ngân hàng kiểm tra khiếu nại tín dụng khách hàng hình thức bão anz trách nhiệm bảo vệ quyền lợi thanh toán ngân hàng anz
Lâu nay, người dân đã dần quen với hình thức thanh toán qua thẻ tín dụng, với độ bảo mật cao, hạn chế được nhiều rủi ro khi mang tiền trong người. Tuy nhiên, gần đây đã có rất nhiều vụ việc khách hàng tố cáo lên các cơ quan chức năng khi họ bị mất thẻ tín dụng, kẻ gian đã sử dụng để thực hiện nhiều giao dịch bất hợp pháp, mà các điểm giao dịch và ngân hàng vẫn chấp nhận thanh toán. Đáng buồn hơn, khi sự việc xảy ra, dường như phía các ngân hàng và điểm giao dịch lại muốn chối bỏ trách nhiệm, yêu cầu người chủ thẻ phải thanh toán số tiền mà mình không sử dụng...
Lòng vòng câu chuyện trách nhiệm
Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng có chương trình làm thẻ tín dụng (có hạn mức phụ thuộc vào thu nhập của khách hàng), khách hàng có thể "mượn" tiền trong thẻ để chi trả tại những điểm chấp nhận giao dịch bằng hình thức "cà thẻ". Việc giao dịch qua hình thức này khá tiện dụng, người mua chỉ cần chọn những món đồ cần mua và đưa thẻ vào máy để "cà", sau đó ký vào biên lai là mọi giao dịch sẽ được thực hiện. Ngân hàng sẽ có trách nhiệm thanh toán trước số tiền ấy và người chủ thẻ sẽ trả lại trước 45 ngày, ngoài việc sẽ không bị tính lãi, còn nhiều ưu đãi khác...Là một trong những nạn nhân của việc mất thẻ và phải "ôm" một khoản nợ "từ trên trời rơi xuống", bà Đặng Thị Thanh Hương (Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) đã có đơn khiếu nại gửi tới các cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ trách nhiệm của ngân hàng ANZ và điểm chấp nhận giao dịch, khi bà Hương phát hiện mất gần 40 triệu mà mình không hề sử dụng.
Ngân hàng ANZ nơi bà Hương đến khiếu nại và được trả lời là nên tìm...ngân hàng BIDV mà khiếu nại
Theo như trình bày của bà Hương với PV báo NB&CL, ngày 12/01/2013, khi đi mua hàng bà Hương có phát hiện mất một thẻ tín dụng Visa Card của ngân hàng ANZ (hạn mức 50 triệu). Mặc dù đã thông báo với ngân hàng để khóa thẻ, nhưng trước đó vào ngày 09/01/2013, kẻ gian đã kịp tiêu mất gần 40 triệu để mua hàng tại cửa hàng điện máy số 06 Hàng Bài. Bà Hương đã làm đơn khiếu nại lên ngân hàng ANZ, đề nghị làm rõ sự việc và được cho xem lại camera tại cửa hàng, xác định người thực hiện giao dịch là một người nam khác. Theo như bà Hương, không hiểu sao cửa hàng điện máy số 06 Hàng Bài lại chấp nhận thanh toán khi tên thẻ tín dụng là nữ, nhưng người sử dụng lại là...nam? Hơn nữa, khi đối chiếu chữ ký trên thẻ và trên hóa đơn thanh toán rõ ràng có sự sai lệch mà họ vẫn chấp nhận thanh toán? Để làm rõ hơn sự việc, bà Hương đã có báo cáo và cùng cơ quan công an đến làm việc với chủ cửa hàng điện máy số 06 Hàng Bài. Và khi bà Hương đề cập đến trách nhiệm của cửa hàng khi không đối chiếu chữ ký trên thẻ và đối tượng mua hàng, chủ cửa hàng cho biết: "Khi giao dịch bằng thẻ tín dụng của ngân hàng ANZ thì không cần phải đối chiếu chữ ký của chủ thẻ mà chỉ cần ngân hàng đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ đồng ý là được". Trong thời gian này, bà Hương cũng liên tục nhận được email của ngân hàng ANZ đề nghị thanh toán số tiền trên. Trao đổi với PV, bà Hương tỏ ý không hài lòng về cách làm việc cũng như trong vấn đề bảo vệ quyền lợi khách hàng của ngân hàng ANZ: "Có xảy ra sự việc mới biết, mặc dù đã có bằng chứng xác thực (camera ghi hình) về việc sử dụng thẻ bất hợp pháp, thế nhưng ngân hàng ANZ không hề có một phương án nào để bảo vệ khách hàng mà vẫn yêu cầu tôi phải trả số tiền trên. Trong chuyện này cần phải xác định rõ trách nhiệm của điểm giao dịch và cách thức chi trả của phía ngân hàng khi không xác định thông qua chữ ký của khách hàng. Điều buồn cười hơn là khi tôi làm việc với đại diện ngân hàng ANZ về sự việc, họ lại yêu cầu tôi mang khiếu nại đến...ngân hàng BIDV?".
Lỏng lẻo khâu quản lý
Theo tìm hiểu của PV, trong vấn đề sử dụng, thanh toán cũng như cách thức của phía đại lý chấp nhận thanh toán bằng hình thức "cà thẻ" có những điều khoản khá rõ ràng về trách nhiệm của mỗi bên. Theo đó, khi khách hàng đến thanh toán bằng thẻ tín dụng, đại lý thanh toán thẻ (ở đây là cửa hàng điện máy số 06 Hàng Bài) phải có trách nhiệm xác định tính hợp lệ của thẻ, đảm bảo khớp đúng giữa chủ thẻ và người thực hiện giao dịch. Ngoài ra khi xuất hóa đơn, phía cửa hàng phải yêu cầu chủ thẻ ký trên hóa đơn giao dịch, so sánh và đảm bảo khớp đúng với chữ ký tại mặt sau của thẻ...Còn đối với khách hàng, phải có trách nhiệm ký ngay lập tức vào phía sau thẻ để các đại lý đối chiếu, xác minh mỗi khi thực hiện giao dịch. Như vậy, việc đối chiếu chữ ký của chủ thẻ là điều yêu cầu bắt buộc đối với các giao dịch bằng thẻ tín dụng. Tuy nhiên ở đây, phía cửa hàng điện máy số 06 Hàng Bài lại bỏ qua tất cả các khâu kiểm tra trên, như vậy việc chấp nhận thanh toán của cửa hàng là không đúng với các quy định của ngân hàng. Trong sự việc này không thể không nhắc đến trách nhiệm của ngân hàng ANZ, khi có khiếu nại sự việc đã không tìm hướng giải quyết, bảo vệ quyền lợi của khách hàng mà lại đi "lòng vòng" đẩy trách nhiệm lên đơn vị khác. Hơn nữa, vấn đề trả lại tiền giữa ngân hàng và đại lý cũng phát sinh nhiều vấn đề và trách nhiệm mỗi bên cần phải làm rõ, khi ngân hàng cũng...không kiểm tra chữ ký điện tử đã được lưu trên hệ thống, mỗi khi thanh toán các hóa đơn.
Sự việc lần này đã dấy lên hồi chuông báo động đối với những khách hàng đang sử dụng thẻ tín dụng của các ngân hàng, khi cách chi tiêu này đã lộ rõ nhiều điểm bất hợp lý bởi những khâu kiểm tra và bảo mật đối với người sử dụng. Trong khi đó, mặc dù đã có những quy định rõ ràng về việc thanh toán thẻ, nhưng dường như không được áp dụng và khi có sự việc xảy ra thì người phải chịu thiệt đầu tiên vẫn là chủ thẻ tín dụng.
Minh Nhật - Thành Vĩnh
khách hàng bão ngân hàng thanh toán anz trách nhiệm kiểm tra tín dụng hình thức khiếu nại ngân hàng anz bảo vệ quyền lợi
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.