Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Những người "nhường" Tết

gia đình gia bệnh viện kiểm tra công an giải quyết cảnh sát

PN - Sau một năm làm việc cực nhọc, Tết là dịp nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng cho năm mới và là dịp các thành viên trong gia đình sum vầy bên nhau, nhưng có những người lại không được ăn Tết mà phải "nhường" Tết cho người khác để làm nhiệm vụ được xã hội giao phó...

Chị Phạm Thị Thanh Nghĩa (bìa phải) làm nhiệm vụ cùng đồng nghiệp trong ngày cuối năm

"Gác cửa" bữa ăn ngày Tết

Khi ngồi bên mâm cỗ Tết ngon lành, ít người nghĩ đến lực lượng bảo vệ cho sự an toàn của mâm cỗ ấy - lực lượng kiểm dịch động vật (KDĐV), thuộc Chi cục Thú y TP.HCM. Trong không khí an vui của ngày đầu năm, người dân càng cần đến sự an toàn của thực phẩm nên lực lượng KDĐV lại càng phải nỗ lực hơn trong công việc. Thịt bò, heo, gà - ba loại thực phẩm chủ yếu của bữa ăn trong ngày xuân cũng chính là những "đối tượng" được các trạm KDĐV (đóng ở các cung đường cửa ngõ của TP) tập trung quản lý sít sao nhất

Mười năm trước, chị Võ Thị Lan Thủy vào ngành thú y, làm việc ở hiệu thuốc. Hơn một năm nay, được chuyển về Trạm KDĐV Thủ Đức (trạm chủ chốt của TP, đóng ở xa lộ Hà Nội), chị mới cảm nhận hết những vất vả "ngày như đêm, đêm như ngày" của nghề này. Ngoài 30 tuổi, Thủy mới lấy chồng và hơi khó khăn trong việc sinh con. Vì thế, khi chị mang thai, anh Trần Đình Ri - chồng chị - cưng vợ như cưng trứng. Vậy mà bây giờ, bà bầu tám tháng Lan Thủy vẫn phải xăm xăm ra trạm mỗi ngày, bất kể trưa nắng hay đêm khuya. Chị chia sẻ: "Chồng xót, tôi cũng muốn được ở nhà nghỉ để đứa con trong bụng được hưởng cảm giác êm ái, nhưng đã là nhiệm vụ thì phải nỗ lực hoàn thành".

Những người Thủy tiếp xúc hàng ngày đa số là tài xế đường dài hoặc chủ buôn. Nhiều người bị kiểm hàng, nổi nóng có, mua chuộc có, đe dọa có, chửi mắng cũng có, nhưng bà bầu Lan Thủy vẫn đầy bản lĩnh để giải quyết công việc, không sợ sệt hay xin nghỉ những ca thường phải tiếp những đối tượng "gân". Ngày cuối năm, chị tâm sự: "Công việc ở trạm bận rộn, những giờ được về nhà lại quá mệt, không muốn lê bước ra chợ, nên vẫn chưa sắm sửa được gì để ăn Tết. Mà tôi cũng quen rồi, từ ngày vào ngành, chẳng còn khái niệm tết nhất gì nữa".

Năm nay chị Thủy phải làm nhiệm vụ vào mùng Một. Anh Ri cũng công tác trong ngành thú y, hiện làm việc ở trạm thú y Q.Bình Thạnh, cũng phải thức dậy từ rạng sáng để đến các lò mổ kiểm tra, mùng Một cũng không được nghỉ nên coi như hai vợ chồng "trắng Tết". Chị nói: "Thôi thì trong xã hội mỗi người một nhiệm vụ; nói một cách văn vẻ thì nhiệm vụ của mình cũng cao cả, nên cố gắng, hết lòng với công việc vậy".

Công việc của các nhân viên KDĐV là phối hợp với cảnh sát giao thông để kiểm tra hàng hóa trên xe. Khi cảnh sát giao thông dừng xe, nhất là xe tải, xe khách, người của trạm KDĐV kiểm tra hàng. Thịt, trứng không rõ nguồn gốc đều bị áp tải về trạm để xử lý. Công việc nặng nhọc, phải đứng ngoài đường nắng, bụi, có lúc lại giữa trời khuya, nhưng vẫn có nhiều phụ nữ tham gia. Phạm Thị Thanh Nghĩa (Trạm KDĐV Xuân Hiệp) là một trong những phụ nữ xông xáo, 34 tuổi, chị đã có đến 12 năm trong nghề. Ông Nguyễn Ngọc Sen (Trưởng trạm KDĐV Xuân Hiệp) chia sẻ: "Biết để phụ nữ ra đường làm nhiệm vụ là hơi quá sức, nhưng công việc đòi hỏi phải như vậy. Với những chủ xe dễ nổi nóng vì xót của khi bị tịch thu hàng, thì nét mặt xinh xắn cộng với lời nói dịu dàng, Thanh Nghĩa sẽ giải quyết vấn đề "êm" hơn nhiều so với một cán bộ là nam giới. Chẳng những không ngại, Nghĩa còn nhiều lần xung phong ra đường làm nhiệm vụ, dù những ca trực ở ngoài đường thường rơi vào đêm khuya vì lúc đó xe hàng đổ về TP nhiều".

Ngày 29 Tết, Nghĩa vẫn đội nắng cùng đồng nghiệp làm nhiệm vụ. Chị bảo: "Tôi đã tranh thủ mua được ít giò thủ, còn bánh tét thì nhờ ông bà đặt giúp. Nhưng, đồ ăn thức uống không quan trọng bằng việc ba ngày xuân mà cứ vắng nhà. Con gái chưa đầy một tuổi, nhiều đêm phải ngủ với ba, cứ khóc đòi mẹ nhưng mình đành chấp nhận. Có làm vợ, làm mẹ mới cảm nhận được nỗi chạnh lòng thế nào khi giao thừa, mùng Một, mùng Hai vẫn phải lao ra đường, vừa làm nhiệm vụ vừa ngắm các gia đình khác chở nhau du xuân".

Từ mười năm nay, chị Vũ Thị Giáng Hương nhận lời chúc Tết của chồng qua... tin nhắn

Nghề "bỏ" Tết!

Giữ chức vụ đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an Q.8) nên với anh Lê Hữu Phước, việc quây quần bên vợ con trong thời khắc giao thừa hay họp mặt gia đình vào những ngày xuân từ lâu đã là chuyện... không tưởng. Anh cho biết: "Tình hình trật tự vốn rất phức tạp từ thời điểm cuối năm kéo dài đến qua Tết nên chúng tôi phải ra quân "trực chiến" giữ bình an cho người dân vui Tết. Thời khắc giao thừa, người người, nhà nhà đổ ra đường nên dễ phát sinh nhiều việc không mong muốn như ẩu đả, mâu thuẫn nhau, đòi hỏi lực lượng an ninh phải có mặt kịp thời. Chỉ khi nào phố phường thật sự im ắng chúng tôi mới rút về đơn vị". Không ngoại lệ, ngày cuối của cái Tết vừa qua, anh phải rời nhà từ sớm đến cơ quan đôn đốc các đồng nghiệp ra quân theo sự phân công, rồi rong ruổi ngoài đường để kiểm tra tình hình các chốt chặn, động viên thăm hỏi anh em. Ba ngày Tết, không có thời gian đến nhà chúc nhau, đơn vị anh thống nhất chọn một ngày tổ chức họp mặt. Anh nói vui: "Vùi đầu trong công việc, chúng tôi gần như không biết Tết ra sao". Nhìn vợ bằng ánh mắt trìu mến, anh khoe: "May mà chuyện nhà đã có vợ thu vén hết".

Vợ anh, chị Lương Thị Thu Hường mỉm cười: "Từ ngày vào ngành, chưa năm nào anh thong thả đón Tết với gia đình. Thậm chí, mọi chuyện nhà như mua sắm, bày biện lễ cúng, chuẩn bị Tết anh đều bỏ mặc, phó thác hết cho vợ. Phải hiểu và thông cảm cho chồng thì mới có thể chấp nhận điều đó, không đòi hỏi, không trông đợi".

Mấy năm trước, người con trai lớn của anh còn thay cha giúp mẹ dọn dẹp, năm nay, nối gót cha về công tác tại Đội Điều tra tổng hợp, hai cha con lại rủ nhau... biền biệt, nhà đã vắng lại thêm vắng. Chị đùa: "Thôi thì, Nhà nước trao cho anh và con nhiệm vụ, tôi cũng trao cha con anh cho Nhà nước". Biết vậy, nhưng ba ngày Tết nhìn mọi người sum họp quây quần, lòng chị không khỏi gợn buồn. Như năm ngoái, chị kể, bàn tính mãi, vợ chồng dành được cho nhau một buổi chiều đi chợ hoa, vậy mà mới đi được nửa đường, anh lại nhận một cuộc gọi về giải quyết gấp một vụ ẩu đả dẫn đến chết người... "Nhờ vợ thấu hiểu, giỏi giang, biết lo toan nên tôi mới yên tâm hoàn thành nhiệm vụ" - anh Phước tâm sự.

Cũng như anh Phước, chị Vũ Thị Giáng Hương - công tác tại Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an TP.HCM tự nhận mình may mắn khi được chồng thấu hiểu và cảm thông. Từ năm 1994, khi khoác lên mình chiếc áo chiến sĩ công an nhân dân, chưa năm nào chị được quây quần bên người thân trong thời khắc linh thiêng của đêm giao thừa. Chồng hiểu nhưng các con của chị lại còn quá nhỏ để có thể sẻ chia với mẹ. Chị cho biết: "Năm nào cũng thấy tôi biền biệt ngày cuối năm, các con hỏi dỗi "sao mẹ cứ đi hoài, bỏ con?" khiến chị chạnh lòng nhưng nhiệm vụ an ủi và giúp con thấu hiểu lại là việc chồng chị phải đảm trách. Năm nay, chị được phân công trực chiến từ sáng 29 cho đến mùng Một Tết. Chồng chị - bác sĩ (BS) Lê Duy Hưng cũng bận bịu trực Tết nên chuyện dỗ dành con đành cậy nhờ cha mẹ. Chị Hương kể, do không phát sinh vụ việc khẩn cần điều động nên chị và các đồng nghiệp đã tổ chức được một bữa tiệc nhỏ đón giao thừa, chúc Tết nhau.

Tính đàn bà hay lo nghĩ, chị nói, để trọn vẹn trao mình cho công việc những ngày này, đòi hỏi trước đó chị phải chu toàn mọi thứ trong mái ấm riêng. Từ con gà luộc đến đĩa trái cây chị cũng phải chuẩn bị xong, cùng chồng thắp nén hương mời tổ tiên trước lúc cả hai rời nhà. Không khi nào được ngồi với chồng con trong thời khắc chuyển năm, nhưng mười năm chồng vợ, chị đều nhận được tin nhắn chúc Tết từ anh: "Chúc vợ yêu luôn trẻ khỏe và hoàn thành công tác tốt". Đọc tin mà lòng rưng rưng, bởi chị hiểu phía sau mình có một điểm tựa vững vàng để an tâm đảm trách công việc được xã hội giao phó.

Bác sĩ Bùi Thanh Vân sau ca mổ lúc 9g sáng ngày mùng Một Tết tại BV Từ Dũ

Gia đình bác sĩ Lê Sỹ Tuấn hạnh phúc trong ngày đầu năm

Đón Tết ở... bệnh viện

Cưới vợ được ba năm, chỉ cái Tết đầu tiên, BS Lê Sỹ Tuấn (Khoa Cấp cứu, BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM) được các đồng nghiệp ưu tiên cho về quê ăn "Tết mới". Còn hai năm qua, ca trực của anh toàn rơi vào đúng giao thừa. Anh chia sẻ: "Tôi và các đồng nghiệp tuy thiệt thòi vì ngay giờ khắc thiêng liêng, nhà nhà, người người sum vầy, mình lại tất tả với những ca cấp cứu, nhưng nghĩ lại mới thấy thiệt thòi nhiều hơn là những người đang ở nhà. Ở bệnh viện, dù mệt nhưng công việc cuốn vào, đâu còn thời gian suy nghĩ...".

Đúng như cảm nhận của BS Tuấn, ngày 29 Tết năm nay, dù được mẹ vào thăm, nhưng chị Nguyễn Thị Thu Hiền, vợ anh vẫn ngậm ngùi. Chị bộc bạch: "Là nhân viên ngân hàng, mãi đến chiều 28 Tết, tôi mới xong việc để về nhà. Công việc bề bộn tôi không sợ, chỉ sợ nhất cái cảm giác vò võ một mình trong ngày mà các gia đình khác đang sum vầy. Hồi chưa lấy chồng, những ngày dọn nhà ăn Tết là những giờ phút vui vẻ và hào hứng nhất. Còn giờ đây, thời khắc giao thừa cứ thấp thỏm nghĩ đến việc chồng đang vất vả ở bệnh viện mà điện thoại cũng không dám gọi. Từ lúc quen biết và lỡ yêu... BS của khoa cấp cứu, tôi ý thức mình phải chấp nhận...". Ngày mùng Hai Tết, BS Tuấn mới thật sự có một buổi sáng trọn vẹn với gia đình. Tiếp chúng tôi ở nhà, anh mỉm cười đầy mãn nguyện: "Mệt, nhưng yên tâm vì ở nhà có mẹ và vợ làm hậu cứ".

Không như phòng cấp cứu ở nhiều bệnh viện khác, luôn căng thẳng vì những tai nạn và bệnh tật bất thường, thì ở các bệnh viện sản trong những ngày trực Tết, các y BS lại mang cảm giác được chung tay đón nhận niềm vui khi những hài nhi bé bỏng chào đời. Với BS Bùi Thanh Vân - Trưởng Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, những ca trực ngày mùng Một Tết của chị luôn thật đặc biệt vì được cùng các đồng nghiệp đón chào những sinh linh mới trong thời khắc đầu năm.

Hai mươi lăm năm với nghề, liên tiếp ba năm nay, BS Vân gắn với ca trực ngày mùng một Tết. Chị nói: "Ngày Tết, mình không được vui xuân trọn vẹn. Chồng mình (BS Nguyễn Công Kiểm, Khoa Tiêu hóa - gan mật BV An Bình) cũng trực Tết, nhưng anh toàn trực những ngày sau đó. Cho nên, trong hai ngày quan trọng nhất của cái Tết, chồng mình hết đèo hai con về nội lại sang bên ngoại. Gia đình họp mặt bao năm không có mẹ Vân! Năm nay anh ấy càng buồn hơn, vì hai con đã đi học xa nhà".

24 giờ trong vai trò là BS trực ở bệnh viện, với BS Vân, giờ phút nào cũng là công việc. Vừa giải quyết xong một ca bệnh, chị lại quay sang: "Xem con gái, con trai có nhắn nhe, điện thoại gì về cho mẹ không. Dù vất vả cỡ nào, hết ca trực, được về với chồng vẫn là niềm vui lớn nhất!". Đôi mắt chị lại long lanh, ngân ngấn nước. Nhưng, chưa kịp mở tin nhắn của con gái, BS Vân lại nghe tiếng đồng nghiệp gọi. BS Vân cùng các đồng nghiệp đã "nhường" Tết cho người khác, nhưng có lẽ, được tự tay đón những đứa trẻ chào đời trong những ngày đầu năm mới, họ cũng đang có cái Tết riêng của mình - cái Tết "chọn vất vả để mọi người được vui trọn vẹn".

Ban Hôn nhân - Gia đình

kiểm tra giải quyết bệnh viện cảnh sát gia gia đình công an

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...