4000 tỷ làm SGK điện tử: Câu hỏi phải trả lời! 4000 tỷ làm SGK điện tử: Lộ máy tính bảng siêu rẻ
Chia sẻ thông tin với Đất Việt, ngày 28/8, ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: "Hiện nay, Hà Nội chưa tiến hành thực hiện đề án nào liên quan đến SGK điện tử, nên không bình phẩm hay nhận xét được đề án của Sở GD-ĐT TPHCM".
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Minh Hùng - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cũng cho biết: "Đà Nẵng cũng chưa có ý định áp dụng hệ thống SGK điện tử vào giảng dạy trong thời gian tới".
4000 tỷ làm SGK điện tử: Câu hỏi phải trả lời!
Những nhận định này được đưa ra khi đề cập đến đề án chi 4000 tỷ đồng để số hóa hệ thống SGK hiện nay thành SGK điện tử, thí điểm học sinh lớp 1,2,3 trên địa bàn TPHCM.
Trong khi, theo ông Đỗ Minh Hoàng - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM, thì thành phố có thông lệ đầu năm dương lịch, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ tổ chức buổi lắng nghe nguyện vọng của các em học sinh trên địa bàn, tức là mời các em đến trao đổi trực tiếp với lãnh đạo. Trong buổi làm việc đầu năm 2014, các em có đề đạt, muốn được triển khai lớp học thông minh, ứng dụng SGK điện tử, máy tính bảng, thay vì SGK phải cầm theo nặng nề.
Hà Nội, Đà Nẵng chưa nghĩ đến việc thực hiện đề án này
Cũng từ nguyên nhân đó mà lãnh đạo TP mới có chủ trương thí điểm sử dụng SGK điện tử cho học sinh.
Trước việc, có nhiều luồng ý kiến dư luận trước đề án này, ông Hứa Ngọc Thuận – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng: "Đề án của Sở GD-ĐT cần phải gửi các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo, tiếp thu hết tất cả các ý kiến. Sau khi hoàn thiện, thấy yên tâm thì vào đầu năm học mới 2014 - 2015, lấy ý kiến của phụ huynh. Rất nhiều nội dung cần phải cụ thể và phải được sự đồng thuận rất cao thì mới có thể thực hiện được, còn hiện đề án vẫn chỉ là đề án".
NXB Giáo dục nói về máy tính bảng siêu rẻ
Trong một diễn biến khác, nhìn nhận về đề án này, ông Nguyễn Minh Khang, phó Tổng giáo đốc NXB Giáo dục VN chia sẻ quan điểm: Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhận thức được sự phát triển tất yếu của sách điện tử, sách điện tử sẽ là phương thức cơ bản của hoạt động xuất bản, các nhà xuất bản đã bắt đầu xây dựng chiến lược phát triển xuất bản điện tử.
Với xu thế chung đó, NXBGD Việt Nam nghiên cứu và tìm kiếm sự hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm để phát triển lĩnh vực xuất bản sách điện tử, trong đó có doanh nghiệp AIC.
Ông Khang cho biết NXB Giáo dục Việt Nam đã kí hợp đồng hợp tác với AIC, chuyển giao file PDF cài đặt vào thiết bị của AIC. Theo đó, NXB Giáo dục VN chỉ kí Hợp đồng chuyển file dữ liệu SGK dưới dạng file PDF để sử dụng đối với 15.000 thiết bị của AIC.
4000 tỷ làm SGK điện tử: Lộ máy tính bảng siêu rẻ
Được biết, doanh nghiệp AIC chính là doanh nghiệp đã có chiếc máy tính bảng siêu rẻ có cấu hình phù hợp với tiêu chí của Sở GD-ĐT TPHCM, cũng là một trong những DN sẽ tham gia đấu thầu làm chủ đầu tư, trong dự án đầu tư hơn 4000 tỷ đồng làm SGK điện tử.
Cụ thể, chiếc máy tính bảng này có tên là Smart Education mang thương hiệu AIC Group tại một doanh nghiệp có trụ sở ở TP.HCM. Được báo giá 45 USD, tức khoảng 900.000 đồng. Đặc biệt nếu nhập về với số lượng hàng lớn đến hàng trăm nghìn chiếc thì giá có thể chỉ còn khoảng 500.000 - 700.000 đồng.
Tuy nhiên, việc giới thiệu máy tính bảng giữa AIC và Sở GD-ĐT TPHCM, nếu có thì theo quan điểm của ông Khang, đó là việc thỏa thuận giữa hai đơn vị, NXB Giáo dục VN không tham gia vào dự án giữa hai đơn vị trên. NXB Giáo dục VN không tham gia vào đề án này.
Trước đó, chia sẻ ông Đỗ Minh Hoàng - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: "Máy tính bảng theo bảng giá của một số đơn vị đưa ra khoảng 500USD, nhưng riêng hãng Samsung áp dụng cho TPHCM thì chỉ có 4-5 triệu đồng/máy".
Như vậy là con số mà Sở GD-ĐT TPHCM đưa ra là từ 4-5 triệu 1 máy với nhãn hàng Samsung.
Hơn nữa, theo chia sẻ của ông Hoàng, Sở không được phép lựa chọn nhà cung cấp máy tính. Nếu muốn mua thì thẩm quyền quyết định thuộc UBND tỉnh. Sau khi ủy ban tổ chức đấu thầu xong, Sở kế hoạch đầu tư sẽ tham gia về tài chính, theo tiêu chí của nhà tư vấn về cấu hình. Đơn vị nào đáp ứng được yêu cầu thì mới tham gia đấu thầu và sau khi trúng thầu thì mới được cung cấp.
Về đề án này, ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã đặt câu hỏi: "Việc bắt phụ huynh móc tiền túi ra lo cho con em mình, có thể đặt câu hỏi có lợi ích nhóm nào ở đây không?".
Vì ông thiết nghĩ, để làm được thì các DN bán máy tính bảng có được lợi quá nhiều từ đây, nên cần phải cân đo xem có lợi ích nhóm ở đây không, ngay việc làm đồng phục học sinh, phong trào khác đều le lói tiêu cực trong đó.
Thanh Huyền