Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

Du lịch thân thiện với môi trường

khách du lịch du lịch môi trường quốc tế chất lượng sản phẩm việt nam hình thức chiến lược phát triển môi trường sinh thái sản phẩm du khách phát triển gia dịch vụ

Hình thức du lịch xanh, du lịch trải nghiệm đang trở thành hình thức du lịch được nhiều người ưa chuộng tại Việt Nam. Giờ đây, khái niệm đi du lịch không chỉ đơn thuần là khám phá vẻ đẹp của điểm đến, nghỉ trong khách sạn, ăn những món đắt tiền mà là có thể hòa mình vào thiên nhiên...

Bỏ tiền để được đi nhặt rác tưởng chừng là việc làm nghe thật lạ lùng nhưng đó lại là một tour du lịch có thật được thực hiện tại Bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình và đang hấp dẫn rất nhiều du khách quốc tế.

Bỏ tiền để đi... nhặt rác

Mỗi tuần một lần vào sáng thứ 7, du khách sẽ dành ra từ 40-45 phút để dọn vệ sinh và làm sạch môi trường tại xung quanh khu vực đốt lửa trại mà những người khách để lại đêm qua trước khi tham quan các địa điểm khác trong cuộc hành trình. Điều đặc biệt là các du khách đều rất vui vẻ và sẵn sàng trả tiền để tham gia chuyến du lịch nhặt rác này. Điều mà khiến không ít người dân Việt Nam cảm thấy kỳ lạ.

"Tôi cho rằng đây là một tour du lịch rất thú vị. Thông qua việc tham gia nhặt rác, chúng tôi cảm thấy rất vui khi được đóng góp một phần nhỏ bé giúp cho môi trường và cảnh quan nơi mình đến tham quan được sạch sẽ và lành mạnh hơn", ông Thomas, một du khách tham gia tour du lịch chia sẻ.

Thực tế, những tour du lịch như vậy không còn hiếm gặp. Nhu cầu về du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm đang chứng tỏ sức hấp dẫn và tiềm năng to lớn khi thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Nắm bắt được xu thế đó, thời gian gần đây, nhiều công ty du lịch cũng liên tục đưa ra thị trường nhiều các sản phẩm tour trải nghiệm cuộc sống: câu mực đêm ở biển, be mương tát cá ở các miền đồng quê, đi bộ xuyên rừng...

Theo nhiều chuyên gia du lịch, hình thức du lịch xanh, du lịch trải nghiệm đang trở thành hình thức du lịch được nhiều người ưa chuộng tại Việt Nam. Giờ đây, khái niệm đi du lịch không chỉ đơn thuần là khám phá vẻ đẹp của điểm đến, nghỉ trong một khách sạn sang trọng, ăn những món đắt tiền mà là có thể hòa mình vào thiên nhiên, được trải nghiệm cuộc sống...

Áp Nhãn Du lịch xanh

Nhận thức rõ vai trò của du lịch xanh đối với sự phát triển của ngành du lịch Tổng cục Du lịch Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức nhiều hội nghị quốc tế về xây dựng khung chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cũng như đẩy mạnh hợp tác phát triển hoạt động du lịch xanh, du lịch sinh thái thân thiện với môi trường.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 hướng tới tập trung đầu tư phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch có thể là thế mạnh về tài nguyên du lịch của đất nước và của từng địa phương. Ưu tiên phát triển loại hình du lịch gắn với biển, hải đảo; nhấn mạnh yếu tố văn hóa và sinh thái đặc sắc trong sản phẩm du lịch,...

Mới đây, Tổng cục Du lịch đã chính thức công bố Bộ tiêu chí Nhãn Du lịch xanh áp cho 4 loại hình cơ sở dịch vụ du lịch: nhà hàng phục vụ khách du lịch; cửa hàng mua sắm phục vụ khách du lịch; điểm dừng chân phục vụ khách du lịch; điểm tham quan du lịch. Việc làm này được các chuyên gia du lịch nhận định, không chỉ tác động tích cực tới những người kinh doanh và hoạt động trong lĩnh vực du lịch mà còn tạo thói quen văn minh cho du khách khi đi du lịch, hạn chế việc xả rác, nước thải bừa bãi hay có các hành vi gây ô nhiễm môi trường du lịch.

Bà Lê Mai Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch) cho biết sự phát triển mạnh mẽ của các cơ sở cư trú du lịch trong những năm gần đây gây không ít tác động tiêu cực đến môi trường do các cơ sở lưu trú du lịch sử dụng nhiều tài nguyên đất, năng lượng, nước, vật tư hàng hóa; đồng thời tạo ra nhiều chất thải làm ô nhiễm môi trường sinh thái, từ đó ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm du lịch và sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam. Việc áp dụng nhãn xanh cho các cơ sở lưu trú, sản phẩm và dịch vụ du lịch sẽ làm giảm đáng kể những tác hại của du lịch tới môi trường và tài nguyên; làm giảm chi phí nguyên vật liệu sử dụng trong các khách sạn; tạo ra sự gắn kết giữa cơ sở dịch vụ với cộng đồng xung quanh.

Hiện đã có 30 cơ sở làm đơn xin được áp Nhãn này và đã có 21 cơ sở lưu trú được cấp chứng nhận. Bộ tiêu chí Nhãn Du lịch xanh áp cho các cơ sở lưu trú du lịch đã được xuất bản và đây sẽ là hướng dẫn căn bản để các nhà đầu tư, các nhà quản lý và nhân viên các cơ sở dịch vụ du lịch áp dụng nhằm đưa cơ sở trở thành một điểm du lịch xanh, góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội.

Thanh Tâm

phát triển du khách môi trường sản phẩm hình thức chiến lược phát triển du lịch chất lượng sản phẩm quốc tế môi trường sinh thái gia việt nam dịch vụ khách du lịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...