dụng". Theo bà Nga, trong cả lý luận và thực tiễn, cơ chế thu hồi đất chưa thuyết phục và "nếu hiến pháp hóa việc thu hồi đất thì cần phải trả lời câu hỏi: Căn cứ pháp lý nào để thu hồi đất như một tài sản của cá nhân, tổ chức".

Khẳng định điều 58 dự thảo có tiến bộ khi thừa nhận quyền về tài sản, tuy nhiên, theo bà Nga, việc bỏ quy định thu hồi đối với các dự án phát triển KT-XH sẽ giải quyết tốt vấn đề xã hội thời gian qua.

Các vị ĐBQH cũng cho rằng, nếu chỉ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh, thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ. Bởi thực tế cho thấy việc thu hồi đất, đặc biệt thu hồi đất đô thị khá tràn lan trong thời gian vừa qua khiến người dân bất bình. Và sau khi thu hồi, các chủ đầu tư chủ yếu phân lô để bán với giá cao nhiều lần. Cứ làm thế rất khó để người dân đồng thuận.

Trước đó, ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) phân tích đất đai là tài sản, người sở hữu có quyền sử dụng, vậy thì không thể nói là thu hồi đất để phục vụ cho công trình công cộng phát triển KT-XH được. Theo ông Thuyền, nếu quyền sử dụng đất đã là tài sản sở hữu thì phải trưng mua chứ không thể là bồi thường như cách làm hiện nay. ĐBQH Nguyễn Thanh Tùng (Sóc Trăng) thì đề nghị không nên nhóm chung "dự án phát triển KT-XH" với "quốc phòng an ninh", bởi việc thu hồi chung cho cả hai nhóm này rất dễ tái diễn tình trạng trục lợi, lợi ích nhóm và không thể thuyên giảm khiếu tố đất đai.

quy định tài sản phát triển người dân

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...