nhân viên người lao động mông ngân hàng khó khăn tín dụng trích lập dự phòng chi phí hoạt động
(CafeF) Ngành ngân hàng vừa trải qua năm Nhâm Thìn đầy dấu ấn. Đó không chỉ là dấu ấn của những sự kiện, thành tích quan trọng, mà còn có những dấu ấn khiến người ta muốn quên đi nhanh chóng.
Hơn ai hết, những cán bộ nhân viên làm việc trực tiếp trong ngành ngân hàng thấu hiểu hơn cả. Đón năm mới Quý Tỵ, những người làm trong ngân hàng mong muốn gì?
Không bị mất việc
Nỗi lo mất việc đã ám ảnh những người làm trong các ngân hàng suốt năm 2012, đặc biệt là giai đoạn nửa cuối năm. Hầu hết các ngân hàng đã rà soát lại nhân sự và cắt giảm những người không có đủ năng lực. Mạnh tay nhất và cũng công khai nhất có lẽ là ở ngân hàng Techcombank và ngân hàng ACB. Còn nhớ, chỉ trong 9 tháng đầu năm, Techcombank đã cắt giảm hơn 1.000 nhân sự. Ngân hàng ACB thì rà soát lại và cho nghỉ việc hàng loạt nhân viên thử việc. Ở một số ngân hàng khác còn có tình trạng "ép" nhân viên nghỉ việc với đủ các lý do mà "ông chủ" thì thấy rằng hợp lý (để giảm chi phí hoạt động) còn nhân viên lại thấy bất bình (vì mình vẫn làm tốt mà sao bị...đuổi).
Chị Kim Oạnh, một cán bộ chuyên chăm sóc các khách hàng VIP tại ngân hàng T. cho biết: "Mình đã làm ở ngân hàng được vài năm và rất cố gắng, được các Sếp tin tưởng và đánh giá tốt. Thế nhưng không biết tương lai sẽ thế nào. Có người làm tốt vẫn thuộc diện giảm biên chế và phải nghỉ trong năm ngoái. Bây giờ cứ được ngày nào vui ngày đấy."
Trường hợp như của chị Oanh không phải là hiếm. Những người làm việc trong các ngân hàng đều có chung mối lo sẽ thất nghiệp. "Tình hình kinh tế vẫn khó khăn, kiếm việc lại rất khó, nếu thất nghiệp thì không biết phải làm sao", chị Xuân, một cán bộ tín dụng tại ngân hàng V. tâm sự.
Khảo sát của chúng tôi đối với khoảng hơn 50 nhân viên giao làm việc ở 6 ngân hàng khác nhau trên phố Kim Ngưu, Lò Đúc và Tam Trinh (Hà Nội) về mong muốn điều gì nhất trong năm mới Quý Tỵ, có tới 90% câu trả lời là: Không bị mất việc.
Không bị giảm lương
Giảm lương cũng là một nỗi ám ảnh của các cán bộ trong ngành ngân hàng. Cùng với cắt giảm nhân sự, nhiều ngân hàng đã thực hiện giảm lương của nhân viên trong năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện trong năm 2013 để tiết kiệm chi phí, giành tiền giải quyết các khoản nợ xấu đang lớn dần từng ngày.
Tại một ngân hàng thương mại thuộc top đầu hệ thống ngân hàng, chỉ trong vòng hơn 1 tháng cuối năm 2012 vừa qua, các cán bộ nhân viên đã phải chịu 2 lần cắt giảm lương, tổng cộng hơn 20%. Hay ở một ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ khác, nhân viên tín dụng vốn chỉ có số lương cứng ít ỏi, lại bi cắt tới hơn một nửa, kèm theo đó là áp chỉ tiêu cao.
Không bị cắt thưởng
Nếu như những năm trước, nói đến thưởng Tết là người ta nghĩ ngay đến ngành ngân hàng, kèm theo đó là những trầm trồ và ao ước được như họ. Thế nhưng năm 2012, hai từ thưởng Tết lại là một điều gì đó quá xa vời.
Theo nguồn tin của CafeF, thưởng tết của các ngân hàng năm nay cao nhất là 6 tháng lương và thuộc về 1 ngân hàng thương mại cổ phần đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Mức thưởng cao thứ hai cũng thuộc về một ngân hàng đã niêm yết, nhân viên được từ 2 - 4 tháng lương. Một vài ngân hàng khác cũng có mức thưởng cho nhân viên là 2 tháng lương (trong đó 1 tháng là lương tháng thứ 13).
Tuy nhiên, đó chỉ là những trường hợp hiếm hoi. Rất nhiều ngân hàng chỉ thưởng cho nhân viên từ 300.000 đồng đến 1,5 triệu đồng. Không ít ngân hàng chỉ tặng nhân viên một lời chúc qua tấm thiệp gửi từ CEO qua email nội bộ. Cũng có những ngân hàng chỉ "thưởng Tết" cho nhân viên bằng một cuốn lịch để bàn hay blog lịch. Có ngân hàng còn thưởng cho nhân viên... 10kg gạo để ăn Tết!
"Năm ngoái chúng tôi được thưởng theo quý, đến Tết âm lịch được 5 tháng lương. Nhưng năm nay chỉ được nhận được có 3 triệu tiền Tết. Dẫu biết rằng ngân hàng khó khăn, nhưng giảm thưởng như thế là quá sốc", chị Phương, nhân viên giao dịch của ngân hàng L. than thở.
Còn chị Thảo, cán bộ của ngân hàng T. thì cho rằng, lãnh đạo ngân hàng nên xem xét và chia thưởng theo kết quả hoạt động của từng chi nhánh, chứ không thể đánh đồng mọi nhân viên, chi nhánh như nhau được. "Mong rằng Tết năm sau sẽ vui vẻ hơn", chị nói.
Không bị áp chỉ tiêu quá cao
Hai từ chỉ tiêu không còn xa lạ với cán bộ ngành ngân hàng. Nhưng trong năm 2012, nhiều ngân hàng áp chỉ tiêu quá cao cho nhân viên, kèm theo là quy định nếu không đạt sẽ không có thưởng và giảm lương khiến cho nhiều người lo sợ.
Chạy đua chỉ tiêu khiến cho một số nhân viên giao dịch tại ngân hàng S. đã phải bỏ tiền túi ra để chi thêm phần cộng nhằm thu hút người gửi tiền. Hay có những nhân viên tại ngân hàng V. phải đi huy động người thân mang tiền đến gửi. Cán bộ tín dụng của nhiều ngân hàng thì xin phô tô chứng minh thư của người thân để "tạo vài bộ hồ sơ" cho đủ doanh số...
Các nhân viên ngân hàng đều cho rằng, áp chỉ tiêu là việc nên làm, song lãnh đạo cũng nên xem xét theo năng lực của mọi người, đừng áp quá cao khiến cho người lao động trở nên hoang mang.
Ngân hàng không bị...sáp nhập
Mới nghe thì có vẻ phi lý song thực tế có những cán bộ ngân hàng đã tâm sự rằng họ rất sợ cảnh ngân hàng sáp nhập.
Một cán bộ đang làm việc tại ngân hàng đã sáp nhập cho biết, ngân hàng kia có chế độ tốt hơn so với ngân hàng cũ của chị. Trước khi sáp nhập mọi người đều rất vui và hy vọng mọi thứ sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nhưng khi sáp nhập thành một ngân hàng mới, thì mọi công việc, chỉ tiêu hoàn toàn tuân theo ngân hàng mới, riêng chế độ lương, thưởng, bảo hiểm lại áp dụng như ở ngân hàng cũ!
Còn theo một cán bộ của một ngân hàng yếu kém thuộc diện phải tái cơ cấu trong năm nay (dự kiến vào khoảng tháng 3), anh cũng e ngại sự sáp nhập sẽ khiến cho nhiều người mất việc. Bởi lẽ, khi thành một ngân hàng mới, hoạt động sẽ được tái cơ cấu, nhân sự cũng phải cơ cấu lại cho phù hợp.
Các nhân viên ngành ngân hàng thì mong muốn những điều như vậy, còn lãnh đạo thì sao? Theo một số lãnh đạo ngân hàng, điều mà họ mong muốn nhất trong năm mới 2013 là làm ăn tốt hơn năm nay.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mong ước tưởng chừng đơn giản ấy lại rất khó khăn, đặc biệt với các ngân hàng có nợ xấu cao. Bởi lẽ năm 2013 các ngân hàng sẽ phải rà soát lại tình hình nợ xấu, phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, phải tuân thủ hàng loạt các quy định nghiêm ngặt khác nữa nên lợi nhuận chắc chắn sụt giảm, thậm chí giảm thê thảm.
Theo thống kê của ngành ngân hàng, lợi nhuận của toàn ngành năm 2012 đã giảm tới một nửa, riêng các ngân hàng tại Tp.Hồ Chí Minh, mức lãi giảm tới 96% so với năm 2011.
Nguyễn Hằng - Thành Hưng
nhân viên chi phí hoạt động ngân hàng mông tín dụng người lao động trích lập dự phòng khó khăn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.