Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

"Ván bài" không hồi kết

nhà nước xuất khẩu dầu bão chiến lược lợi ích hạt nhân gia

QĐND - Ngày 26-2, I-ran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực HĐBA và Đức) sẽ nối lại đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tê-hê-ran. Cuộc đàm phán nhằm hóa giải những nghi kỵ xung quanh chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran - vốn là nguyên nhân chính gây căng thẳng kéo dài giữa I-ran với phương Tây. Nhưng đến nay, sau 10 năm với rất nhiều cuộc đàm phán được tổ chức, giữa I-ran và phương Tây vẫn còn nguyên mối bất hòa, thậm chí mâu thuẫn trở nên trầm trọng hơn.

Bên trong nhà máy điện hạt nhân Bushehr. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Liệu cuộc đàm phán tiếp theo này có tạo ra được phép màu nào giúp xoay chuyển cục diện bế tắc ấy?

Triển vọng của vòng đàm phán lần này được cho là phụ thuộc nhiều hơn vào Oa-sinh-tơn. Trong khi I-ran bày tỏ những động thái sẵn sàng cho đàm phán thì Mỹ dường như chưa làm gì để chứng tỏ cho thấy sẽ mềm mỏng hơn so với những vòng đàm phán trước.

Thậm chí, ngay cả khi I-ran tuyên bố sẽ làm giảm mối quan ngại về chương trình hạt nhân của họ bằng việc sẵn sàng đáp lại các đề xuất của phương Tây, thì vẫn không hề có động thái nào cho thấy Mỹ và phương Tây sẽ nhượng bộ. Trong một số lần trước, nhằm mở đường cho đàm phán, Mỹ và các nước phương Tây đã nới lỏng một số lệnh cấm vận với I-ran. Còn lần này, các lệnh cấm vận hà khắc mà Mỹ và các nước Liên minh châu Âu (EU) áp đặt chống I-ran vẫn được giữ nguyên.

Những diễn biến gần đây cho thấy, dường như Oa-sinh-tơn và đồng minh không còn áp dụng chính sách "cây gậy và củ cà rốt" với I-ran. Chính sách này đã không giúp Oa-sinh-tơn đạt được mục đích cuối cùng là buộc I-ran từ bỏ chương trình hạt nhân. Càng cấm vận, I-ran càng kiên trì theo đuổi chương trình hạt nhân của mình. I-ran đã chứng tỏ không phải là một quốc gia dễ bắt nạt và dễ bị khuất phục trước lối ngoại giao cường quyền.

Gần đây, người ta không thấy Mỹ hay phương Tây đề xuất được thêm sáng kiến nào nhằm giúp cho đàm phán hạt nhân với I-ran đạt tiến triển. Trong khi đó, "cây gậy" cấm vận vẫn được giương cao và khả năng triển khai các hành động quân sự chống lại Nhà nước Hồi giáo thì vẫn bỏ ngỏ. Thay đổi này dường như cũng mang lại chút kết quả như họ mong muốn, đó là buộc Tê-hê-ran phải ngồi vào bàn đàm phán. Các phân tích gần đây cho thấy, I-ran đang dần ngấm đòn cấm vận khi kinh tế sa sút do nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng cùng những tác động tiêu cực khác tới đời sống kinh tế-xã hội. Điều này phần nào lý giải tại sao Nhà nước Hồi giáo lại tỏ ra sốt sắng hơn ở vòng đàm phán lần này.

Nhưng như vậy không có nghĩa là I-ran sẽ sẵn sàng lùi bước. Trước đây, Tê-hê-ran không tin "củ cà rốt" của phương Tây và không hề coi đó là thiện chí thực sự. Bởi, trước sau phương Tây chỉ muốn I-ran phải từ bỏ chương trình hạt nhân mà I-ran coi là niềm tự hào dân tộc, là quyền chính đáng được nêu trong Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (NPT) mà I-ran tham gia.

Ngược lại, Mỹ và phương Tây cũng không tin I-ran chỉ theo đuổi chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình mà chỉ coi đó là chiếc "vỏ bọc" che đậy chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân. Các tin tức tình báo của Mỹ đã khẳng định với tiềm lực hạt nhân của I-ran hiện nay thì còn xa nước này mới chế tạo được bom nguyên tử. Nhưng các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, vẫn cáo buộc tham vọng hạt nhân của I-ran và coi đây là cái cớ để gây áp lực lên Tê-hê-ran nhằm phục vụ cho các mục tiêu cũng như lợi ích chiến lược của mình. Mục tiêu tối thượng là lật đổ một chế độ vốn không hợp "khẩu vị" với họ ở Tê-hê-ran.

Rõ ràng, "xây dựng lòng tin" đã trở thành thuật ngữ xa xỉ bởi các bên đã quá "hiểu nhau" sau nhiều lần đối thoại đổ vỡ.

Các lãnh đạo I-ran không nhìn thấy nhiều lợi ích quốc gia khi nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ và các nước liên quan tới chương trình hạt nhân. Bởi trong bối cảnh rối ren và đầy biến động hiện hay ở Trung Đông thời hậu "Mùa xuân A-rập", khi cánh tay của phương Tây đang ngày càng "thọc" sâu vào khu vực, việc nhượng bộ sẽ không phải "nước cờ" khôn ngoan của Tê-hê-ran vào lúc này.

I-ran cần nắm chắc trong tay các loại vũ khí đặc biệt nhằm bảo toàn đất nước trước các âm mưu can thiệp từ bên ngoài và chương trình hạt nhân là một trong số đó. Nhất là sau vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên mới đây, không loại trừ khả năng Nhà nước Hồi giáo sẽ được tiếp thêm "nhiệt" để bảo vệ thứ vũ khí đặc biệt của mình.

I-ran chắc chắn sẽ tìm cách trì hoãn đưa ra bất kỳ một quyết định chiến lược nào liên quan tới chương trình hạt nhân tới khi một tổng thống mới được bầu ra trong cuộc bầu cử vào tháng 6 tới thay thế cho đương kim Tổng thống A-ma-đi-nê-giát.

Còn với Mỹ, nước có tiếng nói quyết định chủ yếu trong nhóm P5+1 cũng không dễ gì có các bước nhún nhường. Một trong những áp lực không nhỏ đó là "nhân tố I-xra-en". Để giải quyết vấn đề hạt nhân I-ran, chính quyền Oa-sinh-tơn sẽ phải đương đầu với các lực lượng thân I-xra-en, bao gồm các nghị sĩ ở cả hai viện Quốc hội cũng như các tổ chức vận động hành lang của Do thái... I-xra-en coi Nhà nước Hồi giáo cùng với tham vọng hạt nhân là mối đe dọa tới sự tồn vong của Nhà nước Do thái. Vì vậy, buộc I-ran từ bỏ chương trình hạt nhân, thậm chí lật đổ chế độ ở I-ran luôn là tham vọng lớn của Nhà nước Do thái. Bênh vực và bảo vệ I-xra-en cũng nằm trong lợi ích chiến lược của Mỹ ở Trung Đông-khu vực Mỹ nuôi tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng.

Bởi vậy, khó có thể đặt nhiều hy vọng có bước đột phá ở vòng đàm phán hạt nhân lần này. Có chăng sẽ chỉ là những giải pháp "câu giờ" quen thuộc của I-ran với câu nói muôn thuở "hy vọng các vòng đàm phán sẽ tiếp tục diễn ra". Và vì thế, đàm phán hạt nhân I-ran với nhóm P5+1 sẽ còn tiếp tục là cuộc đấu trí và thi gan lâu dài giữa các đối thủ cứng đầu.

Trước triển vọng mờ mịt của vòng đàm phán, dư luận đặt câu hỏi liệu điều gì sẽ xảy ra nếu đàm phán mãi cũng không thể giải quyết được vấn đề?

"Cây gậy" của Mỹ và phương Tây được dự đoán cũng sẽ chỉ hạn chế bớt tốc độ phát triển chương trình hạt nhân của I-ran với các lệnh cấm vận. Nhưng khả năng họ sử dụng vũ lực vào thời điểm này khó có thể xảy ra. Oa-sinh-tơn cùng các đồng minh đã có được những bài học đắt giá ở I-rắc, Áp-ga-ni-xtan và gần đây là một số nước Bắc Phi và Trung Đông khi sử dụng vũ lực can thiệp vào nước khác.

Các bên đã hiểu được rằng, đàm phán ngoại giao mới là con đường hợp lý nhất để xử lý vấn đề. Nhưng họ cũng cần phải hiểu thêm rằng, trong cuộc chơi này, "cho và nhận" luôn là "cặp đôi" song hành không thể thiếu.

MỸ HẠNH

gia xuất khẩu dầu hạt nhân nhà nước bão chiến lược lợi ích

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...