Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Phong phú các hoạt động văn hóa đầu xuân

ngư dân gia văn học văn hoá du lịch

Đầu xuân năm mới, mọi địa phương trong cả nước đều rộn ràng các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào xuân; tạo một không khí vui tươi, phấn khởi nhân dịp năm Quý Tỵ 2013 này...

Lễ hội năm Văn hóa - Du lịch và kỷ niệm 277 năm Tao đàn Chiêu Anh Các

Đoàn tàu ra khơi trong lễ hội Nghinh Ông diễn ra tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Phan Thanh Cường - TTXVN

Mừng Đảng, mừng Xuân Quý Tỵ 2013, đồng thời nằm trong các hoạt động của năm Văn hóa - Du lịch 2013, trong 6 ngày (từ 19- 24/2, tức ngày 10 - 15 tháng Giêng Âm lịch), tại thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, diễn ra Lễ hội năm Văn hóa - Du lịch và kỷ niệm 277 năm Tao đàn Chiêu Anh Các (1736 - 2013).

Lễ hội gồm nhiều nội dung phong phú như: Đi bộ diễu hành hưởng ứng "Vì một thành phố du lịch xanh - sạch - đẹp" và gây "Quỹ khuyến học thị xã Hà Tiên", hội thi, triển lãm "Hoa đăng", thi đấu cờ tướng, hội chợ và hội thi ẩm thực Hà Tiên, giao lưu đờn ca tài tử, trò chơi dân gian. Ngoài ra là triển lãm ảnh "Nét đẹp du lịch Hà Tiên - Xuân 2013", hội thi, triển lãm thư pháp, diễu hành xe đạp hoa, thả hoa đăng trên đầm Đông Hồ, thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản đầm Đông Hồ, dâng hương Đền thờ họ Mạc và lễ tế trời đất trên đỉnh núi Bình San...

Tao đàn Chiêu Anh Các do Mạc Thiên Tích, Tổng binh trấn Hà Tiên, thành lập năm 1736, đã khai mở nền thơ ca của Hà Tiên, là điểm son trong kho tàng văn học Việt Nam. Hồn thơ văn Chiêu Anh Các một thời lừng danh, khắc họa những cảnh sắc Hà Tiên, đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều thế hệ tao nhân, mặc khách trong gần 3 thế kỷ qua.

Theo BTC, lễ hội năm Văn hóa - Du lịch và kỷ niệm 277 năm ngày Tao đàn Chiêu Anh Các nhằm tôn vinh, trân trọng những thành quả lao động sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật của các bậc tiền nhân. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào của cán bộ, nhân dân địa phương về một sự kiện văn học trọng đại đã diễn ra trên quê hương Hà Tiên từ những buổi đầu cha ông đi mở đất để trân trọng giữ gìn và phát huy. Đồng thời, hoạt động này cũng góp phần tăng cường, quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương, thu hút du khách và các nhà đầu tư đến tham quan tìm hiểu Hà Tiên, góp phần xây dựng Hà Tiên trở thành "Thành phố Văn hóa Du lịch" trong tương lai. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động lễ hội, sẽ giáo dục cán bộ và nhân dân kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, tiếp tục tuyên truyền vận động các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về xây dựng môi trường văn hóa, phục vụ thiết thực cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang nói chung và thị xã Hà Tiên nói riêng.

Triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh "Chào xuân Quý Tỵ 2013"

Triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh "Chào xuân Quý Tỵ 2013" đã chính thức khai mạc tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội) ngày 19/2. Triển lãm do Công đoàn Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức thường niên từ năm 2010, để chào đón xuân mới.

Triển lãm năm nay trưng bày 64 tác phẩm; trong đó có 22 tác phẩm mỹ thuật, 42 tác phẩm nhiếp ảnh của 18 tác giả đang là cán bộ công tác tại Cục. Các tác giả dù đang là cán bộ quản lý, thời gian sáng tác eo hẹp song vẫn luôn hòa mình vào đời sống sáng tạo nghệ thuật để hiểu hơn những vấn đề của nghề nghiệp đặt ra.

Tham gia triển lãm lần này, ngoài những tác giả đã có thâm niên sáng tác trong giới mỹ thuật như họa sỹ Vi Kiến Thành, Đoàn Thị Thu Hương, Nguyễn Cao Tuấn, Nguyễn Trần Quyết... còn có sự tham gia của đông đảo các họa sỹ trẻ đầy nhiệt huyết. Đặc biệt, ở mảng nhiếp ảnh năm nay có sự "lấn sân" của nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường và nhiều họa sỹ khác...

Đông đảo ngư dân dự lễ Nghinh Ông Duyên Hải:

Từ ngày 18-20/2, tại Lăng Ông Duyên Hải (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) diễn ra lễ hội Nghinh Ông lần thứ II - năm 2013, thu hút hàng chục ngàn lượt ngư dân từ khắp nơi về dự lễ.

Đây là lễ hội văn hóa tâm linh của các ngư dân ở những nơi có lăng thờ cúng cá Ông. Họ xem cá Ông là ân nhân của mình, là đấng thiêng liêng che chở giúp họ trong những ngày đi biển. Cũng chính vì vậy, ngay từ ngày đầu tiên khai hội, lễ hội Nghinh Ông Duyên Hải đã thu hút khá đông người dân từ khắp nơi đổ về dự lễ. Phần lớn trong số khách đến dự lễ là những người sinh sống bằng nghề khai thác biển.

Nghi lễ chính thức là tổ chức lễ rước vong linh cá Ông từ biển vào lăng để cầu quốc thái dân an, người đi biển có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Lễ hội còn tổ chức các hoạt động ca múa nhạc, sân khấu cải lương, cùng các trò chơi dân gian, làm phong phú lễ hội.

Tỉnh Bạc Liêu có 1.230 tàu cá với hơn 7.000 thuyền viên tham gia đánh bắt trên biển và hàng trăm ngàn hộ dân sinh sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản. Bà con đến với lễ hội với tâm trạng phấn chấn, với niềm tin và hy vọng cho một năm mới có cuộc sống trù phú, tốt đẹp hơn.

TTN

văn hoá gia văn học du lịch ngư dân

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...