Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Cảm động chuyện những quản giáo trực tết

giáo dục gia đình bão gia

'Nhiều phạm nhân nhớ nhà quá chẳng biết gọi ai đành lôi tên cán bộ ra gọi, đấy là chưa kể nhiều người vì ăn no, bội thực... cũng chỉ biết cầu cứu quản giáo', anh Hùng kể.

Giật mình nghe tiếng gọi "cán bộ ơi"

Đón tết trên chòi canh, ở phòng làm việc là chuyện thường xuyên với những chiến sĩ công an làm việc trong trại giam thế nên chuyện bận rộn ngày tết hơn ngày thường cũng là điều dễ hiểu.

Từng hơn 10 năm đón giao thừa tại nơi công tác, trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, đội phó đội quản giáo phân trại 3, trại giam Hoàng Tiến, Bộ Công an bảo 2/3 số lần trực tết là suôn sẻ, song cũng có nhiều cái tết chưa kịp đưa miếng bánh lên miệng là vứt đấy chạy bởi... "có biến". Có biến ấy, theo anh Hùng nhiều khi đơn giản chỉ vì những tiếng kêu: "Cán bộ ơi" do mất điện.

"Nhiều phạm nhân nhớ nhà quá chẳng biết gọi ai đành lôi cán bộ ra gọi, đấy là chưa kể nhiều người vì ăn no, bội thực...cũng chỉ biết cầu cứu cán bộ", anh Hùng cho biết.

Các phạm nhân nhận quà tết từ gia đình.

Tết đến xuân về, ai cũng muốn được quây quần bên mâm cơm, ấm cúng mùi hương trầm và tận hưởng cảm giác lâng lâng của những lời chúc tụng. Với những kẻ lầm lỗi, dẫu khẩu phần ăn đầy đủ hương vị ngày tết nhưng càng khiến họ không thôi nghĩ về gia đình và vì thế mà nảy sinh tiêu cực, bi quan. Ngày thường vẫn phải làm công tác tư tưởng để phạm nhân yên tâm cải tạo, mấy ngày tết, các quản giáo lại bận rộn hơn bởi ngoài những lời chúc tết ra, các anh còn phải dành cho phạm nhân nhiều hơn những câu dỗ dành, khích lệ.

"Thường thì đêm 30 là vất vả nhất, bởi thời khắc bước sang năm mới dễ khiến người ta xúc động, thế nên bỗng nhiên im ắng hay chợt rộ lên tiếng cười, âm thanh lạ nào cũng khiến chúng tôi giật mình, cảnh giác", anh Hùng kể. Theo anh Hùng: "Nhất là nghe nhiều tiếng gọi cán bộ ơi thì chỉ có nước bỏ tất cả mà chạy vào".

Được nghỉ lao động trong mấy ngày tết rồi tiêu chuẩn ăn uống nhiều hơn ngày thường, chưa kể quà của gia đình, bạn bè gửi vào nên nhiều phạm nhân chén "tì tì" đến bội thực, ôm bụng quằn quại gọi cán bộ. Ấy là chưa kể một số phạm vì tiếc những đồ tiếp tế để dành đã ôi thiu, thay vì vứt đi thì "gửi anh bạn" dạ dày, đến khi "tào tháo đuổi" chỉ còn biết cầu cứu cán bộ.

"Ngày thường công việc cuốn lấy ai cũng quen rồi nhưng ngày tết thì nhiều chuyện bất ngờ đến lắm. Có phạm nhân mấy cái tết trong tù chẳng sao, vậy mà bỗng dưng đổi tính. Nhiều khi chỉ cần một người trong buồng khóc hay nói một câu bi quan thế là thành khởi xướng cho một "dàn đồng ca" nước mắt. Phạm nhân sống trong trại vài năm rồi mà còn như vậy, nói gì những người mới đến, tâm lý còn chưa ổn định, trong khi cán bộ giáo dục và quản giáo chưa có thời gian tìm hiểu tâm tính của họ. Thường thì dịp giáp tết nguyên đán, số phạm có án mới được điều chuyển về nơi cải tạo nhiều hơn, vì thế ngày thường quản giáo đã vất vả nhưng ngày lễ tết còn vất vả hơn", anh Hùng tâm sự. Quản giáo vất vả canh coi, giữ trật tự còn cán bộ giáo dục thì cũng mất ăn mất ngủ để lựa lời động viên, khuyên nhủ, giúp họ vượt qua cảm xúc tức thời để ổn định tâm lý.

Chạnh lòng tiếng trẻ trong buồng giam

So với các quản giáo trong trại giam Hoàng Tiến, đại úy Đinh Trọng Tuấn, phụ trách giáo dục phân trại 2, cũng không thua kém số lần ăn tết trong trại. Điều đặc biệt là phân trại anh còn có một nhà trẻ, con của các phạm nhân nữ mang vào trong quá trình thi hành án nên ngoài việc động viên, dỗ dành người lớn, đôi khi anh còn là bảo mẫu của đám trẻ con phạm.

Những cháu bé phải đón tết trong trại cùng bố mẹ.

"Năm nào trực tết cũng thế, qua giao thừa là tôi đi từng buồng giam chúc tết, vừa là động viên các phạm nhân, đồng thời kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở người trong phòng chú ý giữ gìn sức khỏe, vệ sinh và tìm hiểu xem có điều gì bất thường để có biện pháp xử lý, ngăn chặn. Sáng hôm sau, mồng một tết, anh em chúng tôi vào tặng quà các cháu nhỏ con phạm nhân", anh Tuấn kể.

Đã quá thuộc tên, tính nết của từng đứa trẻ, đươc chúng bi bô gọi bác, gọi chú và cả gọi cán bộ song những ngày tết, lần nào anh Tuấn cũng chạnh lòng khi nghĩ tới con mình. Anh bảo dẫu sao thì chúng cũng là những đứa trẻ, mong được tặng quà ngày tết nhưng vì điều kiện gia đình, vì việc làm tội lỗi của bố mẹ mà phải vào trại giam thế nên rất thiệt thòi. "Năm nào trại cũng có quần áo mới, quà tặng con phạm nhân sống cùng cha mẹ. Ở trong này chúng khôn lắm, cái gì cũng biết, thấy cán bộ vào là xòe tay xin tiền mừng tuổi. Nghĩ cũng thương nhưng không thể trái nội quy nên anh em phải chuẩn bị sẵn kẹo để lì xì cho chúng, chỉ có phong bao màu đỏ song bọn trẻ cũng vui lắm", anh Tuấn tâm sự, giọng đầy xúc động.

Đã là cha của hai đứa trẻ, anh Tuấn chưa quên lần đưa phạm nhân nữ đi đẻ đúng đêm giao thừa khi vừa bước chân vào nghề quản giáo. Lần ấy, trong khi phạm nhân vào buồng sinh nở, ở bên ngoài, anh Tuấn cứ lóng ngóng không biết phải viết thế nào trong khi cô y tá cứ giục: "Anh là chồng của cô kia thì ký vào đây". Trong khi thời điểm đó, anh quản giáo này còn chưa có người yêu.

Vất vả, căng thẳng ngay cả trong những ngày tết dường như là chuyện ngày thường của quản giáo trại giam, song với trung úy Nguyễn Đình Tùng, quản giáo đội phạm nhân phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, trại giam Nam Hà thì cái khó của anh lại là những chuyện thật khôi hài. Phạm nhân do anh quản lý đa số là đồng bào dân tộc, sống ở vùng sâu vùng xa, còn nặng về phong tục của địa phương nên việc giáo dục không phải một sớm một chiều. Đã thế họ lại còn nói tiếng phổ thông chưa sõi, trình độ văn hóa gần như không có nên sự hiểu biết càng hạn chế. Những ngày tết, với họ là ăn chơi và uống rượu nên khi được phát quà tết, họ cứ bảo thiếu rượu.

"Cách đây mấy năm, trong đội tôi quản lý có phạm nhân Thào Chi Son, không được gia đình thăm hỏi thành ra nghi ngờ cán bộ cho sai địa chỉ với lý lẽ: 'Tao viết thư về cho vợ con mấy cái rồi mà sao không có ai xuống thăm'. Rồi Son cho rằng chỉ nên tin đảng trên cây chứ đừng tin đảng dưới đất. Đảng trên cây mà anh ta nói chính là cái loa tuyên truyền đấy. Thế nên để thuyết phục họ tin và nghe theo, làm việc gì người quản giáo cũng phải chuẩn mực, không được xảy ra sai sót dù chỉ là lời nói", anh Tùng tâm sự.

Nhiều năm tiếp xúc với phạm nhân là người vùng cao, anh đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm cũng như nắm bắt khá rõ đặc tính của người dân tộc. Theo anh Tùng, trông họ có vẻ ngoan ngoãn thế thôi chứ thực ra rất bảo thủ. "Mình nói thì họ cứ vâng vâng dạ dạ thế thôi chứ đến lúc bắt tay vào việc là lại làm theo ý họ. Nhiều lúc bực mà vẫn phải cố nhịn nhưng không phải là không có cách dạy. Họ trông có vẻ chậm chạp thế nhưng khéo tay lắm, việc chẻ tre, giang, đan lát là nhất đấy", anh Tùng kể.

Mới vào nghề chưa được chục năm, song anh Tùng cũng có gần số năm đó ăn tết ở đơn vị. Anh bảo đó cũng là một cơ hội để anh và phạm nhân tìm được sự đồng cảm bởi cùng cảnh xa nhà, vắng người thân. Những lời chúc tết, món quà nho nhỏ của anh khi đến từng buồng giam khiến những phạm nhân vốn kiệm lời, định kiến trò chuyện cởi mở hơn, giúp anh dễ dàng hơn trong quá trình quản lý, giáo dục phạm nhân sau này.

Đại tá Dương Đức Thắng, Giám thị trại giam Nam Hà cho biết mặc dù năm nay trại mới chuyển đến chỗ ở mới, cây cối còn chưa xanh tốt nhưng không vì thế mà các trò vui chơi giải trí, các cuộc thi giữa các phân trại và các buồng giam bị xem nhẹ. Ngoài việc thi đấu bóng đá, bóng chuyền, đánh cờ,...trại còn tổ chức thi câu đối tết, mâm ngũ quả đẹp, buồng giam ngăn nắp, khoa học giữa các buồng giam và các phân trại với nhau, chấm giải và có phần thưởng.

"Cán bộ cũng có những trận thi đấu, phạm nhân cũng vậy, phần thưởng chỉ là xà phòng, bàn chải đánh răng, mì tôm, bánh kẹo nhưng nó khích lệ tinh thần mọi người rất nhiều", giám thị Thắng nói. Hỏi anh về số cán bộ trẻ, anh cười bảo họ là lực lượng hăng hái tham gia trực tết song cũng khối người lần đầu ăn tết với phạm nhân, lén lên chòi canh khóc, nước mắt chảy nhưng tay vẫn cầm chắc súng, không rời vị trí quan sát.

Phong Anh (Xzone/TTTĐ)

bão giáo dục gia gia đình

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...