thế giới nguy hiểm văn hoá đàn ông bão bóng đá gia đình gia
Ở tuổi 37, Phương Mai đã xê dịch qua 80 quốc gia. Cá tính mạnh, thích khám phá, cô thường độc hành trải nghiệm cuộc sống ở những nơi nguy hiểm nhất thế giới.
Nguyễn Phương Mai
Trong hành trình xuyên qua 13 nước Trung Đông mới đây, có lúc cô phải đeo nhẫn cưới giả để tránh bị "bắt về làm vợ". Những bài viết của cựu Thư ký tòa soạn - chủ bút của tờ Hoa Học Trò, về thế giới Hồi giáo, luôn nóng hổi bởi cô đã trải qua những thời gian khốc liệt nhất ở đó. Trong cuộc trò chuyện đầu Xuân với báo Bóng đá, Phương Mai chia sẻ một góc tâm tư êm đềm với hoài niệm da diết về Tết và xúc cảm về những giá trị nhân văn mà bóng đá đem lại cho thế giới này.
HÀNH TRÌNH 13 NƯỚC TRUNG ĐÔNG
Chị có viết trên Facebook về hành trình khám phá một loạt nước Hồi giáo để viết sách. Chị đã thực hiện kế hoạch đó như thế nào?
-Hành trình của tôi sẽ khởi đầu ở Saudi Arabia và tỏa ra khắp thế giới, phía Đông lấn tới Ấn Độ và tận cùng châu Á ở Indonesia; phía Tây vượt qua châu Phi và tràn ngập châu Âu.
Hiện nay, hành trình đã hoàn thành một nửa với 13 đất nước Hồi Giáo và đủ sắc thái: giàu nứt đố (Saudi Arabia) hay nghèo kiết xác (Yemen), rất cởi mở (Lebanon) cũng như cực kỳ khắt khe (Syria, Ai Cập, Libya...), nơi phụ nữ hồn nhiên mặc áo 2 dây và váy siêu ngắn ra đường (Dubai, Morocco) hay phần lớn che mặt (Saudi, Yemen) hoặc đội khăn che tóc (Ai Cập). Trung Đông là những mảng màu mosaic (tranh ghép kính-PV) cực kỳ sinh động và đa dạng.
Hiện tại, do ngân quỹ đã cạn, thế nên, tôi quay lại công việc giảng dạy tại trường Đại học Khoa học & Ứng dụng Amsterdam (Hà Lan) để "sạc pin" và chờ tài trợ. Trong khi chờ thì viết sách. Hy vọng đến 2014, tôi có thể tiếp tục nhằm hướng Đông thực hiện phần còn lại của tour du lịch qua các nước Hồi giáo. Nó sẽ được tôi tiếp tục chia sẻ trên trang mạng www.CultureMove.com hay facebook.com/dr.nguyenphuongmai.
Độc hành qua những đất nước nhạy cảm và xung đột như vậy, chị đã trải qua mối nguy hiểm nào chưa? Chị đã giải quyết tình huống như thế nào? Rút ra bài học hoặc sự suy ngẫm sau đó?
-Trong 13 đất nước tôi đặt chân đến, rất nhiều nơi đang ở tình trạng bất ổn hoặc đang có nội chiến. Tuy nhiên, muốn "được trải qua" những nguy hiểm đến từ súng đạn là rất khó. Trên bản tin thời sự có thể đầy khói bom, nhưng nếu ngó qua cửa sổ khách sạn ở khắp Trung Đông, cuộc sống thường nhật vẫn diễn ra bình lặng.
Một trong những trường hợp nguy hiểm nhất xảy ra với tôi là vụ bị giật túi ở Syria. Hai thanh niên nhập cư người Lebanon tình cờ cùng tôi đến thăm một di tích tôn giáo, nhưng sau đó, khi chúng nhìn thấy chiếc máy điện thoại đắt tiền của tôi thì bỗng nổi lòng tham và ra tay.
Chúng bị dân chúng truy đuổi, rồi bị bắt quỳ gối xin lỗi bằng cách hôn chân tôi, và còn bị dán ảnh ra khắp phố phường. Nhưng người dân lại quyết định không báo cảnh sát vì muốn cho chúng một đường sống. Tôi gạn được nhiều bài học từ phiên tòa "đặc biệt" này. Đó là sự nghiêm khắc nhưng cũng rất độ lượng của người dân, ngay cả khi ở đỉnh điểm của chiến tranh và loạn lạc.
Vì lý do gì mà chị thường độc hành?
-Nói đúng ra là tôi khởi hành một mình, và tiếp tục hành trình với nhiều bạn đồng hành khác nhau. Tôi thường ở nhà người bản xứ đến khoảng 80% các chuyến du hành. Bản chất con người là luôn tìm đến đối thoại với đồng loại. Tôi chọn việc lên đường một mình vì không muốn bỏ lỡ những trải nghiệm đối thoại với người lạ chỉ có thể đến khi bản thân kẻ du hành ở trong tình trạng độc hành.
Ngoài những đồ cần thiết, vật gì không thể thiếu trong hành trang của chị?
-Tôi thường chuẩn bị quần áo theo một gam màu nhất định cho cả chuyến hành trình để dễ phối quần phối áo. Tôi vốn là kẻ điệu đà và thích chăm sóc cho bản thân nên lăn lê trên đường cũng phải theo cách riêng. Vật không thể thiếu trong hành trang là điện thoại có chức năng ghi âm và đèn pin.
ĐEO NHẪN CƯỚI GIẢ ĐỂ ĐƯỢC AN TOÀN
Một cô gái tươi trẻ, gợi cảm, lại đi một mình quả là... "nguy hiểm". Và để giữ an toàn, chị đã đeo một cái nhẫn cưới giả như mình đã có gia đình?
-Đúng là tôi từng đeo một chiếc nhẫn cưới giá 2 đô la để tránh bị đàn ông làm phiền. Có nhiều nơi, một cô gái (trông) còn trẻ mà chưa chồng là dấu hiệu đèn xanh cho đàn ông dò hỏi. Nếu mình không thích cách dò hỏi của họ, lúc ý tứ, lúc như thể ép hôn, thì tốt nhất là nên tránh.
Nhiều hay ít đàn ông theo đuổi tùy thuộc vào văn hóa vùng miền. Ở châu Âu, một cô gái béo quay có thể mặc cảm vì chẳng mấy ai yêu, nhưng cô ấy sẽ trở thành nữ hoàng sắc đẹp ở nhiều nước châu Phi, nơi coi tiêu chí mỡ màng là nhan sắc tối thượng. Thậm chí, thiếu nữ dậy thì còn được gia đình đưa vào những trung tâm vỗ béo để có thể tăng cơ hội kiếm chồng giàu sang.
Vậy, đàn ông theo chị có nhiều không?
-Nhiều hay ít cũng phụ thuộc vào trình độ văn hóa của mỗi người đàn ông. Bản chất của đàn ông là săn tìm đàn bà, nên việc họ theo đuổi là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, người đàn ông văn minh sẽ làm chủ được phần "Con" trong bản thân và biết kiềm chế, thể hiện văn hóa và học vấn khi giao tiếp với phụ nữ. Nhiều hay ít cũng phụ thuộc vào mục tiêu kiếm tìm của họ và sự tương thích với tính cách và kiểu sống của tôi. Đã từng có một anh chàng người Việt than: "Mai ơi, em là người tình thì được, chứ làm vợ thì hỏng!"
Nhưng ở nơi nào chị thấy mình trở nên quyến rũ nhất?
-Ở Bắc và Tây Âu. Đó là nơi tôi có thể dễ dàng nhận biết ai thích mình vì sự quyến rũ thể xác, quyến rũ trí tuệ, hoặc cả hai. Ở nhiều nơi khác, nhiều khi chẳng biết họ thích vì mình quyến rũ hay đơn giản chỉ là họ được cài chương trình "giết thừa còn hơn bỏ sót!".
BÓNG ĐÁ LÀ CẦU NỐI NHÂN VĂN
Trong 80 nước chị đã đi qua, có bao giờ chị gặp chuyện gì thú vị liên quan đến bóng đá không?
ê Tôi coi bóng đá không phải môn thể thao mà là cầu nối nhân văn. Ở Hà Lan nơi tôi đang sống và làm việc, từ khi đạo diễn Theo van Gogh (người sản xuất phim ngắn "Submission" dài 11 phút, với nội dung chỉ trích sự đối xử tàn tệ với những người phụ nữ Hồi giáo- PV) bị một kẻ Hồi giáo cực đoan ám hại, mối quan hệ giữa người bản xứ và dân nhập cư khá căng thẳng.
Nhưng chỉ cần một vài trận đá bóng ở World Cup hay EURO, đất nước Hà Lan như biến thành xứ khác. Tôi từng ứa nước mắt khi thấy gã hàng xóm, bình thường mở mồm ra là chửi rủa dân Morocco nhập cư, bỗng dưng đăng tải lên mạng những bức hình anh ta khoác vai bá cổ những CĐV bóng đá người Morocco nhập cư lạ hoắc gặp dọc đường.
Lúc đó, không còn ranh giới dân bản địa hay người nhập cư nữa, mà chỉ còn lại một thể thống nhất: lực lượng CĐV của "Cơn lốc màu Da Cam". Nhờ có những ngày hội bóng đá đó mà những vết thương kỳ thị tôn giáo, chủng tộc ở Hà Lan được hàn gắn.
Quả là một câu chuyện mang tính thời sự và nhân văn. Còn riêng chị, chị có thần tượng cầu thủ hay đội bóng nào không?
-Với bóng đá, tôi là kẻ thuần túy "té nước theo mưa". Vào sân bóng, tôi say mê ngắm các cổ động viên cuồng nhiệt còn nhiều hơn là nhìn xuống sân cỏ. Những đội bóng tôi la hét ủng hộ thì chỉ gói gọn trong 3 tiêu chí: thứ nhất là ĐT Việt Nam; thứ hai là ĐT Hà Lan, và thứ ba là đội nào "thấp cổ bé họng"!
Nếu định mệnh sắp xếp cho chị se duyên với một cầu thủ, chị có tưởng tượng lúc ấy mình sẽ là một người vợ như thế nào?
-Thật ra tôi chẳng quan tâm lắm đến việc người đàn ông của mình làm nghề gì. Nhưng nếu anh ta là cầu thủ thì cũng có một cái hay. Đó là chắc chắn người anh ta rất đẹp, ôm chắc rất đầy tay, làm vợ được thế hẳn cũng vui!
Với một người hay xê dịch, Tết Việt trong ký ức của chị là gì?
-Cuộc sống của một kẻ hay dịch chuyển khiến những dịp lễ lạt hay thậm chí cả ngày sinh nhật của chính mình cũng mang một sắc màu khác. Tôi không có bàn thờ cha mình, nhưng tôi nghĩ về ông hàng ngày, vẫn thấy ông trong từng giấc mơ dù ông đã mất hơn 10 năm.
Tôi không tổ chức sinh nhật đã 15 năm, nhưng những lời chúc phúc tôi nhận được mỗi ngày nhiều hơn tất cả những lời chúc sinh nhật tôi từng góp nhặt. Cũng vì thế, ý nghĩa của ngày Tết trong tôi giờ chỉ còn là một cái cớ đáng yêu để làm những điều mà thật ra chẳng cần Tết thì tôi cũng làm, ăn những món chẳng cần Tết thì tôi cũng vẫn ăn, đàn đúm với những người bạn chẳng cần Tết thì tôi cũng vẫn lê la cả ngày.
Về ăn Tết theo... tập tục của các cụ, người ta lại hỏi chuyện gia đình, chị tính sao đây?
-Người châu Á mình có nụ cười rất là đa công dụng. Vui, cười! Buồn, cười! Hối lỗi, cười! Ngượng, cười! Không biết nói sao cũng cười. Ở xứ khác không áp dụng được, chứ về nhà thì dại gì mà không... cười cho xuôi chuyện?
Quà Tết của chị cho mọi người sẽ là gì?
-Tôi vốn rất dốt khoản tặng quà. Ngày xưa, mỗi lần đi nước ngoài sợ nhất là khoảng thời gian phải lang thang ngoài phố tìm mua quà cho mọi người. Dần dần, tôi thấy quà cáp trở thành một gánh nặng. Lấy hết can đảm, tôi từng một lần thông báo với mọi người là: "Lần này Phương Mai về nước vô sản! Cấm đòi quà!". Kết quả là ai cũng cười xòa.
Từ đó tôi quyết định gạt khoản quà cáp ra khỏi danh sách những âu lo. Tôi tin là gia đình và bạn bè mình hiểu. Ai không hiểu thì chắc là không gần gũi đến mức có thể hiểu. Mà đã không gần gũi thì có lẽ cũng chẳng nên... vòi quà!
Kế hoạch sắp tới của chị là gì?
-Cuộc sống của tôi lúc nào cũng ở trạng thái "ngã ba đường". Chỉ may mắn một điều là tôi thường không tốn mấy thời gian đứng phân vân. Cứ tới chính giữa hai dòng, đập cửa hỏi trái tim mình rồi nó chỉ hướng nào thì đi hướng ấy thôi. Như tôi vẫn thường nói, cãi lại trái tim mình làm gì, sau này có thắng cũng thành thua!
Cám ơn những chia sẻ của chị. Chúc chị một cái Tết an lành và thực hiện được ước nguyện đầu Xuân của mình!
bão đàn ông gia đình thế giới bóng đá nguy hiểm văn hoá gia
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.