máy tính xách tay facebook bão gia mạng xã hội điện thoại công nghệ thông tin hiệu quả quy định
QĐND -A lô! Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân phải không ạ. Tôi là Bình, hiện đang công tác tại một trường Đại học ở TP Hồ Chí Minh. Tôi vừa xem trên facebook, thấy bức ảnh của một quân nhân rất phản cảm. Kính nhờ quý báo tìm hiểu, lên tiếng để góp phần ngăn chặn những hiện tượng tương tự. Một bạn đọc gọi điện đến đường dây nóng Báo Quân đội nhân dân phản ánh với giọng khá bức xúc. Theo địa chỉ bạn đọc cung cấp, chúng tôi truy cập vào facebook thì thấy, đó là bức ảnh một quân nhân mặc quân phục xộc xệch, ngực áo phanh ra, đang uốn éo người để "làm dáng". Đáng trách hơn là ở dưới đất, quân nhân này để một chiếc mũ kê-pi lật ngược trông rất phản cảm... Nhìn bức ảnh, chúng tôi thực sự rất buồn vì sự thiếu ý thức của chiến sĩ này.
Chiến sĩ Trung đoàn 82 (Quân khu 2) giải trí trong ngày nghỉ. (ảnh có tính minh họa) |
Điều đáng nói là thời gian qua, hiện tượng quân nhân "tung" lên mạng những bức ảnh phản cảm, làm xấu đi hình ảnh, bản chất, truyền thống tốt đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ, thậm chí đưa những thông tin, hình ảnh liên quan đến hoạt động quân sự của đơn vị, vô tình làm lộ lọt bí mật không phải là cá biệt. Chắc hẳn nhiều người còn nhớ, cách đây không lâu, vụ một số quân nhân đưa những tấm ảnh chụp cảnh "tra tấn" hai cá thể Voọc quý hiếm lên mạng đã làm xôn xao dư luận. Mới đây, trên facebook cũng xuất hiện một bức ảnh, trong đó một chiến sĩ trẻ mặc quân phục, do thiếu ý thức đã dùng chân đạp vào ảnh một vị chính khách treo bên cạnh... Các cơ quan chức năng đã nhanh chóng xác minh, tìm ra "tác giả" những bức ảnh trên và xử lý kỷ luật thích đáng, kịp thời. Đây thực sự là những bài học đắt giá cho mỗi quân nhân khi sử dụng mạng xã hội.
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển nhanh như hiện nay, việc quân nhân sắm cho mình một chiếc điện thoại di động hoặc các loại máy móc hiện đại hơn như máy tính xách tay, ipad... là điều không quá khó khăn. Và chỉ cần một chiếc điện thoại di động, mỗi quân nhân đã có thể dễ dàng truy cập internet, tham gia các trang mạng xã hội... Nói điều này để thấy sự khó khăn, phức tạp trong quản lý quân nhân sử dụng internet nói chung, mạng xã hội nói riêng ở các đơn vị trong điều kiện hiện nay. Ở nhiều đơn vị đã có quy định cấm chiến sĩ dùng điện thoại di động; ban hành quy định sử dụng mạng internet chặt chẽ... Đây là việc làm cần thiết nhằm mục đích quản lý việc sử dụng internet và mạng xã hội ở đơn vị. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các quy định cấm này vẫn chưa đủ và chỉ giải quyết được phần ngọn, bởi như đã nói, với các loại máy móc, thiết bị điện tử hiện đại, tinh vi đang rất phổ biến hiện nay, những quân nhân thiếu ý thức có thể dễ dàng "qua mặt" sự quản lý của cán bộ để "online", tham gia các trang mạng xã hội, đặc biệt là vào những giờ nghỉ, ngày nghỉ, hoặc ở bên ngoài doanh trại, trong thời gian nghỉ phép...
Để quản lý có hiệu quả việc quân nhân sử dụng các trang mạng xã hội, việc đầu tiên là lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho quân nhân nhận thấy "mặt trái" của internet cũng như những hậu quả có thể xảy ra từ việc tham gia các trang mạng xã hội. Internet nói chung, các trang mạng xã hội nói riêng là "kho tàng" tri thức phong phú, là phương tiện để giải trí, để kết nối, giao lưu bạn bè... nhưng nó chỉ thực sự đem lại hiệu quả tích cực khi mỗi quân nhân biết sử dụng đúng cách. Ngược lại, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, danh dự, thậm chí đến cả sinh mạng chính trị của bản thân người sử dụng. Ở mức độ cao hơn, sử dụng các trang mạng xã hội không đúng còn ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh người quân nhân cách mạng, hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ... Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc tạo ra những "sân chơi" bổ ích, lành mạnh ngay trong doanh trại để cán bộ, chiến sĩ tham gia. Các sân chơi lành mạnh này sẽ tạo ra "lực hút" để kéo quân nhân ra khỏi ảnh hưởng từ những trang mạng có nội dung xấu... Xét cho đến cùng thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi quân nhân. Không có biện pháp quản lý nào thực sự mang lại hiệu quả nếu mỗi quân nhân không tự ý thức và làm chủ được mình khi tham gia các trang mạng xã hội. Để góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người quân nhân cách mạng, mỗi quân nhân hãy tự "miễn dịch" với những trang mạng có nội dung xấu, không đưa những hình ảnh, lời bình... có nội dung không tốt lên mạng...
Bài và ảnh: PHƯƠNG HIỀN
công nghệ thông tin gia hiệu quả máy tính xách tay điện thoại mạng xã hội facebook bão quy định
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.