nạn nhân bão thị trường thành phố phương tiện
Phụ nữ Indonesia đã "đồng thanh tương ứng" trên mọi mặt trận để đối phó với vấn nạn phân biệt giới tính và những cuộc bạo hành nhằm vào họ
Thời gian qua, dư luận Indonesia đi từ phẫn nộ này đến phẫn nộ khác. Nào là câu đùa của một thẩm phán đang ứng cử vào Tòa án Tối cao rằng phụ nữ có thể thích thú khi bị cưỡng hiếp, nào là một quan chức bị phát hiện ly dị cô vợ 17 tuổi bằng tin nhắn. Cả hai trường hợp đều phản ánh tình trạng bất bình đẳng giới tính và sự bất an của phụ nữ vẫn tồn tại ở đất nước 240 triệu dân này.
Phụ nữ Indonesia tham gia chiến dịch kêu gọi thế giới cùng hành động chống nạn bạo lực
đối với nữ giới ở Jakarta hôm 14-2. Ảnh: AP
Ông Aceng Fikri, thị trưởng thành phố Garut thuộc tỉnh Tây Java, đã kết hôn và có 3 con, tiếp tục lấy một thiếu nữ 17 tuổi làm vợ hai theo phong tục Hồi giáo. Tuy nhiên, sau đám cưới chỉ 4 ngày hồi tháng 7-2012, ông tuyên bố ly dị vì "phát hiện vợ không còn trinh trắng". Thông tin trên đã gây ra phản ứng thịnh nộ của nữ giới. Tràn ngập các phương tiện truyền thông xã hội như Twitter, Facebook... là những lời phản đối kịch liệt. Hàng ngàn người biểu tình, đốt ảnh ông Fikri và đòi ông từ chức vì cho rằng ông không tôn trọng phụ nữ. Sự việc khiến Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono không thể khoanh tay đứng nhìn. Ông đã cách chức quan chức 40 tuổi này với lý do vi phạm luật hôn nhân.
Đến giữa tháng 1-2013, các phương tiện truyền thông xã hội lại dậy sóng sau khi thẩm phán Muhammad Daming Sunusi có những phát biểu gây tranh cãi ở buổi phỏng vấn của một ủy ban quốc hội xem xét việc bổ nhiệm ông này làm thẩm phán tại Tòa án Tối cao. Khi được hỏi liệu án tử hình có phải là hình phạt tương xứng với tội cưỡng hiếp hay không, ông Sunusi nói rằng vì cả kẻ tấn công và nạn nhân "có thể thích thú (với chuyện cưỡng hiếp) nên cần phải suy nghĩ kỹ càng về việc tuyên án tử hình". Không chỉ tuyên bố chống lại việc bổ nhiệm ông Sunusi vào Tòa án Tối cao, Ủy ban Tư pháp Indonesia còn khuyến nghị loại ông khỏi vị trí hiện tại ở Tòa án Nam Sumatra.
Mối quan tâm đến quyền lợi phụ nữ ở Indonesia trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết kể từ sau cái chết của nữ sinh y khoa Ấn Độ bị cưỡng hiếp tập thể. "Hãy nghĩ đến nỗi thống khổ của phụ nữ, những người bị chính chồng mình ngược đãi hay nạn nhân của những vụ cưỡng bức. Chúng tôi cần những nhân viên chính phủ luôn ở tuyến đầu để bảo vệ nữ giới và những thẩm phán xem việc bạo hành phụ nữ là tội ác nghiêm trọng" - nhà hoạt động Ellin Rozana ở Bandung, thủ phủ của tỉnh Tây Java, nói.
Trong khi đó, Husein Muhammad, đại diện Ủy ban Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ, tuyên bố: "Chúng ta đang sống trong một thời đại mới mẻ. Không chỉ nhận được sự bảo vệ từ pháp luật mà còn từ các phương tiện truyền thông xã hội, dẫn đến việc dư luận bài xích các quan niệm lạc hậu". Các nhóm nhân quyền cho rằng Indonesia vẫn còn chặng đường dài phải đi trong việc giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và bạo lực tình dục. Chẳng hạn như cho đến giờ, hầu hết các trường hợp phụ nữ bị cưỡng hiếp thường không được điều tra, thậm chí nhiều người còn đổ lỗi cho nạn nhân.
bão phương tiện thị trường thành phố nạn nhân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.