Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Giữ không gian tâm linh cho hồ Gươm n KTS Đoàn Đức Thành

môi trường phương tiện giao thông giao thông công trình

Theo quy hoạch tổng thể hồ Gươm trước đây chưa từng có hạng mục ga tàu điện ngầm. Quy hoạch lúc đó khác hẳn về vấn đề giao thông, mật độ dân số... Nay đùng một cái có phương án đặt ga C9 tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo trên phố Đinh Tiên Hoàng, sát hồ Gươm. Nhưng hồ Gươm theo quy hoạch là không gian tâm linh, nó không phải là một đầu mối giao thông. Hãy tránh xa hồ Gươm khi cần đặt một bến tàu trong lòng Hà Nội.

Sương sớm hồ Gươm

Ảnh:Quang Minh

Nếu xây ga tàu ngay sát Bờ Hồ đáp ứng được yêu cầu của một bến tàu điện ngầm thì sẽ biến không gian tâm linh hồ Gươm trở thành nơi ồn ào, bát nháo. Như vậy ảnh hưởng rất lớn tới hồ Gươm. Khi quy hoạch tổng thể hồ Gươm cách đây vài chục năm, tính chất của hồ Gươm được phê duyệt trong quy hoạch tổng thể rất khác. Nó không phải là một đầu mối giao thông, mà được quy hoạch là một không gian tâm linh.

Trước đây có ý kiến quy hoạch hồ Gươm trở thành phố đi bộ, nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa được thực hiện. Mà lượng người sinh sống cũng như giao thông qua lại hồ Gươm mỗi ngày một đông thêm. Giờ đặt thêm cửa ga tàu ở hồ Gươm thì không biết lượng người sẽ tăng tới đâu?

Mà đã là một đầu mối ga thì sẽ phát sinh dịch vụ đưa đón, vô hình chung, khu vực Bờ Hồ sẽ trở thành nơi tập trung bến taxi, xe ôm, người bán hàng rong, người ngồi nghỉ, và đã có ghế ngồi nghỉ thì phải có mái che cho khách, rồi nhu cầu nhà vệ sinh phục vụ khách... Mặt khác, ga tàu điện ngầm có mật độ đi lại rất cao, vì cứ 15 -20 phút lại có một chuyến. Thành ra, xe cộ sẽ đến, đi liên tục, nơi đây sẽ trở thành cực kỳ nhốn nháo như những ga tàu hiện nay.

Hồ Gươm luôn bị đe dọa bởi những công trình xung quanh nó, bởi khu vực này là miếng đất ngon, đất vàng, hái ra của. Cho nên là tất cả các cơ quan, nhà đầu tư đều muốn bám vào hồ Gươm bằng cách nâng tầng nhà. Trước đây, người Pháp quy định xung quanh hồ Gươm chỉ được xây công trình từ 2 -3 tầng. Thành ra đường đi quanh hồ Gươm mật độ giao thông bao giờ cũng thưa thoáng, đi xung quanh hồ thấy phong cảnh lãng mạn, phóng khoáng. Nhưng do bây giờ, các công trình cao tầng ngày càng xuất hiện nhiều, từ khách sạn, trung tâm thương mại đến hầu hết nhà dân cũng đều xây cao tầng, dẫn đến mật độ người sẽ tăng, phương tiện sẽ nhiều lên, hạ tầng dồn vào xung quanh hồ Gươm gây quá tải khiến môi trường hồ Gươm không còn là môi trường trong lành, môi trường tâm linh nữa mà nó đang ngày một ô nhiễm. Và nếu như để bến tàu ở đây thêm nữa thì hồ Gươm sẽ trở thành nơi vừa ô nhiễm, vừa bát nháo.

Các nhà quy hoạch và quản lý Thủ đô phải thấy trước điều đó. Nếu để xây xong rồi mới xử lý thì chỉ là vuốt đuôi. Mà phải thấy trước, đã thấy trước là phải tránh. Cứ cố ý làm, hậu quả sẽ thấy ngay chỉ trong chừng 1 năm sau chứ không phải xa xôi gì.

Tôi đi ra nước ngoài như Nga, Singapore, Trung Quốc..., thấy một số ga tàu điện ngầm ở cửa ngõ lên rất rộng, thoáng, không gian lớn và có tất cả các dịch vụ phục vụ khách. Nếu như một ga tàu điện ngầm mọc sát hồ Gươm thì không thể đủ không gian. Hồ Gươm như một dòng chảy của giao thông, lúc nào cũng xe cộ qua lại tấp nập, giờ thêm bến tàu điện ngầm thì không hiểu lượng người sẽ quá tải đến đâu.

Có thể, chủ đầu tư chỉ quan niệm giản đơn, bến tàu đó chỉ là nơi lên, sau đó người ta đi bộ dạo quanh hồ Gươm. Không có chuyện đó, mà chính là vấn đề phương tiện giao thông kèm theo rất nhiều thứ. Nếu số lượng người đi tàu điện ngầm ngày càng nhiều thì không gian quanh hồ Gươm sẽ hỏng hoàn toàn. Quy hoạch hồ Gươm do Bộ Xây dựng thực hiện, nhưng chính Bộ lại là nơi "bật đèn xanh" cho các công trình cao tầng mọc lên xung quanh hồ Gươm, như: khách sạn Hà Nội Vàng, Tràng Tiền Plaza do Bộ cấp phép.

Phải xây bến ga như thế nào để đáp ứng với yêu cầu của một ga tàu điện ngầm là vấn đề được đặt ra. Hiểu theo cách quá tải trên mặt đất, nên xây ngầm dưới đất, thì đó là vấn đề không gian. Vấn đề quá tải trên mặt đất là quá tải phía trên, còn không gian bên dưới cũng là cả một khối lượng người rất lớn, khi họ ồ ạt từ tàu điện ngầm đi lên thì cũng khiếp lắm. Thành ra lượng người bên trên nén xuống, bên dưới trồi lên sẽ tạo không gian "loạn" ở hồ Gươm. Người ùn lên phải giải quyết các vấn đề liên quan đến bến đỗ ô tô, xe máy, nhà chờ, người bán hàng rong, nhà vệ sinh...Chỉ riêng bán hàng rong giờ Hà Nội cũng thực hiện chưa dứt điểm. Như vậy, sẽ không thể cứu vãn nổi không gian tâm linh cho hồ Gươm - theo quy hoach hồ Gươm cách đây vài chục năm. Mà cũng nên trả lại không gian tâm linh cho hồ Gươm, bởi xung quanh khu vực này đậm đặc các công trình tâm linh.

Theo tôi, nên đặt ga tàu tránh xa hồ Gươm ra, có thể là 100 mét cũng được. Có thể đưa vào phố Nguyễn Hữu Huân, hay Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo hay một khu phố nào gần đó. Tất nhiên, đưa vào những điểm đó là rất "khó nhá", vì nó vướng vào những công trình, đền bù là rất lớn. Nhưng thà đền bù lớn bây giờ còn hơn là tận dụng thuận lợi hiện nay là không gian trống sát hồ Gươm để làm mất luôn không gian ấy.

Tôi xin nhấn mạnh rằng, nên tránh xa hồ Gươm khi cần đặt một bến tàu điện ngầm trong lòng Hà Nội.

M. Hải(ghi)

công trình giao thông môi trường phương tiện giao thông

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...