mông phát huy du khách
Đền Trần Thương ở thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, Hà Nam.
Khu vực đền Trần Thương nói riêng và xã Nhân Đạo nói chung trước kia là vùng sông nước, đồng chiêm trũng được Trần Hưng Đạo chọn đặt kho lương vì có thế đất linh thiêng mang biểu tượng "Hình nhân bái tướng" lại thuận tiện trong việc di chuyển lương thảo, khí giới từ Thăng Long tới các khu quân sự trong cuộc ứng phó với quân Nguyên - Mông lần thứ hai (1285).
Sau khi chiến thắng quân Nguyên - Mông trở về ngài đã cắm sinh phần, lấy dân ở đây làm tội lệ, từ đó có tên làng Trần Thương. Chính vì hội đủ yếu tố "Thiên - Địa - Nhân" nên nhân dân đã dựng đền thờ ngài trên mảnh đất Trần Thương để tưởng nhớ công ơn vị tướng tài ba được người đời tôn vinh lên "Bậc thánh".
Theo các cụ già ở thôn Trần Thương: Hàng năm cứ vào "Tháng Tám giỗ Cha" các cụ đều có lệ rước nước và nhập lương từ sông Hồng. Tục này nhằm tái hiện lại dữ kiện lịch sử về việc phát lương khao quân của quân đội nhà Trần khi đánh thắng giặc Nguyên - Mông lần thứ ba (1288) trở về.
Dựa trên những yếu tố lịch sử và tâm linh, từ năm Canh Dần (2010) tỉnh Hà Nam đã tổ chức Lễ phát lương cầu lộc, cầu phúc, cầu một năm sung túc, no đủ cho nhân dân và khách thập phương về lễ bái tại đền.
Ông Ngô Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân cho biết: Lễ hội phát lương đền Trần Thương được tổ chức đầu xuân với mong muốn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; đồng thời giáo dục các tầng lớp nhân dân về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của ông cha.
Theo đó, Lễ phát lương năm 2013 sẽ được tổ chức vào 0 giờ ngày 14 tháng Giêng năm Quý Tỵ tại đền Trần Thương. Trước đó, vào ngày 10 tháng Giêng, nhân dân thôn Trần Thương đã làm lễ cáo yết xin phép Đức Thánh Trần cho tổ chức lễ phát lương.
Nghi trình lễ phát lương có ba phần : Lễ rước lương thảo từ kho lương vào trong đền làm lễ do bảy cô gái thanh tân mặc áo dài màu đỏ, đội khăn đỏ, đội bảy mâm đựng những túi lương nhỏ, chín chàng trai tân mặc quần áo màu đỏ, đầu đội nón lá cũng màu đỏ, thắt lưng khăn vàng, ống chân quấn xà cạp viền xanh, chân đi giày vải màu vàng có trách nhiệm khiêng kiệu, trên kiệu đặt ba túi lương lớn (với tổng 8.888 túi lương nhỏ). Đi đầu đoàn rước là đội sư tử dàn trống, chiêng, cờ ngũ sắc, bảy mâm lương thảo, đội tế nam, đội tế nữ của xã, đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, tỉnh huyện, nhân dân và du khách thập phương. Phần thứ hai là lễ châm đuốc và dâng hương của các đại biểu. Phần thứ ba, bảy cô gái, chín chàng trai rước lương thảo vào hậu cung làm mật lễ.
Du khách về với lễ hội phát lương sẽ nhận được một túi lụa màu đỏ ngoài ấn và thẻ, bên trong túi lương của Đức Thánh Trần năm Quý Tỵ sẽ có ba loại hạt chủ lực của vùng đất sản xuất Lý Nhân đó là: ngô đỏ, đậu tương và nếp cái hoa vàng.
Lễ hội phát lương được diễn ra bắt đầu từ giờ Tý đêm ngày 14 đến hết ngày 16 tháng Giêng. Cùng đó, để tạo không khí hân hoan phấn khởi cho du khách thập phương về dâng hương xin lộc, vãn cảnh đền, ngoài nghi trình trang nghiêm của phần lễ, ban tổ chức gia tăng nội dung các phần hội, các trò chơi, diễn xướng dân gian, thi đấu thể thao trong ba ngày từ 14 đến 16 tháng Giêng.
Việc phục dựng và duy trì tổ chức Lễ hội phát lương đầu năm đền Trần Thương của tỉnh Hà Nam đã góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, đồng thời tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, đặc biệt là thời Trần để động viên nhân dân phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn.
Lễ hội phát lương đền Trần Thương còn là một trong ba lễ hội vùng của tỉnh Hà Nam. Lễ hội có ý nghĩa là cuộc hành hương về cội nguồn không chỉ đối với người dân địa phương mà đối với người dân cả nước. Đặc biệt lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới có ý nghĩa thiết thực trong việc động viên nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
phát huy mông du khách
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.