tiêu thụ người dân ổn định thuế giá trị gia tăng nền kinh tế bộ tài chính mua bán nhà nước gia thế giới độc quyền giá trị gia tăng kinh doanh ngân hàng doanh nghiệp văn bản quy phạm pháp luật cơ quan quản lý nhà nước thị trường
ANTĐ - Ngày 26-2-2013 sẽ đi vào lịch sử thị trường vàng Việt Nam sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ký hợp đồng gia công vàng miếng với SJC, một doanh nghiệp cổ phần. Nó đánh dấu việc NHNN chính thức tham gia hoạt động trong thị trường vàng với tư cách là thương nhân độc quyền xuất nhập khẩu, nghĩa là có mua có bán, dẫu mục tiêu được công bố là để ổn định thị trường vàng. Trên thực tế, nó cũng thừa nhận một thương hiệu ngoài quốc doanh bằng sự hỗ trợ rất đáng bàn của NHNN trở thành thương hiệu quốc gia.
Những bước đi vội vãNgày 25-2-2013, ông Vũ Quang Huy, Vụ trưởng vụ Quản lý ngoại hối NHNN cho biết, cơ quan này đang chuẩn bị toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật để có thể tổ chức việc mua, bán vàng miếng trên thị trường. Đóng vai trò là người kiến tạo thị trường, mua, bán cuối cùng, với mục tiêu đảm bảo giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới.
Đầu tiên, NHNN sẽ tham gia với tư cách của người bán vàng ra thị trường thông qua cơ chế đấu thầu. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp thị trường vàng, thành đầu mối cung cấp vàng cho thị trường. Đồng thời đánh thuế với vàng trang sức. NHNN cũng xác định có hai thị trường trong kinh doanh vàng miếng, thứ nhất là thị trường bán buôn giữa NHNN với các tổ chức tín dụng; thứ hai là giữ tổ chức tín dụng với doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên ngay khi các văn bản quy phạm đang được gấp rút soạn thảo thì NHNN và Bộ Tài chính đã bắt đầu tiến hành các hoạt động cũng gấp rút không kém trên thị trường vàng. Ngày 26-2-2013, NHNN ký hợp đồng gia công vàng miếng với SJC, nguồn nguyên liệu được lấy ra từ dự trữ ngoại hối. Để bù lại NHNN đã cho xuất khẩu vàng phi SJC và nhập vàng khối tiêu chuẩn. Ngày 25-2-2013 Tổng cục Thuế ban hành thông tư quy định, kể từ ngày 1-3, sẽ chính thức áp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp đối với hoạt động chế tác, kinh doanh vàng, đồ trang sức. Theo lý giải của NHNN và các cơ quan chức năng, việc áp thuế trực tiếp đối với các loại vàng trang sức nhằm mục đích ổn định thị trường vàng trong nước, đồng thời giảm lượng vàng tích trữ trong dân.
NHNN cũng khẳng định khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, NHNN sẽ nhập vàng và bán vàng ra thị trường để làm giảm chênh lệch giá vàng, khi giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới NHNN sẽ mua vào để giá khó giảm sâu, người bán vàng không bị thiệt. Về mục đích ta không bàn, nhưng trên thương trường buôn bán như NHNN thì nằm mơ cũng không có được. Thế mới biết độc quyền quan trọng thế nào và vì sao các tập đoàn Nhà nước quyết chiến bằng mọi cách để giữ được độc quyền.
Đánh thuế vàng trang sức
Tổng cục Thuế vừa có văn bản hướng dẫn các chi cục thuế tính thuế các hoạt động sản xuất kinh doanh vàng trang sức, theo đó, từ ngày 1-3-2013 các cơ sở kinh doanh vừa kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý, vừa chế tác sản phẩm vàng, bạc, đá quý thì áp dụng phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp. Theo lý giải của NHNN và các cơ quan chức năng, việc áp thuế trực tiếp đối với các loại vàng trang sức nhằm mục đích ổn định thị trường vàng trong nước, đồng thời giảm lượng vàng tích trữ trong dân. Nói cách khác là nhằm làm giảm sự lãng phí khi để tiền "chết" dưới dạng tài sản không sinh lời.
Trước đó, tại cuộc trao đổi với báo chí ngày 25-10-2012, ông Lê Minh Hưng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã đề xuất Bộ Tài chính đánh thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng. Đề xuất này đã khiến người dân xôn xao. Rất may, trong thời gian này, thuế tiêu thụ đặc biệt chưa được đặt ra.
Về mặt ngôn ngữ, hướng dẫn này của ngành thuế không đề cập đến người dân mua và tàng trữ vàng, tuy nhiên ai cũng hiểu, mọi sắc thuế đánh vào kinh doanh cuối cùng người chịu vẫn là những người tiêu thụ. Đánh thuế vào kinh doanh vàng trang sức chính là đánh thuế vào người mua và giữ đồ trang sức bằng vàng. Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, thói quen tích trữ vàng của người dân không thể thay đổi trong một sớm một chiều, nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng chẳng khác gì đánh thuế vào khoản tiền tiết kiệm của người dân. Nhưng quan trọng hơn, việc đánh thuế vào vàng trang sức đã hướng dòng người mua vàng tích trữ sang vàng miếng, lĩnh vực mà NHNN tổ chức kinh doanh.
Những hiệu quả tức thời
Ngay sau khi NHNN công bố kế hoạch kinh doanh vàng, thị trường vàng đã có phản ứng mạnh mẽ, giá vàng trong nước giảm mạnh. Chỉ riêng ngày 27-2-2013 giá vàng đã giảm mạnh 850.000đ/lượng, chỉ còn cao hơn giá vàng thế giới trên 3 triệu đồng. Theo dự đoán, giá vàng trong nước sẽ còn giảm và NHNN sẽ thực hiện được mục tiêu cân bằng giá vàng trong nước và thế giới sau ngày 1-6-2013. Đến ngày 28-2-2013 giá vàng trong nước đã xuống đến 43,1 triệu đồng/lượng, giảm gần 2 triệu/lượng so với ngày hôm trước.
Ông Lê Hùng Dũng, đại diện SJC, lạc quan cho rằng, trong vòng 1 tuần lễ từ sau lễ ký kết giá vàng trong nước sẽ sát với giá vàng thế giới. "Khi nguồn cung đặc biệt là có nguồn nguyên liệu từ NHNN do SJC gia công thì chắc chắn có một nguồn cung lớn tung ra đủ đáp ứng cầu cho thị trường không có lý do gì giá vàng trong nước lại cách xa giá vàng thế giới", ông Dũng nói.
Cơ sở để giá vàng trong nước và thế giới thu hẹp khoảng cách được củng cố thêm bởi, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) Nguyễn Quang Huy cho biết chỉ trong vòng 3 - 4 tuần nữa, toàn bộ 9 tấn vàng tạm xuất ra nước ngoài để nhập về vàng nguyên liệu, rút ngắn thời gian dập đúc thành vàng miếng SJC cung ứng cho thị trường được hoàn tất. Lượng cung vàng miếng lớn sẽ tạo sức ép khiến giá vàng trong nước giảm.
Song hành với động thái này, NHNN cho biết NHNN chuẩn bị các bước cần thiết để có thể sớm tham gia thị trường với tư cách là người bán vàng ra thị trường thông qua cơ chế đấu thầu. Dự kiến mức giá sẽ giảm dần qua các phiên đấu thầu. Trong giai đoạn đầu NHNN sẽ cung lượng vàng miếng khá lớn ra thị trường nhằm cân đối cung - cầu, từ đó làm cho mức giá chênh về giá giữa hai thị trường giảm". "Việc tạo mạng lưới mua bán chính thức (thông qua việc cấp phép kinh doanh) và thực hiện sản xuất vàng miếng thông qua SJC là những cơ sở để NHNN can thiệp thị trường vàng kéo sát giá vàng trong nước với thế giới theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ", Phó thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Mục tiêu quản lý thị trường vàng
Như vậy một lần nữa chúng ta lại tổ chức xuất nhập khẩu vàng và tổ chức kinh doanh rộng rãi vàng miếng, chỉ khác lần này là do NHNN trực tiếp chủ trì điều phối thị trường, nói cho đúng là chủ thị trường vàng. Vấn đề dư luận băn khoăn chính là đi cho cùng, thực hiện hết các biện pháp cuối cùng mục tiêu của quản lý thị trường vàng vẫn còn xa vời.
Mục tiêu đầu tiên theo đúng chủ trương là không để vàng hóa nền kinh tế. Sau một thời gian bằng nhiều biện pháp hạn chế mua bán vàng, chúng ta lại mở cửa kinh doanh vàng. Với sự đảm bảo của NHNN, vàng miếng sẽ là phương tiện dự trữ, thanh toán tốt nhất, so với tiền đồng, giá trị luôn bị ảnh hưởng bởi nhu cầu vốn và lãi suất ngân hàng. Mục tiêu chống vàng hóa càng xa vời hơn.
Theo các chuyên gia, hiện nay, nhân dân còn giữ khoảng 400 tấn vàng và NHNN quyết tâm đưa số vàng này vào vòng quay sản xuất kinh doanh. Việc khống chế giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế, có khi tới trên 5 triệu đồng/lượng nhằm thúc đẩy dân bán vàng ra. Việc đó đến nay không đạt được và với việc tổ chức thị trường vàng do NHNN chủ trì với cam kết đưa giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới, càng thúc đẩy người dân dự trữ hoặc tiết kiệm bằng vàng. Không thể nói việc một số ngân hàng thương mại mua được một số lượng vàng trong dân (khoảng 70 tấn) là đã đưa được số vàng này vào vòng quay vốn vì thực chất các ngân hàng mua vàng trong dân là để trả lại dân theo những quy định về trạng thái vàng của chính NHNN. Mục tiêu đưa dự trữ vàng trong dân vào vòng quay vốn về cơ bản là không thành công.
Dư luận còn thắc mắc về những phát biểu bất nhất của lãnh đạo NHNN về các chính sách với thị trường vàng. Không ít lần lãnh đạo NHNN đã phát biểu NHNN không có trách nhiệm bình ổn giá vàng, nhưng bây giờ chính NHNN lại ra tay bình ổn giá vàng. Cũng như ý kiến NHNN không hạn chế việc tàng trữ và kinh doanh vàng phi SJC nhưng cuối cùng NHNN lại tổ chức thị trường vàng chỉ kinh doanh vàng SJC. Đối chiếu với những ý kiến phát biểu về chủ trương quản lý thị trường vàng càng thấy sự thiếu nhất quán trong hoạt động trong thị trường của NHNN. Thêm nữa, NHNN là cơ quan quản lý Nhà nước bây giờ lại trực tiếp tổ chức xuất nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh vàng dẫu có nhiều lý do biện minh cũng không thể ngăn được đánh giá NHNN đang vừa đánh trống vừa thổi kèn, một mình một chợ. Chưa kể các chính sách này thật sự đã bức tử một ngành sản xuất kinh doanh có tiềm năng và uy tín quốc tế của nước ta: sản xuất và xuất khẩu hàng trang sức bằng vàng.
Trần Việt
thế giới ổn định giá trị gia tăng thuế giá trị gia tăng bộ tài chính ngân hàng nhà nước cơ quan quản lý nhà nước thị trường văn bản quy phạm pháp luật tiêu thụ nền kinh tế doanh nghiệp kinh doanh gia mua bán độc quyền người dân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.