Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Rực sáng ngọn lửa Vạn An

hội thảo nghệ an vương đình huệ khoa học

QĐND -Tối 23-2, tại Đền thờ vua Mai Hắc Đế, huyện Nam Đàn, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ kỷ niệm 1.300 năm Khởi nghĩa Hoan Châu và Lễ hội vua Mai năm 2013. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch Quốc hội; Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đại biểu các bộ, ngành Trung ương; các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi và đông đảo nhân dân về dự lễ.

Khảo cứu lịch sử

Để chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1.300 năm Khởi nghĩa Hoan Châu, trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, UBND tỉnh Nghệ An, Trường Đại học Vinh đã tổ chức một số cuộc hội thảo khoa học lịch sử, đưa ra một số kết quả nghiên cứu mới về thân thế, sự nghiệp của Mai Thúc Loan; về thời điểm, nguyên nhân nổ ra cuộc khởi nghĩa. Cuộc Hội thảo khoa học "Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu" do Viện sử học Việt Nam và Trường Đại học Vinh tổ chức vào tháng 11-2008 tại thành phố Vinh, đã đi đến kết luận xác định khởi nghĩa Mai Thúc Loan không phải chỉ bùng nổ và thất bại trong năm 722 như ghi chép của chính sử và các công trình nghiên cứu trước đây. Bằng sự phân tích nhiều cứ liệu mới phát hiện, hội thảo cho rằng cuộc khởi nghĩa Hoan Châu thất bại vào cuối năm 722 nhưng khởi đầu từ năm 713.

Trước đó gần 10 năm, Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cũng có quan điểm như trên và cho rằng "các tư liệu, phần lớn là truyền thuyết, thần phả, chưa hội đủ thông tin khoa học để làm sáng tỏ một số vấn đề như công việc chuẩn bị khởi nghĩa của Mai Thúc Loan, diễn biến của cuộc khởi nghĩa thắng lợi cũng như cuộc kháng chiến thất bại cùng hoạt động của chính quyền họ Mai. Đó là hạn chế về mặt tư liệu cần tiếp tục sưu tầm và làm sáng tỏ".

Đại cảnh tái hiện Lễ rước vua Mai Hắc Đế.

Hầu hết các tư liệu lịch sử đều cho rằng, năm Mai Thúc Loan 10 tuổi, mẹ đi hái củi bị hổ giết hại, chẳng bao lâu cha mất; một người bạn của cha Mai Thúc Loan là Đinh Thế đã đem Mai Thúc Loan về nuôi, coi ông như con đẻ và sau đó gả con gái Ngọc Tô cho ông. Mai Thúc Loan đã dấy binh khởi nghĩa ở Hoan Châu rồi nhanh chóng lan ra các châu huyện, tấn công chiếm được phủ thành Tống Bình (Hà Nội). Sử Trung Quốc ghi nhận: Mai Thúc Loan "vây đánh châu huyện", "dấy quân 32 châu", "bên ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân, chiếm giữ vùng biển Nam, quân chúng đến 40 vạn", "mưu hãm An Nam phủ", "tự xưng Hắc Đế"...

Cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi, vây hãm và chiếm được phủ thành Tống Bình, giải phóng cả nước, xây dựng và bảo vệ được chính quyền độc lập. Đặc biệt Mai Thúc Loan đã xưng đế, tức Vua Mai Hắc Đế, biểu thị tinh thần độc lập, ý thức chủ quyền quốc gia sánh ngang với hoàng đế phương Bắc. Thành Vạn An (Nam Đàn, Nghệ An) là căn cứ khởi nghĩa đã được xây dựng thành Quốc đô.

Cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan với quá trình chuẩn bị, công việc vận động nhân dân và thủ lĩnh các vùng, việc liên kết với Chiêm Thành, Chân Lạp, Kim Lân thực hiện thế nào và bằng phương thức gì... còn phải tiếp tục thu thập thêm tư liệu, nhất là công việc điều tra, khảo sát trên những địa bàn liên quan. Đặc biệt, về nguyên nhân cuộc khởi nghĩa (theo truyền thuyết Mai Thúc Loan đi phu cống vải) cũng cần phải được xem xét lại và nghiên cứu kỹ. Các nhà sử học cho rằng, chế độ cống vải thời Bắc thuộc cần được nghiên cứu và xác minh từ các cứ liệu lịch sử, trước hết là sử liệu được tìm tòi và giám định trong các nguồn thư tịch cổ. Thời nhà Đường, theo các sách Tân Đường thư, Tư trị thông giám, Thông giám tổng loại thì vải cống lấy từ Lĩnh Nam, chủ yếu từ Nam Hải và vận chuyển khẩn cấp bằng ngựa trạm. Đến đời Vua Đường Ý Tông (860-874) thì có lệnh đình chỉ chế độ tiến vải. Như vậy vào thời nhà Đường, chế độ cống vải không còn thi hành ở nước ta nữa và dĩ nhiên, không thể dựa vào truyền thuyết để cho rằng Mai Thúc Loan đã từng đi phu cống vải và cũng không thể coi chế độ lao dịch cống vải là nguyên nhân, dù là nguyên nhân trực tiếp của cuộc khởi nghĩa. Xét về nguyên nhân của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, cần nhấn mạnh cội nguồn sâu xa trong chế độ bóc lột, áp bức của nhà Đường, trong tình hình kinh tế, xã hội và những mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân ta với chính quyền đô hộ. Như vậy, cuộc khởi nghĩa Hoan Châu nổ ra đã phản ánh ý chí độc lập, tự cường của cộng đồng dân tộc Việt chống lại ách đô hộ của chính quyền nhà Đường và là một sự tiếp nối và phát triển của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta thời Bắc thuộc.

Đại lễ của nhân dân

Người dân Nam Đàn từ nhiều tháng nay mong chờ Đại lễ kỷ niệm 1.300 năm Khởi nghĩa Hoan Châu. Chính quyền và nhân dân địa phương đã hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo khu lăng mộ Vua Mai. Chiều 23-2, lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Vua Mai tại Khu lăng mộ Vua Mai ở xã Vân Diên diễn ra trang nghiêm, thành kính. Cụ Hồ Văn Ất, gần 80 tuổi quê gốc huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, hiện sống tại TP Hồ Chí Minh về dự lễ, thắp nén hương tưởng vọng anh linh vua Mai Hắc Đế, nói: "Ngày xưa khi còn bé tôi đã được một lần đi lễ hội đền Vua Mai, đến bây giờ mới có dịp trở lại. Cảnh vật thôn quê thay đổi tiến bộ nhiều quá...".

Chương trình nghệ thuật "Ngọn lửa Vạn An" đã tái hiện vua Mai Hắc Đế không chỉ là một vị vua tài trí, dũng cảm, yêu nước mà còn là một nhà ngoại giao uyên thâm, một Mai Thúc Loan giữa đời thường, một người cha, người chồng tận tụy, chu đáo, giàu lòng thương người...

Ngọn lửa Vạn An chính là ngọn lửa của lòng yêu nước, của tinh thần xả thân bảo vệ Tổ quốc trước thế lực xâm lăng mà các thế hệ con, cháu luôn chăm chút nuôi dưỡng để mãi rực sáng.

Bài, ảnh: TRẦN HOÀI

vương đình huệ hội thảo nghệ an khoa học

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...