hải phòng tội phạm công an an ninh trật tự người cao tuổi người dân gia văn hoá bão
Ngày còn nhỏ, bà nội kể cho tôi nghe rất nhiều về các phiên chợ vùng Kinh Bắc, Kinh Kỳ và phố Hiến. Trong tâm thức của tôi, chợ phiên huyền ảo, lung linh trong đêm đen tuyền với đủ thứ mà chợ thường ngày không có.
Trăm nghe không bằng một thấy
Chợ phiên cổ ở Hải Phòng diễn ra vào ngày 5, 10 âm lịch hàng tháng. Sau này, do nhiều yếu tố tác động, chợ phiên ở Hải Phòng diễn ra thường xuyên hơn, họp vào các ngày chủ nhật trong tháng. Nó diễn ra ở cạnh đường bao Nguyễn Văn Linh, thuộc phố Kim Hải, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân. Sau này, người dân Hải Phòng gọi đây là chợ Hàng - cái tên gắn liền với lịch sử của mảng đất này. Chợ Hàng và địa danh Dư Hành Kênh ngoài cái chợ phiên độc đáo còn được nhiều người biết đến với cái tên thật đáng ghét, đó là "rốn" ma túy của Hải Phòng. Vâng, hai sự khác biệt đó ở cạnh nhau đã tạo lên sự độc đáo mà chẳng làm mờ nhau, nếu không có sự tác động của con người. Nó bị ảnh hưởng nhau bởi cái "truyền thống" bán lẻ ma túy bao đời ở Dư Hàng Kênh ấy. Chính vì thế mà, có những thời điểm nhất định, chợ Hàng bị "nhiễm bệnh" trầm trọng.
Đây là những thứ, chỉ có ở chợ phiên thành phố Cảng.
Đến chợ phiên độc nhất ở Hải Phòng này, cái gì cũng có, từ cây cảnh cho đến dụng cụ nhà nông. Tóm lại những gì thuộc về thủ công, do bàn tay, khối óc con người tạo ra, họ đều làm được và bán mua, trao đổi. Có một "đặc sản" rất nổi tiếng ở chợ phiên này, đó là nạn móc túi, cờ bạc bịp tại chợ. Chợ phiên đã bị tiếng và hình ảnh này đeo bám một thời gian dài. Hình ảnh êm đêm, xưa cũ của chợ bị mai một. Những người cao tuổi, sống bằng tinh thần của chợ phiên bao năm qua đã bức xúc đến mức viết tâm thư, gửi Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, nhấn mạnh rằng: Của cải người bị móc túi, mất đồ có thể là rất nhỏ so với những chuyên án kinh tế, tham nhũng mà các chiến sỹ công an thực hiện triệt phá nhưng ý nghĩa văn hóa, tinh thần, lớn hơn rất nhiều. Truyền thống và văn hóa bị bôi bẩn, thì hiện đại hoành tráng bao nhiêu cũng chẳng để làm gì... Các cụ giữ cho con cái mai sau cái truyền thống bằng những lời lẽ thấm thía như vậy đấy.
Thượng tá Cao Văn Hùng, đội trưởng đội Cảnh sát điều tra tội phạm trật tự xã hội, Công an quận Lê Chân, Hải Phòng, cho biết: "Tôi và đồng nghiệp của tôi đi chợ, đã từng nhìn thấy, đã từng bị móc túi để rồi hiểu thế nào là mất mát. Với người dân quê lên chợ phiên bán một con mèo, con chó mà bị mất xe đạp, xe máy (dù cà tàng thôi); hoặc vừa bán xong, bị móc túi hết tiền... thật ai oán. Nhóm "hai ngón" (bọn tội phạm chuyên trộm cắp, móc túi) vừa móc túi của người đi chợ xong, chúng đến cuối chợ ngồi chơi cờ bạc, dưới hình thức tôm - cua - cá một cách khá công khai. Khi thua hết, chúng lại tìm cách đi móc túi, trộm cắp lấy tiền chơi tiếp. Cuộc sống của những kẻ tội phạm này quay vòng trong cái chợ với tội chồng tội. Hễ thấy hình bóng bảo vệ, công an, chúng phi tang "đồ nghề" phạm tội, trở về trạng thái ngồi chơi, thong dong như những người đi chợ để thưởng thức không khí chợ phiên. Thế nhưng, mắt chúng lại đảo điên "tìm mồi", theo dõi động tĩnh của công an, bảo vệ, tìm cơ hội là "xử lý".
Đây là những thứ, chỉ có ở chợ phiên thành phố Cảng.
Thượng tá Hùng nói rằng, sự phản ánh của người dân, của người đi chợ là đúng. Bởi, người bán hàng, những "ông" xe ôm, nhìn thấy tội phạm, móc túi, trộm đồ của người dân quê lên chợ bán hàng, du khách thăm chợ, người đi chợ mua đồ nhưng không hề giúp đỡ, mách báo để họ cẩn thận hơn, cảnh giác, giữ đồ chặt hơn. Có du khách nhìn thấy tội phạm móc túi của người dân, vì "lạ nước, lạ cái" chẳng dám lên tiếng. Thế là họ thấy chán, thấy nản và bớt yêu chợ phiên Hải Phòng vì thế. Những con chó, con mèo, con vịt, con gà còn nhỏ, những chậu cây cảnh xưa đáng yêu cũng chẳng làm tội phạm móc túi thấy cuộc đời đẹp hơn. Chúng chỉ chăm chăm vào phạm tội, rồi chơi cua - cá - tôm, chọi gà, xóc đĩa ăn tiền... Thế là, sự vào cuộc của công an đã trả lại đúng nghĩa sự êm đềm cho chợ phiên nhẹ nhàng trong lòng phố thị sôi động. Chợ phiên Hải Phòng đã có những thăng trầm về an ninh trật tự như thế đó.
Tìm được của "độc" và "lạ"
Bác Trần Văn Tiến, quê ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, vùng đất giáp ranh với Hải Phòng, cho biết: "Tôi rất "mê" chợ phiên ở Dư Hàng Kênh, Lê Chân. Hầu như, phiên chợ nào tôi cũng đi. Tôi chờ đợi nó như thế thích một món ăn nào đó không rõ ràng trong đời sống văn hóa của mình. Có lần, tôi đi chợ một mình, lần thì đi cùng con gái, cháu trai. Tôi thích đi chợ phiên này, vì tìm thấy hồn dân tộc ở đây. Tất cả những gì mộc mạc, chân phương, thủ công nhất đều có. Quê tôi là vùng nông thôn thật, thế nhưng, ra chợ huyện, tìm mãi chẳng thấy cái nơm, cái gầu giai, gầu sòng bằng nan tre, bằng nứa và tốt nhất là bằng mây. Bây giờ, quê tôi, họ toàn dùng gầu bằng tôn, khi tát nước, nặng lắm. Người không tát thạo còn bị lệch gầu, không múc được nước, không đổ được nước vào ruộng...".
Anh Nguyễn Hoàng Trọng, người gốc Hà Nội, về Hải Phòng thăm bạn, đi chợ Hàng, cho biết: "Tôi đi chợ phiên - chợ Bưởi ở Hà Nội rất nhiều, thế nhưng, phải thú thật rằng, đi chợ phiên Hải Phòng, cảm giác rất khác. Tại đây, tôi được nhìn một đàn vịt con, mới nở, vàng óng, mượt lông, chụm mỏ vào nhau kêu chip chip. Tôi được nhìn thấy những chú mèo tam thể, mắt xanh như chim cú, cứ meo meo... rất đáng thương. Những chú chó ta, cũn cỡn, đi ra, đi vào, ngoe ngẩy cái đuôi, đáng yêu vô cùng. Ở khu chợ cây cảnh, tôi tìm được 2 bình hoa mười giờ thật đáng giá. Đúng 10 giờ sáng, hoa nở đỏ rực, nhiều cánh đan xen lẫn nhau, mỏng mong từng cánh nhưng lại như thảm nhung khi là bông hoa. Tôi còn tìm thấy một cây ớt ta, quả rất lạ... Tóm lại, cảm giác đi chợ phiên ở đây là "lạ" và thú vị như chính những món đồ được người ta mua bán, trao đổi vậy".
Đây là những thứ, chỉ có ở chợ phiên thành phố Cảng.
Quả thực, nếu "mục sở thị" chợ Hàng, mỗi chúng ta đều có cảm giác rất riêng. Chợ, đi đến mỏi chân mà chưa hết. Các dãy hàng đều được bố trí theo khu rất "quy hoạch". Đến khu chợ chim cảnh, chúng ta lạc vào không khí rộn ràng của tiếng chim. Điều đặc biệt, chim cảnh ở chợ này phần lớn là chim tự nhiên như chim sẻ, cu, chim gáy... theo kiểu mùa nào thức đó. Cũng có điểm dành cho việc bán chim cảnh nhà giàu nhưng ở đó, ít người qua lại, mua bán, ngắm nhìn hơn. Khu gia súc, gia cầm, người ta tìm được lợn, gà, chó, mèo, dê, vịt, ngan, ngỗng... con. Nhìn chúng rất sống động và tự nhiên. Khu thuốc bắc, người ta bày bán la liệt các vị thuốc đông y kim cổ từ nhiều nơi mang về. Điều đặc biệt khác, Hải Phòng có chợ Sắt, chuyên bán thiết bị, đồ điện tử rất lớn ở trung tâm thành phố nhưng ở chợ phiên này, cũng có hẳn một khu dành cho đồ điện tử cũ. Ở chợ Hàng, có cả một khu được gọi là tạp hóa, người đi chợ có thể hỏi mua từ cái bóng đèn dầu, dây bấc cho đến cuộn chỉ, cái kim... đều đủ cả.
Chị Hoàng Thanh Huyền, cán bộ tỉnh Quảng Ninh, đi chợ Hàng, bộc bạch: "Tôi nghe kể về chợ Hàng nhiều lắm nhưng không nghĩ, nó lại phong phú về hàng hóa tự nhiên như thế. Những mặt hàng tại chợ phiên này khá đặc biệt với tôi. Nó có gì đó thủ công, mộc mạc nhưng thấm đượm hồn quê. Lâu lắm rồi, tôi mới nhìn thấy cái rế được bện bằng tre, bằng thừng để nồi cơm gang ngày xưa trong các gia đình nông thôn. Tôi mua cái rổ đựng rau bằng cật tre và cá rá vo gạo cũng bằng cật tre. Tôi nhớ, mẹ nhắc rằng, nếu mua được rổ, rá đan bằng mây thì tốt vô cùng, dùng cả chục năm cũng không hỏng. Phải công nhận rằng, thanh tre được vót rất đều và đường đan thật sắc nét. Tôi đồng ý với mẹ, dùng rổ, rá bằng nan tre, thích hơn dùng rổ, rá bằng nhựa".
Năm qua, kết hợp với các cơ quan chức năng, Công an quận Lê Chân, TP.Hải Phòng đã triển khai triệt phá tụ điểm phức tạp về tệ nạn cờ bạc, an ninh trật tự tại chợ Hàng. Công an bắt giữ 3 ổ nhóm đánh bạc dưới hình thức xóc đĩa, tôm - cua - cá; bắt 16 đối tượng, thu giữ 15 điện thoại di động, 3 xe máy, hơn 162 triệu đồng, 3.000 USD... Các nhóm tệ nạn bị triệt phá, chợ Hàng trở về với ngày xưa, không còn cảnh, người nhà quê tay ôm con chó, miệng rao bán, mặc cả, tay giữ chặt xe đạp; mắt đảo liên hồi xem người đi qua, đi lại gian hay không? |
Lê Anh - Hoàng Anh
tội phạm hải phòng bão công an người cao tuổi an ninh trật tự người dân gia văn hoá
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.