Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Lão nông hiến kế đuổi bèo lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông

Lục bình xâm chiếm hết mặt sông Vàm Cỏ Đông khiến nhiều người dân vô cùng bức xúc.

Nhiều năm qua, người dân ở Tây Ninh sinh sống, làm nông nghiệp, đánh bắt thủy hải sản, kinh doanh dọc hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông (dài khoảng gần 100km), đoạn từ huyện Củ Chi (TP.HCM) qua địa phận tỉnh Tây Ninh hết sức bức xúc chuyện bèo lục bình chiếm hết diện tích mặt nước. Nhiều phương án tiêu diệt, đuổi bèo lục bình cũng được các ban ngành, cá nhân của tỉnh đưa ra, triển khai thực hiện nhưng kết quả vẫn không hiệu quả, bèo vẫn dày đặc dòng sông. Trước cảnh bèo chiếm sông ngày càng trầm trọng, lão nông Tư Đảnh đã hiến kế đuổi...bèo.

Dân bức xúc bèo chiếm sông

Đang ngồi nói chuyện trong quán cà phê với chúng tôi, lão nông Tư Đảnh (ông tên thật là Đặng Văn Đảnh, 65 tuổi, ngụ ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) móc điện thoại nói: "Để tôi gọi cho nguyên Giám đốc sở Khoa học - Công nghệ Tây Ninh ra đây uống cà phê, nói chuyện đuổi bèo lục bình cho vui. Ông này ủng hộ và khoái chuyện đuổi bèo của tôi lắm". Tiếc rằng, vị cựu cán bộ kia lại bận, thế là chúng tôi bắt đầu câu chuyện đuổi bèo lục bình trên dòng Vàm Cỏ Đông do ông Đảnh nghĩ ra.

Lão nông dân Tư Đảnh và sợi dây dù dùng để ngăn bèo

"Để đuổi hay diệt bèo lục bình trên dòng sông Vàm Cỏ Đông với nhiều năm gắn bó, tôi đã nghĩ ra nhiều cách, nhưng khả thi nhất vẫn là chỉ đuổi nó đi chứ không diệt", ông Tư Đảnh chia sẻ. Ấp ủ dự án này khá lâu, cuối cùng rồi ông cũng có cơ hội để trình bày với những người chức trách. Trong một cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, nhiều cử tri dọc hai bên dòng sông đưa kiến nghị vấn đề bèo lục bình chiếm hết mặt sông. Các đại biểu cũng chia sẻ, vấn đề này chính quyền tỉnh Tây Ninh cũng đã quan tâm giải quyết nhưng chưa rốt ráo.

Ông Tư Đảnh chia sẻ, trước đó, nhà máy Phân bón Bình Điền đóng ở Tây Ninh cũng đã tiến hành thu gom bèo về sản xuất phân vi sinh. Đây là phương án "vẹn cả đôi đường", vừa có thể diệt bớt bèo trên dòng sông Vàm Cỏ Đông, lại có nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để sản xuất phân bón. Được biết, phân vi sinh được sản xuất từ bèo có chất lượng khá tốt nhưng ngặt nỗi, giá thành phẩm lại cao nên phương án này không khả thi. Một phương án khác cũng đã được thực hiện để mong diệt hết bèo lục bình: Đó là cho lính của Sư đoàn 5, đóng trên địa bàn tỉnh xuống vớt bèo. Nhiều chiến sỹ khỏe mạnh đã được huy động, một ngày, họ dọn cả khúc sông là chuyện thường. Thế là hiệu quả thấy rõ. Nhưng ai ngờ, sáng hôm sau ra sông để tiếp tục công việc, mọi người không tin vào mắt mình, vì không biết bèo từ đâu tấp về cả đám to tướng!

Một phương án khác cũng được tỉnh cho triển khai thực hiện, khi được bộ Khoa học - Công nghệ chuyển giao công nghệ cho chiếc máy cắt, ép, rong, cỏ, lục bình. Nghe đâu, chiếc máy này trị giá cả tỷ đồng, với trọng tải khoảng 7 tấn. Máy này cắt, ép thì hiệu quả nhưng do dòng sông có diện tích quá rộng nên hiệu quả không đáng là bao, lại tốn thêm thời gian di chuyển đến bãi đỗ.

Nghe đến đây, như cờ mở trong bụng, lão nông Tư Đảnh xin được ý kiến. Ông trình bày phương án đuổi bèo lục bình với các đại biểu. Nghe có vẻ chịu, các đại biểu Hội đồng Nhân dân hứa sẽ tiếp thu và mời ông lên làm việc với các ngành chức năng.

Trong buổi làm việc với các sở, ngành của tỉnh, ông Tư Đảnh giới thiệu về phương pháp đuổi bèo ra biển khá đơn giản. Theo tính toán của lão nông Tư Đảnh thì con nước sông Vàm Cỏ Đông cũng đủng đỉnh lắm. Chính cái đủng đỉnh nước lớn, nước ròng trên sông mà ông nghĩ ra cách đuổi lục bình. Cụ thể, chỉ cần một sợi cáp dù, có đường kính khoảng 4,5cm, dài 250m, hai mỏ neo to bằng thép, một chiếc ghe, một chiếc xuồng, chục chiếc phao cứu sinh và khoảng 10 nhân công khỏe mạnh, biết bơi lội là có thể đuổi lục bình xuống khu vực nước lợ, nước mặn.

Lão nông Tư Đảnh

Đuổi bèo ra biển

Nhiều người nghe phương án đuổi bèo lục bình của lão nông dân Tư Đảnh trên lý thuyết còn ngờ ngợ chưa biết thế nào. Thế là tỉnh cấp kinh phí, một cuộc thử nghiệm đuổi bèo diễn ra. Người chỉ huy trưởng dự án đuổi bèo lục bình là Tư Đảnh, cùng một số người khỏe mạnh bắt đầu công việc nơi đầu nguồn con sông Vàm Cỏ Đông, thuộc địa phận xã Biên Giới, giáp với nước bạn Campuchia. Sau khi đóng mỏ neo ở bờ sông bên này, cột dây cáp chắc chắn, mấy người ngồi trên xuồng kéo sợi cáp ngay mặt sông cột vào mỏ neo bờ bên kia. Khi nước sông dâng lên theo thủy triều, lục bình từ khu vực hạ nguồn chạy theo con nước lên phía đầu nguồn nhưng chúng không thể đi tiếp khi mắc phải sợi dây dù do lão Tư Đảnh giăng ngang mặt sông. Khi bị chặn lại, đám lục bình đủng đỉnh chen lấn nhau, chật kín cả mặt sông. Sợi dây dù do bị lục bình xô đẩy cũng cong theo hình cánh cung. Trong khoảng 4-5h đồng hồ cả đám lục bình rộng lớn bị chặn lại trên mặt sông. Nhiều người đứng đặc nghẹt hai bên bờ sông xem lão nông này sẽ làm gì tiếp. Họ cũng trông chờ sẽ có mặt sông thông thoáng cho dễ thông thuyền, đi lại và làm ăn.

Khi nước bắt đầu ròng, lão nông Tư Đảnh cho anh em thả neo, rút dây, thế là bèo theo con nước trôi xuôi. Khi nước rút mạnh, cả đám lục bình đua nhau rút ầm ầm. Rút được một đoạn dài, khoảng chục km, lão lại cho anh em "bày binh bố trận" tiếp, giống như lần trước. Và cứ thế, trong một ngày, lão nông Tư Đảnh cùng anh em đã "giải phóng" được mấy chục km dòng sông khỏi lục bình. Cuộc thử nghiệm kết thúc tại cầu Gò Dầu, huyện Gò Dầu.

Theo tính toán của ông Tư Đảnh thì trong khoảng thời gian gần 2 tháng, ông sẽ đuổi lục bình xuống tận sông Vàm Cỏ Tây ở Long An rồi đi ra biển. Khi gặp nước lợ, nước mặn, đám lục bình sẽ tự chết. Việc thử nghiệm thành công bước đầu làm cho người dân hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông tại Tây Ninh và chính quyền địa phương hết sức phấn khởi. Nhiều người tin rằng, vấn nạn bèo lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông đã có cách trị. Thế là một chương trình đuổi bèo lục bình được UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt, giao cho các sở, ngành liên quan phối hợp với lão nông Tư Đảnh thực hiện. Việc thực hiện kéo dài trong năm 2011 có kết quả khá tốt, làm nhiều người dân vui mừng. Chính quyền địa phương cũng không phải lo lắng thêm về chuyện bèo lục bình chiếm hết mặt sông.

Công việc vẫn cứ thế tiếp tục cho tới tháng 8/2012 buộc phải ngưng lại cho tới nay. Lý do được ông Tư Đảnh cho biết là do không có ai đóng tiền bảo lãnh. Theo đó, để được làm nhiệm vụ đuổi bèo lục bình, ông Tư Đảnh phải có tư cách pháp nhân, nghĩa là phải có công ty đứng ra ký hợp đồng để thực hiện. Thế là ông Đảnh phối hợp với một vị bác sỹ lập ra công ty TNHH Xây dựng Thanh Sơn do ông Huỳnh Thanh Nhân làm giám đốc. Trải qua cuộc đấu giá gần 5 tỷ đồng, công ty của ông đã thắng thầu dự án đuổi bèo lục bình trong thời gian 5 năm (mỗi năm khoảng 1 tỷ) và đang thực hiện cho tới thời điểm tháng 8/2012 thì buộc phải tạm ngưng. "Nếu muốn thực hiện tiếp, chúng tôi phải nộp 850 triệu đồng tiền bảo lãnh nhưng do công ty không có tiền, chắc có lẽ là ngưng luôn thôi chú ạ. Chúng tôi thì không vấn đề gì, chỉ tội bà con lại phải lo lắng vì vấn nạn lục bình chiếm mặt sông mà thôi", lão nông Tư Đảnh buồn buồn chia sẻ.

Phương pháp đuổi bèo của lão nông

Nói về cách diệt lục bình, lão nông Tư Đảnh cho biết: "Tôi còn nhiều cách lắm nhưng sau khi triển khai thấy nhiều chuyện không giống như mình nghĩ, đâm ra cũng nản. Ví dụ như, diệt lục bình theo phong thủy. Theo đó, lợi dụng địa hình, gió và nước để đưa bèo về nhà máy hay bán cho công ty của Singapore bón phân cho ổi hoặc hợp tác xã trồng mãng cầu của tỉnh... Vì nước sông Vàm Cỏ Đông lúc lên, lúc xuống, từ đó có thể chọn vị trí thuận lợi, rồi dùng một đoạn dây dài nối từ bờ ra giữa lòng sông. Điểm cuối nối với một thùng phuy cho nổi cố định giữa lòng sông. Sợi dây này nối với bờ sông sẽ tạo ra một hình tam giác nhọn. Khi gió nổi lên, nước thủy triều lên sẽ bố trí tam giác này ngay góc bờ thuận lợi cho bèo dạt vào đó. Cứ thế, gió càng mạnh, nước càng lên thì bèo sẽ dồn vào càng đông. Tại điểm nhọn của tam giác, sẽ đặt một máy tời, móc bèo lên xe đợi sẵn và đưa bèo đi. Hết điểm này, sẽ bố trí điểm khác tương tự, như vậy bèo cũng sẽ vơi đi rất nhiều.

Trung Nghĩa

Từ khoá: hiệu quả triển khai công ty công nghệ người dân gia

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...