Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Tổ quốc và nhân dân phải được đặt lên hàng đầu

trách nhiệm xây dựng an toàn bão gia nhà nước quy định vai trò minh bạch dự thảo chính trị công dân pháp luật

Tại Hội nghị góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, do Ủy ban T.Ư MTTQ VN tổ chức hôm qua, nhiều ý kiến tập trung thảo luận xoay quanh quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng với tư cách là đảng cầm quyền, vấn đề sở hữu đất đai cũng như các quyền cơ bản của công dân.

Đảng viên, các cấp ủy đảng phảiQuyền dân chủ trực tiếp phải được mở rộng, nhất định nhân dân sẽ lựa chọn được những người có đức, có tài để xây dựng đất nước chứ không thông qua cơ quan đại diện trong việc bầu chính quyền nhà nước 4 cấp nữa

Ông Hoàng Thái, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ VN

Đảng viên, các cấp ủy đảng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành động của mình chứ không chỉ chịu trách nhiệm về mặt hành chính. Điều đó đảm bảo sự minh bạch về chính trị trong vai trò lãnh đạo của Đảng

Ông Phạm Xuân Hằng,nguyên Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN

Là người đầu tiên đề cập đến điều 4 của Hiến pháp sửa đổi 1992, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Phạm Xuân Hằng tán thành với quy định tại điều 4 của Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Song theo ông Hằng, khoản 3 của dự thảo sửa đổi quy định "Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" là chưa thể hiện được bổn phận của đảng cầm quyền, vì đảng ta lãnh đạo tuyệt đối nhà nước và xã hội.

Theo ông Hằng, để tiếp nối quy định tại khoản 2 về việc "Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình", cần quy định lại khoản 3 của điều 4: Vai trò lãnh đạo của Đảng được bảo đảm bằng pháp luật và do luật định. Ông Hằng lý giải quy định này có giá trị bảo đảm về mặt pháp lý cho vị thế lãnh đạo của Đảng và nhất là thực hiện theo quy định tại khoản 2 về việc Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình; đồng thời, cũng để các đảng viên, các cấp ủy đảng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành động của mình chứ không chỉ chịu trách nhiệm về mặt hành chính. Điều đó đảm bảo sự minh bạch về chính trị trong vai trò lãnh đạo của Đảng.

Nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ VN Hoàng Thái đề nghị khoản 2, điều 4 cần phải sửa đổi theo hướng mạnh mẽ hơn: "Đảng đứng trong nhân dân, là đầy tớ của nhân dân; tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân; chịu sự giám sát của nhân dân". Ngoài ra, theo ông Thái, khoản 3 của điều này cũng nên sửa lại theo hướng vai trò lãnh đạo của Đảng được thể chế hóa bằng luật. "Tất cả các tổ chức chính trị - xã hội đều hoạt động theo luật, từ QH, Chính phủ... đến các cơ quan nhà nước, riêng Đảng chưa có luật nên phải quy định rõ trong Hiến pháp như vậy để công khai, minh bạch vai trò lãnh đạo của Đảng, tránh sự tùy tiện", ông Thái đề nghị.

Bàn thêm về điều 70 của dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định "Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVT) phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế", ông Hoàng Thái băn khoăn: qua gần 70 năm, 4 bản hiến pháp từ 1946 đến nay đều chỉ ghi LLVT trung thành tuyệt đối với Tổ quốc và nhân dân và thực tế cho thấy không xảy ra vấn đề gì, bây giờ vì sao lại bổ sung thêm vế "tuyệt đối trung thành với Đảng", hơn nữa lại đặt Đảng trước Tổ quốc và nhân dân? Khẳng định "Dứt khoát không thể quy định như vậy", ông Thái đề nghị dự thảo Hiến pháp sửa lại nội dung này theo hướng LLVT trước hết phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân.

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm phát biểu sau đó cũng đề nghị nên quy định trong dự thảo Hiến pháp LLVT trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, nhân dân, với Đảng vì theo ông Cầm, "quy định như vậy sẽ giữ được toàn ý mà hợp lý hơn".

Hiến định quyền biểu quyết, biểu tình... của công dân

Liên quan đến quyền công dân được quy định trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi, nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Khánh đề nghị sửa đổi nội dung của khoản 2 điều 15 "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng" theo hướng "quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội".

Ngoài ra, theo ông Khánh, Hiến pháp nên quy định theo hướng mặc định "công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình", không nên thêm vế "theo quy định của pháp luật" như dự thảo Hiến pháp, thay vào đó, bổ sung thêm vế: Luật quy định cụ thể cách thức thực hiện các quyền này của công dân.

Cũng liên quan đến quyền công dân, ông Nguyễn Khánh đề nghị sửa đổi điều 30 về "Công dân có quyền biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân" theo hướng: Nhân dân có quyền biểu quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia. Tương ứng với quy định này, ông Khánh đề nghị sửa lại điều 126 theo hướng: Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân để nhân dân biểu quyết về Hiến pháp, sau khi dự thảo Hiến pháp được QH thông qua với ít nhất 2/3 tổng số đại biểu tán thành.

Góp ý thêm quyền dân chủ trực tiếp của người dân, ông Hoàng Thái kiến nghị Hiến pháp sửa đổi lần này nên quy định chính quyền 4 cấp đều do người dân trực tiếp bầu ra những người xứng đáng. "Quyền dân chủ trực tiếp phải được mở rộng, nhất định nhân dân sẽ lựa chọn được những người có đức, có tài để xây dựng đất nước chứ không thông qua cơ quan đại diện trong việc bầu chính quyền nhà nước 4 cấp nữa", ông Thái đề nghị.

Ngoài các ý kiến trên, các thành viên trong Đoàn Chủ tịch Mặt trận các thời kỳ, Ban Chủ nhiệm các Hội đồng tư vấn của Mặt trận cũng đề nghị Hiến pháp lần này quy định rõ Nhà nước bảo đảm các điều kiện cần thiết (thay vì tạo điều kiện như dự thảo quy định) để Mặt trận và các thành viên, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện vai trò giám sát và phản biện.

Nên quy định cả sở hữu đất đai tư nhân

Tại hội nghị, GS-TS Phan Hữu Dật, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân tộc, nhìn nhận: hiện nay nước ta có một số nơi nông dân khiếu kiện về đất đai do liên quan trực tiếp đến quyền sở hữu về đất đai, rộng hơn là quyền sở hữu tài sản. Việc quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý cũng là lý do chính quyền một số cấp, kể cả cấp xã đã nhân danh nhà nước để vi phạm trong lĩnh vực này, gây bức xúc trong dân. Vì vậy, GS Dật đề nghị: "Cần quy định đất đai thuộc sở hữu không chỉ nhà nước, công cộng mà còn cả sở hữu cá nhân. Cố nhiên quyền này không phải vô hạn độ mà có giới hạn nhất định".

Từ thực tiễn của Nông trường Sông Hậu, bà Trần Ngọc Sương, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN ủng hộ mạnh mẽ quan điểm này và đề nghị điều 57 của Hiến pháp 1992 sửa đổi "cần làm rõ quyền sở hữu đất đai của các thành phần kinh tế tư nhân". Vì theo bà Sương, chính vì chưa thể hiện đầy đủ, rõ ràng vấn đề sở hữu đất đai là nguyên nhân xảy ra bất cập triền miên, đến nay chưa giải quyết được.

Bảo Cầm

vai trò xây dựng quy định trách nhiệm nhà nước pháp luật dự thảo gia công dân chính trị bão minh bạch an toàn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...